Gần nửa thế kỷ rồi mà nghe đến hai chữ “nội chiến” là vẫn nổi điên lên như thường!
Chỉ mất có 12 năm để VN và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, sau cuộc chiến tranh biên giới 1979 (trong thực tế xung đột kéo dài đến tận 1988), và cho đến bây giờ Trung Cộng vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải của VN!
Mất 20 năm để VN và Mỹ bình thường hóa quan hệ, khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam Võ Văn Kiệt chính thức tuyên bố bình thường hóa, thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ năm 1995.
Nhưng cho đến bây giờ, đã 47 năm, gần 1 nửa thế kỷ nhưng chỉ cần nhìn thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ, chỉ cần nghe thấy 2 chữ “nội chiến” trong một bài hát, là đảng và nhà nước cộng sản VN và đám dư luận viên, “bò đỏ” lại nhảy nhổm lên, chứ đừng nói đến chuyện thực tâm hòa giải hòa hợp hay viết lại lịch sử một cách đàng hoàng, trung thực!
Tại sao vậy? Là vì đó là điểm yếu nhất của đảng cộng sản khi nói đến cuộc chiến tranh VN 1954-1975. Từ tên gọi, mục đích, mục tiêu, ý nghĩa cuộc chiến, sự hỗ trợ từ bên ngoài dành cho cả hai bên…Nếu “nói lại cho rõ” thì hóa ra toàn bộ là dối trá, toàn bộ “tính chính danh” của đảng cộng sản sẽ bị vứt vào sọt rác.
Và đó cũng là nỗi tự ti lớn nhất của đảng cộng sản, khi nhìn lại một chế độ chỉ tồn tại có 20 năm ngắn ngủi thôi, nhưng gần nửa thế kỷ sau về nhiều mặt chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo vẫn thua xa cái chế độ ấy. Chỉ riêng trong văn hóa nghệ thuật, nếu không có môi trường tự do, văn hóa và nhân bản ở miền Nam trước năm 1975 thì đã không có vô số tên tuổi như nhạc sĩ Cung Tiến, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương, Phạm Đình Chương…; thi sĩ Bùi Giáng, thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, Phạm Thiên Thư, Tô Thùy Yên, Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn), Cung Trầm Tưởng…; nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nhà văn Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo, Hoàng Ngọc Biên, Nhã Ca, Nguyễn Đình Toàn…; trong lĩnh vực triết học, dịch thuật, nghiên cứu của cả hai bên công giáo và phật giáo thì có linh mục Kim Định, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, triết gia-cư sĩ Phật giáo Phạm Công Thiện, thiền sư Thích Nhất Hạnh, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Thượng tọa Thích Trí Siêu tức thiền sư Lê Mạnh Thát v. v và v.v…, Vô số tên tuổi, vô số những tờ báo, tạp chí với các xu hướng, quan điểm khác nhau, không sao kể xiết, đã làm nên một nền văn hóa văn nghệ có tính chất khai phóng, mở rộng lòng đón nhận những trào lưu văn học văn hóa thế giới đông-tây, nhân bản, có nỗ lực đào sâu tâm linh, và luôn luôn đi cùng với vận mệnh đất nước, dân tộc trong giai đoạn chiến tranh.
Nhà nước cộng sản đã vơ vào Trịnh Công Sơn, Thích Nhất Hạnh như là người của họ, nhưng Trịnh Công Sơn, Thích Nhất Hạnh là những con người của chế độ VNCH, di sản của họ vẫn là di sản của chế độ VNCH, đừng quên điều đó./.