Vậy là mọi bàn tán về chuyện bà chủ tịch hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến hay không đến thăm Đài Loan đã có câu trả lời vào lúc 22h40 tối qua theo giờ Đài Loan khi chuyên cơ chở Nancy Pelosi hạ cánh xuống Đài Bắc.
Nhưng chuyện TC có ngăn chặn phi cơ chở Pelosi, có những phản ứng quân sự mạnh mẽ hay có phát động một cuộc chiến? Thì tính cho đến lúc này chưa thấy xảy ra.
Theo phát ngôn viên toà Bạch Ốc John Kirby thì… (đại ý) TC cần hiểu hai nhánh hành pháp và lập pháp Mỹ độc lập với nhau, bà chủ tịch hạ viện có quyền đến thăm Đài Loan, cũng như trước đây một chủ tịch hạ viện Mỹ đã từng thăm Đài Loan mà không làm thay đổi hiện trạng đảo quốc. Kirby khẳng định Mỹ không mắc bẫy, không sa vào đấu đá… Nhưng cũng không sợ hãi bất cứ lời đe doạ nào…
Với cách phân bua nhiều lời và tách bạch của toà Bạch Ốc như trên cho thấy, tuy bên ngoài, sự căng thẳng Trung Mỹ vẫn đang được kềm chế, phía TC chỉ dừng lại ở những lời lẽ đe dọa, những vụ xâm phạm đường trung tuyến của phi cơ và tàu chiến, những vụ tập trận và những đe dọa tập trận chung quanh đảo quốc Đài Loan, ngưng mua hàng trăm mặt hàng hoa trái, hải sản, cát…Song trong nội tình hai nước, từ thượng tầng đến hạ cấp đều hừng hực như nồi canh hẹ đang sôi…
Nhiều người cho rằng chuyến thăm của Pelosi không thật cần thiết, vì ngoài tự sướng không giúp ích gì cho an ninh Đài Loan và ổn định khu vực, còn làm cớ cho TC tấn công Đài Loan. Nhận định này không phải là không có lý, song đó là cái lý chủ quan của người ngoài cuộc, còn người trong cuộc, tức chính phủ và nhân dân Đài Loan, thì nhìn cách họ vui mừng hớn hở đón đợi bà Pelosi cho thấy sự xuất hiện của chủ tịch hạ viện Mỹ đem lại vinh hạnh và an vui cho họ rất lớn. Bởi…
Bắt đầu từ cuộc ngoại giao bóng bàn đầu thập niên 70 thế kỷ trước, Đài Loan, tức Trung Hoa dân quốc, đã bị Tổng thống Mỹ Richard Nixon bỏ rơi để bắt đầu tiến trình quan hệ với nước mà Nixon gọi là con quái vật TC. Đến năm 1979, tổng thống Mỹ Jimmy Carter chính thức bỏ rơi Đài Loan bằng việc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với con quái vật TC, ra thông cáo chung hai nước Mỹ Trung về chủ trương một nước Trung Hoa, Đài Loan trở thành một phần của Trung Hoa… Từ đó quan hệ Mỹ – Đài trở thành quan hệ mù mờ… Mỹ không công nhận Đài Loan là một quốc gia, tôn trọng một nước TC, nhưng lại tìm mọi cách cản trở không cho TC sử dụng vũ lực hoặc bất cứ lực ép nào để thống nhất Đài Loan mà không được sự đồng ý của chính phủ và nhân dân Đài Loan.
Nói là vậy, lâu nay là vậy, song Đài Loan đã cảm nhận rõ hơn ai hết thân phận nhập nhằn của mình, rằng không thể không dựa vào Mỹ để tồn tại, nhưng dựa vào Mỹ dễ bị bán đứng. Có lẽ từ nhận thức và đau đớn bị bỏ rơi, Đài Loan đã khôn khéo giữ mối quan hệ thận trọng với hành pháp Mỹ và dành mọi nổ lực để thắt chặt quan hệ với lập pháp Mỹ. Bởi chỉ có thiết lập được những dự luật duy trì quan hệ và bảo vệ Đài Loan của cơ quan lập pháp mới hạn chế được lợi ích bán đứng của cơ quan hành pháp Mỹ.
Đó là lý do chính phủ và nhân dân Đài Loan rất quý mến và tôn trọng cơ quan lập pháp Mỹ trong mối quan hệ phức tạp với hành pháp như chuyện tình tay ba. Hiểu như thế mới thấy việc chủ tịch hạ viện Mỹ đến thăm Đài Loan là một niềm vui, nguồn hi vọng và một bảo đảm hơn nữa cho an ninh Đài Loan. Riêng đối với cá nhân bà Nancy Pelosi, năm 1991 đã đến Bắc Kinh trương biểu ngữ ủng hộ phong trào biểu tình Thiên An Môn khiến Bắc Kinh giận dữ. Từ bấy đến nay, mối quan hệ giữa Pelosi và TC không mấy êm đẹp, càng xúc tác thêm cho mối quan hệ giữa Đài Loan và Pelosi khắn khít hơn.
Mọi người cũng đã nghe những phát biểu mặn nồng của Pelosi tại Đài Bắc, đã thấy Tổng thống Đài Loan trao Huân chương “Đặc Chủng Đại Thụ Khanh Vân” cho Pelosi, đã biết rõ hơn chuyến đi của Pelosi không hoàn toàn vì lợi ích của Đài Loan, mà còn vì lợi ích không nhỏ của Mỹ, lợi ích CON CHIP, vì Đài Loan là “kinh đô con chip” thế giới, và QH Mỹ của bà Pelosi vừa thông qua dự luật phát triển Con Chip, đang chờ tổng thống ký ban hành. Cho nên:
– Trước đây: Mỹ ngầm bảo vệ Đài Loan là để bảo đảm an ninh chuỗi đảo thứ nhất ở Tây Thái Bình Dương.
– Gần đây: Mỹ ngầm bảo vệ Đài Loan là để bảo đảm chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
– Giờ đây: Mỹ ngầm bảo vệ Đài là vì… CON CHIP.
Vì vậy, rất khó để TC xâm lăng Đài Loan trừ phi liều lĩnh tấn công 5 ăn 5 thua như Nga. Nhưng rất có thể sẽ có những va chạm trong những ngày tới vì TC đang… “Quá giận mất khôn “./.