Thới Bình – VNTB
Khi mua 100.000 đồng tiền xăng, người tiêu dùng phải gánh hơn 34.000 đồng các loại thuế phí.
Mỗi lít xăng RON95-III có giá bán lẻ hiện hành là 32.370 đồng/lít. Nếu mức giá tương đương 1 Mỹ kim, có nghĩa xăng còn khoảng ngoài 23 ngàn đồng chút đỉnh cho mỗi lít xăng.
Hiện tại giá xăng nhập về đến cảng là 22.389 đồng. Từ đây, giá được cộng thêm gồm có thuế nhập khẩu 10% là 2.239 đồng (lấy tròn số), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% là 2.239 đồng, thuế giá trị gia tăng 10% (trên giá bán) là 2.943 đồng, thuế bảo vệ môi trường với xăng 2.000 đồng, số còn lại là các chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, trích lập quỹ bình ổn.
Như vậy, riêng 4 loại thuế nói trên, một lít xăng bán ra, người tiêu dùng đã phải trả hơn 9.400 đồng, tương đương hơn 29%. Nếu cộng thêm các chi phí kinh doanh, lợi nhuận và trích lập quỹ, tổng cộng các loại thuế phí đánh vào một lít xăng chiếm hơn 34%. Tức là, nếu mua 100.000 đồng tiền xăng, người tiêu dùng phải gánh hơn 34.000 đồng các loại thuế phí.
Còn nếu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt và tạm ngưng thu thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu, giá xăng từ hơn 32.000 đồng sẽ về khoảng 23.000 đồng/lít. Đây là mức giá xăng “trong mơ” cho người dân trong bối cảnh hiện nay.
Đó là chưa nói công thức tính thuế đối với mặt hàng xăng dầu có dấu hiệu thuế chồng thuế. Chẳng hạn, thuế giá trị gia tăng đánh 10% trên giá bán ra, mà trong rổ “giá bán” đã bao gồm các loại thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận thông lệ các quốc gia trên thế giới có điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, không còn nước nào duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như Việt Nam cả.
“Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện nay của Việt Nam thực tế là hình thức bắt người dân nộp tiền để bình ổn cho mình. Nhà nước thực tế không bỏ ra nguồn lực nào cả”, ông Tuấn cho hay, và cho rằng hiện nhà nước vẫn thu đủ thuế, phí các loại từ xăng dầu nhưng rủi ro lại dồn gánh cho doanh nghiệp. Khi quỹ xả nhiều, âm quỹ, giá xăng doanh nghiệp bán lỗ, thiếu vốn lại phải đi vay ngân hàng và chịu lãi suất, sau này khấu trừ. Rất phức tạp!
Ông Tuấn nhấn mạnh: “Cơ chế này dẫn đến tình trạng buộc doanh nghiệp phải gánh khoản âm quỹ, chịu lỗ để bù giá. Mặc dù sau này có điều chỉnh về kinh doanh xăng dầu có tách khoản âm quỹ này tức lãi suất đi vay ra riêng và doanh nghiệp có đỡ hơn trước, nhưng số âm quỹ này doanh nghiệp phải chịu là rất lớn. Đáng nói, Quỹ Bình ổn xăng dầu giai đoạn đầu năm 2022 này đã âm rất lớn”.
Ông Đậu Anh Tuấn khẳng định với cách quản lý này nên xăng dầu trong nước chưa vận hành theo cơ chế thị trường minh bạch, và chưa dễ tiên liệu, phản ánh không đúng xu hướng của thị trường thế giới.
Giải thích cho điều khẳng định trên, theo ông Đậu Anh Tuấn, thời gian vừa qua có tình trạng giá xăng dầu thế giới tăng thì giá xăng trong nước tăng nhanh hoặc sẽ tăng chậm theo mong muốn của nhà điều hành. Ngược lại khi giá xăng dầu thế giới giảm, nhưng giá trong nước không giảm tương ứng vì bị neo giá trong nước ở mức cao, lấy thặng dư này để bù vào phần bị âm của Quỹ bình ổn giá, và điều này là chưa phù hợp với thị trường.
Theo ông Tuấn, cá nhân ông tiếp nhận phản ánh từ doanh nghiệp, họ cho biết nguồn cung xăng dầu căng thẳng trong thời gian tháng 2 và 3 vừa rồi không hẳn do thiếu xăng dầu, mà do lợi ích của các doanh nghiệp trong mạng lưới xăng dầu không được đảm bảo, họ bán nhưng với chiết khấu bằng 0, càng bán càng lỗ.
Một chính sách đúng là chính sách được đưa ra kịp thời. Người dân đang trông chờ điều đó từ chính phủ Phạm Minh Chính./.