Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương – ai người đáng sợ

- Quảng Cáo -

Người Buôn Gió

Thông báo điều chỉnh Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Ngày 16/9/2021, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ký ban hành Quy định số 32-QĐ/TW quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thay thế Quy định số 211-QĐ/TW ngày 25/12/2019 của Bộ Chính trị khoá XII về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Quyết định này khẳng định trưởng ban tức ông Trọng là to nhất, tất cả từ phó trưởng ban đến uỷ viên đều chỉ là người giúp việc, tham mưu cho trưởng ban. Ông Trọng có quyền chủ trì, định hướng thảo luận và kết luận. Định hướng là ông có quyền đưa ra vấn đề gì và hướng thảo luận như thế nào, sau đó chỉ đạo các uỷ viên thực hiện và báo cáo lại với ông. Như vậy sẽ có vụ ông Trọng không chọn đưa vào thảo luận, hoặc thảo luận theo hướng nào là do bản thân ông muốn. Nặng hay nhẹ, có tội hay không do ông quyết.

Có một chuyện khó hiểu ở đây. Là ông Trọng có trong tay những vụ việc bằng cách nào? Ở cương vị ông không thể biết hết mọi vụ việc. Phải có người gửi đến cho ông những hồ sơ tố cáo vụ việc nào đó, qua cách đó ông Trọng có trong tay hồ sơ những vụ tham nhũng, tiêu cực và lựa chọn ra để thảo luận tại ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng.

- Quảng Cáo -

Đến đây thì xảy ra một điều, những người đưa hồ sơ vụ tham nhũng đến tay ông Trọng cũng là người rất có quyền lực. Có 3 cách theo luật để phát hiện tham nhũng, tiêu cực:

1. Phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước.

2. Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử, giám sát.

3. Tố cáo của công dân. Tố cáo của công dân thì còn lâu đến tay trưởng ban PCCDTN, nên cái này loại luôn.

Công tác tác kiểm tra của cơ quan quản lý thường tổ chức cho có lệ nên cũng chẳng tính. Duy có mục 2 là hiệu quả nhất. Trong đó có việc thanh tra, điều tra là hai việc thiết thực nhất để phát hiện tham nhũng.

Thanh tra có thanh tra nhà nước và thanh tra chính phủ, để không phụ thuộc vào hai đơn vị này, cũng như để kiểm soát rộng hơn, ông Trọng đã nhảy vào đảng uỷ Bộ công an (BCA) để nắm phần điều tra. Từ đây có thể thấy công tác phát hiện tham nhũng, tiêu cực đa phần đến tay ông Trọng từ BCA. Đây là nơi gần ông Trọng nhất để đưa tới tay ông hồ sơ những vụ tham nhũng tiêu cực. Những người trong đảng uỷ công an có thể dễ dàng tiếp cận và trực tiếp đưa hồ sơ cho ông Trọng. Tất nhiên thì những bộ phận khác, hoặc những người khác ở lĩnh vực khác có thể đưa. Nhưng với đặc thù cơ quan công an thì hồ sơ của cơ quan an ninh điều tra, cảnh sát điều tra là đầy đủ và thuyết phục nhất.

Các ông Lương Tam Quang thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra và ông Nguyễn Duy Ngọc thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra là những người có điều kiện điều tra thu thập hồ sơ tham nhũng, tiêu cực và cũng như có điều kiện trực tiếp trao cho ông Trọng những hồ sơ này.

Tùy theo tình thế, ông Trọng sẽ đưa những hồ sơ đó ra thảo luận tại các phiên họp của BCDPCTN. Nếu đã đưa ra và quyết giết thì không có cửa nào cho đối tượng giãy thoát. Tất nhiên đưa cho ông Trọng hồ sơ vụ nào thì ông Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc sẽ phải được ý kiến gợi ý hay cho phép của cấp trên là đại tướng Tô Lâm.

Bức tranh hiện rõ hơn, ông Trọng là người tối cao ra những quyết định xử các vụ tham nhũng thế nào. Nhưng những vụ đó phần lớn ông nhận hồ sơ từ BCA, chính xác hơn là từ ý đồ của đại tướng Tô Lâm.

Tham nhũng, tiêu cực gắn liền với quyền lực là những thứ không thể tách rời. Chỉ có tham nhũng nhiều hay ít, con đường thăng tiến của một quan chức dưới chế độ cộng sản không thể nào không qua những lần tham nhũng. Bởi tham nhũng là sự gắn bó, là dấu hiệu đồng bọn. Phải cần đến đồng bọn thì mới có lá phiếu ủng hộ nhau, có tiền mua sự ủng hộ.

Trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận tưởng chừng trong sạch mà tham nhũng còn có mặt thử hỏi các ngành nghề màu mỡ khác tránh sao được. Người làm lý luận nhận đề án, dự án nghiên cứu về lý thuyết, chủ nghĩa chỉ ngồi một chỗ mà còn ngốn cả hàng chục tỷ. Chẳng thế mà có ông giáo sư lý luận học viện HCM có căn biệt thự 17 tỷ, bị bồ nhí cướp mất đưa nhau ra toà kiện người ta mới vỡ lẽ ra là cái nghề lý luận của ông cũng hốt được khối tiền.

Trong một thể chế mà tham nhũng, tiêu cực là tất yếu với quan lộ thì những người như ông Tô Lâm thực sự có quyền lực rất lớn. Ông Trọng có quyền trảm, nhưng ông Tô Lâm lại là người đưa người đến để ông Trọng xem xét trảm hay không.

Tầm cỡ của ông Tô Lâm hiện nay còn vượt xa ông Lê Đức Thọ. Dưới thời ông Lê Duẩn, ông Thọ muốn ai sống, ai chết, ai phải vào tù đều đơn giản. Ông Tô Lâm phải ngang tầm Beria tay chân thân tín của Stalin.

Nhưng thời Lê Đức Thọ, Beria khái niệm vật chất không được coi trọng như bây giờ !!! Nói theo ngôn ngữ của Bố Già, ông Tô Lâm cũng là người hiểu chuyện phải quấy !!!

- Quảng Cáo -