5 năm – 9 nút

- Quảng Cáo -

Lê Huyền Ái Mỹ – 

TP. HCM đang tổng kết nghị quyết 9 (chín nút).

Nhớ, sau tỷ lệ ngất ngưỡng 460/465 đại biểu Quốc hội bấm nút tán thành, đạt đến 93,69%, cứ ngỡ “đôi đũa thần” 54 sẽ giúp cho Sài Gòn cất cánh. Rồi thời gian cứ chậm rãi trôi, con số “9 lênh đênh” dạo qua khắp các phát biểu, hứa hẹn, triển khai, sắp xếp, mà đỉnh cao của nó có lẽ là thành tên gọi của năm chủ đề 2019.

Rồi gì nữa nào?

- Quảng Cáo -

Thử nhặt một “thành quả” nhẽ ra được thụ hưởng từ chín nút. Nhưng, đến sát nút vẫn quay về giá trị = 0.

Nghị quyết 54 cho phép TP.HCM được hưởng 50% khoản tiền từ việc thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị trung ương đóng trên địa bàn thành phố. Nhưng, để đi tới 50% cái “cho phép” ấy, thành phố đầu tàu toàn phải cắp cặp đi xin.

Trích một đoạn công văn trả lời của “ông nội” tài chính: “…Trong quá trình sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc trung ương quản lý, Bộ Tài chính đã luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của TP.HCM để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn phụ thuộc vào việc kê khai, lập phương án xử lý của các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trường hợp có cơ sở nhà, đất không có nhu cầu sử dụng thì mới chuyển về địa phương quản lý, xử lý hoặc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất…”.

Nhà, đất của các cơ quan do trung ương – tức ngoài khoải quản lý mà “không có nhu cầu sử dụng” thì mới chuyển về cho thành phố; mà để biết có còn nhu cầu hay không thì đợi kê khai, lập phương án xử lý (!). Nên rút cục, sau 5 năm chín nút, có đến những… 2 cơ sở nhà, đất được các cấp phê duyệt phương án bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng vẫn chưa thực hiện được việc bán, chuyển nhượng. Nên, cái đặc quyền “được hưởng 50% khoản tiền” vẫn treo trên không.

Thế hóa ra, trước/trong và sau khi trình dự thảo nghị quyết 54 ra Quốc hội, khi đã được thông qua và giờ đây, đến ngày hoàn công, những nút thắt…(cổ) mà ai cũng thấy lại hầu như chưa/không được đặt ra như những tiền đề phải được giải quyết – nếu muốn nghị quyết “đi vào cuộc sống”. Chủ trương đúng, tốt, cần thiết là một chuyện; còn kế hoạch triển khai, tổ chức thực thi, kiểm tra, giám sát nó như thế nào, thì sau đây, cơ quan nào, là ai đã từng vận động, cam kết, vì sao không có kết quả, cần phải được chỉ mặt điểm tên.

Đừng lấy 2 năm dịch để xem đó là nguyên do chính “chưa đạt như kỳ vọng”. Ngay cả trong việc triển khai chính sách thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức cũng ba lần bảy lượt, là trước khi dịch đổ bộ. Việc đánh giá, phân loại từ cao ngất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà những 64,39%, không hoàn thành dưới 0,34%; rồi sau đó phải tìm cách khống chế số lãnh đạo, quản lý xuất sắc đạt không quá 50% số lượng lãnh đạo đơn vị…

Như một kiểu xây nhà trước khi làm cống, mở đường!

Sau 54, đến nghị quyết 1111 thành lập TP Thủ Đức cũng “chớp nhoáng”. Một Thành phố mới mọc lên giữa những ngổn ngang. Không ít hoang mang. Tự hỏi, để được “ra lò” một nghị quyết, thành phố này phải tốn bao nhiêu công và của? Rồi bao giờ mới thu hồi “vốn”, “bù lỗ”, “cân đối”? Cứ công khai cho “dân biết dân kiểm tra” thì có phải hay không?

Giờ, lại hứa hẹn một nghị quyết thay thế nghị quyết 54. Nhưng, liệu có tránh được cách trình để được thông qua, còn vận hành, thực thi ra sao, giám sát từng tiến độ thì… chẳng biết quy đổi trách nhiệm về đâu, do ai.

Có nghị quyết vàng ròng, lại là thành phố đầu tàu của cả nước mà “dôi dư 5.700 công, viên chức” – thực chất là số công viên chức đang hoạt động, phục vụ trong guồng máy – đã bị “bà nội” – nội vụ quở mắng cho, bắt giải trình và phải tìm cách tinh giản. Giờ, lại phải cắp cặp đi giãi bày, đi xin xỏ.

Hôm qua nghe đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân – “tổng công trình sư 54” nói: “1km2 của TP HCM tạo ra GDP gấp 38 lần bình quân cả nước”.

Nhưng, 5 năm qua, có bao nhiêu “cây số” ra đời và người dân thụ hưởng trên nó từ nghị quyết 54 thì chưa thấy giáo sư thống kê.

Trong khi, nước sông Cửu Long không chứa nhiều phù sa như sông Hồng (ở mức cao nhất cũng chỉ 0,3 kg/1m3 nước) nhưng hằng năm, sông tải ra biển một lượng phù sa gấp từ 4-8 lần tổng lượng phù sa sông Hồng (khoảng 100 triệu tấn).

Đến con nước còn biết “đóng góp” cho biển cả hơn gấp nhiều lần, thì nói chi đến… con người. Hay vì lẽ ấy mà mấy trăm năm đã ngược dòng, há gì 5 năm một nghị quyết!

L.H.A.M.

Nguồn: FB Lê Huyền Ái Mỹ

- Quảng Cáo -