Bắt hết những người đang còn hoạt động, đang còn lên tiếng, chuyển sang “bắt nguội” những người từ lâu không còn hoạt động, bắt sạch, triệt sạch tận gốc rễ, để cả xã hội cuối cùng chỉ còn lại những người hoặc bưng bô chế độ, hoặc lặng im uất ức hoặc thờ ơ không quan tâm gì hết. Sau gần nửa thế kỷ, công cuộc “tẩy não, thanh trừng, lùng và diệt” đã thành công??
2 đứa con nhỏ của Nguyễn Lân Thắng sẽ không có sự hiện diện của người cha trong đời, trong một thời gian không biết là bao lâu….
xxxxx
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng bị công an Hà Nội bắt theo Điều 117 BLHS
Ông Nguyễn Lân Thắng, một trong những nhà hoạt động được nhiều người chú ý, vừa bị công an Hà Nội bắt tạm giam.
Tin ông Thắng bị bắt gây bất ngờ, vì trong thời gian khoảng hai năm gần đây, gương mặt từng mạnh mẽ chỉ trích chính quyền, hầu như không hoạt động gì.
“Ông Thắng rất bận bịu với hai con nhỏ nên ít đi lại ra bên ngoài như trước đây,” nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, một trong những người bạn của ông Lân Thắng, cho BBC biết, do đó, khó để biết lý do gì đằng sau dẫn tới vụ bắt giữ này. “Từ hồi sinh con nhỏ đến nay, ông Thắng lo ở nhà giúp vợ chăm sóc con cái là chính, không còn hoạt động gì nữa.”
Tuy nhiên, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nói đây không phải là chuyện quá bất thường.
“Mấy năm trở lại đây, giới chức liên tục bắt những nhà hoạt động xã hội dân sự dù hiện nay họ đã không làm gì,” ông Chênh nói. “Ở Hà Nội bị bắt nhiều nhất, với các vụ bắt Lê Trọng Hùng, Đỗ Nam Trung, Lê Dũng, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thuý Hạnh, Đoan Trang, Trương Dũng và bây giờ là Lân Thắng.”
“Hà Nội trước đó còn bắt các ông Phạm Thành, Nguyễn Tường Thụy và Lê Anh Hùng. Anh em Hà Nội bị bắt nhiều nhất.”
Trên trang Facebook cá nhân, nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng viết về vụ ông Thắng bị bắt giữ: “Bất ngờ mà lại không ‘ngạc nhiên’.”
Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng từng viết nhiều bài, trả lời phỏng vấn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, và về những vấn đề chính trị, xã hội Việt Nam.
“Ông Nguyễn Lân Thắng là nhà hoạt động xã hội dân sự từ rất sớm. Mong muốn của ông ấy là có một xã hội tiến bộ, đất nước giàu mạnh không bị Trung Quốc hiếp đáp,” nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nói.
‘Trấn áp tiếng nói đối lập’
“Chiến dịch trấn áp quá đáng và không thể chấp nhận của Việt Nam đối với quyền tự do biểu đạt vừa bẫy thêm được một nạn nhân nữa, người chắc chắn sẽ phải đối diện với một phiên tòa bỏ túi và nhiều năm tù vì dám nói lên suy nghĩ của mình,” ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói trong một thông cáo hôm 5/7.
“Việc ông Nguyễn Lân Thắng cổ súy một cách ôn hòa cho việc cải cách dân chủ và công lý cần phải được tôn trọng, lắng nghe thay vì phải đối diện với sự đàn áp bất công như thế này.”
“Chính phủ các nước trên thế giới cần phải đòi trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện cho Nguyễn Lân Thắng, và gây áp lực để Hà Nội chấm dứt làn sóng đàn áp này.”
Tin cho hay ông Nguyễn Lân Thắng bị bắt vào khoảng 8 giờ sáng. Nhà riêng của ông bị khám xét, và giới chức đã tịch thu một số thiết bị điện tử cùng một số sách về nhân quyền.
Hồi năm 2015, ông Nguyễn Lân Thắng bị hăm dọa bằng việc “hắt sơn đỏ be bét” vào nhà “trông rất kinh hoàng”, bên cạnh việc bị “tấn công khi đi đón con ở trường mầm non” và “liên tục theo dõi, theo đuổi và khủng bố”, ông nói với BBC tại thời điểm đó.
“Ai bị bắt thì trước đó cũng bị gây sự cách này cách khác trước vài tháng,” nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh bình luận với BBC.
Từ sáng 5/7, trang Facebook cá nhân của ông Nguyễn Lân Thắng tuy vẫn thường xuyên cập nhật nhưng lại không do ông kiểm soát. Trạng này thậm chí vẫn tiếp tục đăng dòng trạng thái mới, sau khi ông Thắng đã bị bắt giữ.
Các báo Việt Nam trong chiều 5/7/2022 đồng loạt đăng bản tin ngắn với nội dung giống nhau, nói ông Nguyễn Lân Thắng bị bắt với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.
Theo Điều 117, người bị kết tội này có thể phải chịu mức án tù tối đa là 20 năm, và có thể phải chịu thêm một số hình phạt bổ sung như tước quyền công dân đến 5 năm, phạt quản chế, cấm cư trú đến 5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản./.