VietTuSaiGon – RFA
Câu hỏi đặt ra chung chung cho hội nghị nhà văn trẻ tại Đà Nẵng trung tuần tháng Sáu năm 2022 vừa qua là “Vì sao chúng ta viết?”. Một câu hỏi có tính chất chung chung và không cần câu trả lời, bởi nó đóng vai trò huấn thị hơn là hỏi. Bởi bản chất câu hỏi không phải là hỏi mà nhắc mượn sức mạnh tập thể để điều động khả năng cá nhân và vắt kiệt nếu có thể. Trong chừng mực và ý nghĩa khác, lời huấn thị này như một câu lệnh nhằm hướng toàn bộ người cầm bút trẻ phải nhắm mắt làm ngơ trước hiện tình đất nước. Và nó là cái lệnh chấm dứt mọi ảo tưởng về tự do sáng tạo, viết lách.
Không riêng gì Hoài Thanh, Hoài Chân, ngay cả nhà phê bình Nguyễn Tấn Long cũng từng nói trong Thi Nhân Tiền Chiến đã từng nói rằng thời của cái Ta (tức cái tập thể, cái ‘chúng ta’) đã qua, thi ca Việt Nam đã đến thời của cái Tôi, tức cá nhân, tức bản ngã, tức những gì thôi thúc nội tại trong mỗi cá thể sáng tạo… đã/phải lên ngôi.
Thế nhưng đó là lý thuyết, lý tưởng, ước mơ của cả người viết phê bình và người sáng tác. Trên thực tế, người ta cũng đã quá tỏ tường từ vụ Tự Lực Văn Đoàn cho đến Nhân Văn Giai Phẩm và gần đây là một số nhóm thơ Hậu Hiện Đại rồi đến Văn Đoàn Độc Lập đã bị gây hấn, phá hoại như thế nào. Đương nhiên, bất kì thời đại chính trị nào cũng có những luật chơi văn chương của họ, thời đại của bạo chúa có luật chơi độc tài, độc đoán và sắt máu, thời đại thịnh vượng, tiến bộ, tự do thì có luật chơi sáng tạo, kích hoạt độc sáng, yếu tố phát sáng trong văn giới sẽ dễ xuất hiện. Trong tình trạng Việt Nam và một quốc gia độc tài, dùng chính sách tuyên truyền làm kim chỉ nam trong lãnh đạo tư tưởng, thì đương nhiên văn chương là vũ khí hạng nặng của chế độ.
Chính vì xem văn chương là vũ khí hạng nặng nên hầu hết các nhà văn của chế độ được cho ăn no, ăn kĩ, chăm bẵm, vỗ béo, đồng thời cũng được đào luyện tâm lý yêu chế độ, làm cho họ trở nên phê thuốc với chế độ cho dù thụ động hay chủ động, họ phải phê thuốc với chế độ và đương nhiên họ phải là lá chắn, mũi tấn công và thuốc mê chữ nghĩa của chế độ. Họ phải viết những gì chế độ muốn đọc, có lợi cho chế độ, làm cho chế độ trở nên lung linh, phát sáng trước thế giới. Tỉ như lần này, có một giải Nobel văn chương mang yếu tố ca ngợi chế độ thì còn gì hơn, bởi điều đó không những có lợi cho chế độ Cộng sản Việt Nam mà có lợi cho cả Cộng sản quốc tế. Nhưng đó là ảo tưởng, nghiệt nỗi, người Cộng sản vốn hình thành từ ảo tưởng, nên những gì thuộc về ảo tưởng sẽ được họ biến thành hiện thực cho dù đổi bằng việc tắm máu cả dân tộc.
Nhưng, chuyện văn chương, văn hóa và nghệ thuật thì khác, khác như thế nào chưa rõ, cho dù nó có thể mua bằng tiền, ví như giải Nobel được mua bằng thật nhiều tiền cho Việt Nam, một tác phẩm ca ngợi chế độ Cộng sản được trao giải (có thể lắm chứ!) trong cái nhìn “khách quan” của ban xét giải chẳng hạn. Thì nó được gì? Nó chẳng được gì cả ngoài một sự hoài nghi tột độ của nhân loại về cái giải ấy, đương nhiên, với người Cộng sản, họ đã đạt được mục đích cần có của họ, và hơn hết, họ mượn miệng hội đồng Nobel, một hội đồng uy tín trên thế giới để ca ngợi và tuyên truyền thay cho họ, thế thôi!
Tiền có thể mua được mọi thứ, kể cả những giải văn chương lớn nếu như người ta biết chọn đúng điểm rơi và chọn đúng người để mua. Bởi thế giới đang thực sự khủng hoảng về lương tri và các giá trị đạo đức được xem là nền tảng như lòng yêu thương, tính trung thực, các giá trị nhân bản. Thế giới nếu nhìn qua, người ta ngỡ rằng mọi thứ đang rơi vào hoang mang và rụng vỡ bởi các giá trị nhân văn, nhân bản, lương tri đã mất, kỳ thực, điều đó hoàn toàn ngược lại bởi có một thứ giá trị phổ quát khác trái dấu đang quá mạnh, chúng đang có xu hướng đánh sập các giá trị cũ, nhưng có vẻ như xu hướng này không những thất bại mà nó càng tôn thêm vẻ đẹp của các giá trị cũ.
Chưa bao giờ nhân loại khủng hoảng và kêu gào về các giá trị nhân văn, lòng thật thà, đạo đức như bây giờ. Sự kêu gào này cho thấy mọi thứ đang trong quá trình băng hoại, nhưng sự kêu gào đồng thời cũng cho thấy mọi giá trị tiềm ẩn, mọi cái đẹp tồn tại, lưu cửu đang cất tiếng nói riêng của nó, nó đòi hỏi nhân loại một cuộc phản tư, phản tỉnh để đi đến cái đích phía trước, một cái đích không mang dấu ấn hệ hình đạo đức trong lịch sử, hay nói khác đi là không rập khuôn lịch sử, nhưng đồng thời cũng không phá vỡ mọi qui ước mang tính con người.
Đây là khoảnh khắc vô cùng khó chịu của kẻ cầm bút. Và các kiểu lập ngôn xảo trá, giảo hoạt cũng hình thành từ chỗ này, từ chỗ tai nạn của đồng loại, từ chỗ đại dịch thế giới và từ chỗ các cuộc chiến tranh đang hoành hành đâu đó trên mặt địa cầu. Người ta vin vào chiến tranh, vin vào đại dịch để ru ngủ các bộ phận tỉnh thức, để đe nẹt các giá trị cách mạng và để hợp thức hóa mọi hình thức độc tài, độc đoán (đã nhìn thấy, nhận ra khuynh hướng/bước kế tiếp của nhân loại để đi đến tương lai, mặc dù đó là tương lai điếc đặc, chưa biết sẽ về đâu) và ca ngợi chúng như một thứ Tân Điển Phạm. Và, để ca ngợi thứ này, còn ai nữa ngoài các cây bút?
Chính các cây bút, cho dù nói theo nghĩa nào, họ, những con người trẻ, chưa đủ để gọi là quá trẻ và cũng chưa đủ để gọi là già trên mọi nghĩa, họ có đủ các trạng thái tinh thần xã hội chủ nghĩa, họ sinh ra trong chiếc nôi Cộng sản xã hội chủ nghĩa, ăn cơm, lớn lên trong môi trường xã hội chủ nghĩa, được điều hướng tương lai và định hướng giá trị tương lai bằng chủ nghĩa Cộng sản thông qua giáo dục, được nhảy trên các bậc thang tiến hóa xã hội chủ nghĩa khép kín và đương nhiên, họ có những bức xúc, trắc ẩn con người, trong đó không ngoại trừ các vết thương bi thảm của thế hệ đi trước, thuộc về “kẻ thua cuộc” trên dòng chảy lịch sử cận/hiện đại. Các xung năng tình cảm có phần xung đột là chất xúc tác của người cầm bút thế hệ trẻ. Tuy nhiên, nó thiên lệch và méo mó hay phát triển tự nhiên, điều này phụ thuộc rất lớn vào sinh quyển xã hội.
Với sinh quyển xã hội Việt Nam, đặc biệt là sinh quyển văn nghệ Việt Nam, việc các tác phẩm bứt thoát khỏi những định chế chính trị là việc không thể. Và các tác phẩm may mắn nhận được cái gật đầu chính trị, có thể phơi bày một số khía cạnh tệ hại của hệ thống, nhưng mục tiêu cuối cùng của nó vẫn phải là chứng minh được tính chính nghĩa của hệ thống (Cộng sản) và ca ngợi cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam của Cộng sản miền Bắc những năm trước 1975 là thần thánh.
Chính vì cái mục đích lớn ca ngợi chế độ và chấp nhận đạp qua các thị phi chính trị, tác phẩm trở nên có chỗ đứng, nhưng, nó chỉ có giá trị trong chừng mực bảo vệ chế độ hoặc đạp bỏ chế độ thực tại để bảo vệ những gì được cho là thiêng liêng, là đền thánh của chế độ. Chính các mục đích vòng vèo, khó hiểu nhưng cũng đầy li kỳ và hấp dẫn này khiến cho Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh hay Mối Chúa của Tạ Duy Anh có chỗ đứng. Và đương nhiên đây là chỗ đứng thực thụ. Họ là các điển phạm văn chương Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Thậm chí, trong một góc độ khác, Giàn Thiêu của Võ Thị Hảo hoặc Man Nương của Phạm Thị Hoài cùng một số tác phẩm đình đám khác cũng là các đền thiêng của văn học Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Bởi nó chứa đầy đủ thân phận con người, nhưng đó không phải là những con người có nhân cách bình thường, mà là một kiểu người hoặc là rừng rú hoặc là siêu nhân lý tưởng hoặc giả một dạng thức lờ nhờ không màu sắc, mang bóng dáng đời sống khác.
Nói như vậy để thấy rằng hiện tại, việc các cây bút trẻ vượt qua các điển phạm trong khuôn phép xã hội chủ nghĩa là điều không tưởng. Thế nhưng tại sao có nhiều người hăng hái xông vào hội? Bởi họ thừa khôn khéo để hiểu rằng cũng tại nơi này, dưới sự bảo trợ của nhà nước và đảng Cộng sản, họ sẽ mập mạp, béo tốt, có tên tuổi và an toàn. Ngoài các yếu tố ấy, họ được trải nghiệm sự ngột ngạt của “chúng ta” để nếu có cơ hội, họ lật thuyền như những người đi trước bằng ngòi bút của họ. Bởi ngay trong việc chọn lựa hoặc chấp nhận vào hội đã cho thấy ý hướng của nhà văn trẻ/già/sồn sồn/tưng tửng/khôn khéo… Có một thứ mà chỉ có vào hội người ta mới có được, đó là miếng ngon mà các cây bút khi đứng ngoài hội sẽ khó bề được miễn phí, được ưu ái như vậy.
Nhưng, nhìn cho cùng, mọi thứ đến từ hai hướng, một kẻ chấp nhận đẩy mình vào chỗ Chúng Ta và sinh hoạt trong sự quán xuyến, điều động, chỉ định của Cấp Trên Chúng Ta và một bề trên chấp nhận kẻ làm Chúng Ta với cái giá rất hời. Còn, những diễn ngôn, kỳ thực, nó cho thấy văn chương bây giờ cũng có gì đó rất giống với y tế, giáo dục, văn hóa, truyền thông, bảo hiểm xã hội… Tức là quá trình PR quyết định con đường chứ không phải sự thật hay các giá trị sáng tạo, các giá trị khoa học, văn học hoặc giả các giá trị phát minh trên mọi nghĩa. Đơn giản, văn chương xã hội chủ nghĩa là một miếng ăn thơm tho, an toàn và giàu dinh dưỡng cho những người tìm đến nó, trông cậy vào nó.