Tuần này, nhiều chủ nợ nước ngoài của Sri Lanka đã bắt đầu hành động trong nỗ lực thu hồi các khoản tiền từ quốc gia 22 triệu dân với nền kinh tế mà Thủ tướng Ranil Wickremesinghe vừa được bổ nhiệm cho biết đã “hoàn toàn sụp đổ”.
Đầu tuần, Ngân hàng Dự trữ Hamilton – nắm giữ hơn 250 triệu USD trái phiếu của Sri Lanka đến hạn trả ngày 25 tháng 7 – đã đệ đơn kiện lên Tòa án Liên bang New York yêu cầu Sri Lanka thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi.
Hơn 30 nhà quản lý tài sản nắm giữ trái phiếu Sri Lanka quốc tế đã thành lập một nhóm chủ nợ để bắt đầu các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ với quốc đảo này.
Trong khi đó người dân nước này đang phải vật lộn với cuộc KHỦNG HOẢNG NHÂN ĐẠO ngày càng trầm trọng, cạn kiệt đô la để mua thực phẩm, thuốc men và nhập khẩu nhiên liệu, đẩy lạm phát lên 40%.
Nhiều người Sri Lanka phải bỏ bữa vì sự thiếu hụt thực phẩm và xếp hàng hàng giờ để cố gắng mua nhiên liệu khan hiếm. Sự bất bình và các làn sóng biểu tình chống chính phủ dâng cao khiến các cửa hàng, trường học phải đóng cửa và hệ thống giao thông công cộng bị tê liệt.
Chính phủ cần 5 tỷ USD để “đảm bảo cuộc sống hàng ngày của người dân không bị gián đoạn” và thêm 1 tỷ USD để tăng cường sức mạnh cho đồng rupee, trong khi Bộ Tài chính Sri Lanka thông báo họ hiện “chỉ còn 25 triệu USD dự trữ ngoại tệ có thể sử dụng.”
Nổi bật ở trung tâm thảm họa này là Gia đình Rajapaksa – có các thành viên nắm giữ các vị trí hàng đầu đất nước gồm có Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Mahinda Rajapaksa – đã nhiều lần bị cáo buộc nhiều tội danh khác nhau bao gồm THAM NHŨNG và VI PHẠM NHÂN QUYỀN mà họ luôn phủ nhận.
Việc Sri Lanka nghiêng hẳn về chính sách đối ngoại thân Bắc Kinh đã diễn ra trong thời kỳ cầm quyền của gia tộc Rajapaksa. Từ năm 2010 đến năm 2015, Mahinda đã mở đường cho sự trỗi dậy của Trung Quốc trở thành nhà xây dựng và ngân hàng hàng đầu của đảo quốc.
“Ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc là một nguyên nhân khiến Sri Lanka lâm vào khủng hoảng.
Trong tổng nợ nước ngoài, Trung Quốc là chủ nợ thu hút sự chú ý hơn cả.
Các khoản vay hơn 5 tỷ USD của Trung Quốc đã thúc đẩy sự bùng nổ cơ sở hạ tầng, nhưng hầu hết nhắm vào một số địa danh mới nằm ở miền nam Sri Lanka thuộc về khu bảo tồn truyền thống của gia tộc Rajapaksa, trải dài từ một cảng mới đến sân bay và các đường cao tốc rộng lớn cắt ngang vùng nội địa nông thôn.
Trung Quốc cũng đã đầu tư 1,4 tỷ USD vào quỹ Vành đai và Con đường, và từng là nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Sri Lanka trong những năm cuối của cuộc nội chiến khốc liệt dưới thời Mahinda, với doanh số bán vũ khí của Trung Quốc tăng lên 1,8 tỷ USD.
Cùng là nhà cho vay nhưng chi phí đi vay từ Trung Quốc khiến khoản nợ đó của Sri Lanka trở nên khác biệt. Các con số do Verite Research, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Colombo, cho thấy lãi suất đối với các khoản vay của Trung Quốc trung bình là 3,3%, so với 0,7% của Nhật Bản. Và thời gian đáo hạn trung bình là 18 năm đối với nợ của Trung Quốc, ngắn hơn 24 năm của Ấn Độ và 34 năm của Nhật Bản.
Bẫy nợ kết nối với tham nhũng đã dẫn đến thất bại ở Sri Lanka, điển hình là các khoản vay dưới thời Rajapaksa để xây dựng Cảng quốc tế Hambantota trên bờ biển phía Nam của quốc đảo này.
Dự án bắt đầu vào năm 2008 nhờ nguồn tài chính của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Khai trương năm 2010, cảng này thua lỗ triền miên nên thỏa thuận ban đầu đã được hủy bỏ và thay thế bằng thỏa thuận nhượng quyền vào năm 2017, cho phép Trung Quốc thuê luôn cảng 99 năm với khoản phí 1,12 tỷ USD cùng với 15.000 mẫu đất gần đó cho chủ đầu tư Trung Quốc CMPort.
Với sự nổi dậy và tình hình bất ổn trong nước, Thủ tướng Mahinda Rajapaksa đã từ chức vào ngày 9 tháng 5 vừa qua. Trước đó 3 ngày, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa nói với hãng tin Bloomberg rằng ông sẽ không tái tranh cử khi nhiệm kỳ chấm dứt.
Và đó là chuyện của Sri Lanka, nếu ngỡ là chuyện xa vời đối với chúng ta.
Nikkei Asia gần đây đưa tin liệu Lào có thể là “Sri Lanka” tiếp theo?
Bài viết chung với bạn Gia Phú.