Tân Phong – ViệtTân
Trái phiếu 3 Không: Quả bom NỢ đã được kích hoạt
Các tổng giám đốc (CEO), chủ tịch các tập đoàn ngàn tỷ, những doanh nghiệp được báo chí lề đảng mới đây ca tụng lên mây xanh là những “kỳ lân” của nền kinh tế như Yeah1, Louis Land, Hoàng Anh Gia Lai, …cùng hàng loạt các doanh nghiệp đình đám trên sàn chứng khoán Việt đã nối đuôi nhau tháo chạy, thoái sạch vốn và nộp đơn từ nhiệm. Cũng những kẻ này ít bữa trước còn xuất hiện nhan nhản trên truyền thông và báo chí lề đảng, tuyên bố những mức trả lợi tức cổ phiếu, trái phiếu cao ngất ngưởng, loan báo về những dự án có giá trị hàng tỷ Mỹ Kim và tương lai phát triển của tập đoàn.
Sau 2 năm ôn dịch hoành hành, những doanh nghiệp Việt làm ăn bê bết trong nhiều năm bỗng đột nhiên tăng trưởng với cấp số nhân. Nhưng doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động tài chính, phát hành cổ phiếu, trái phiếu rác. Thật kỳ lạ, đám đông quần chúng với một niềm tin mãnh liệt rằng chỉ cần bỏ tiền mua mớ giấy lộn đó là sẽ ung dung ngồi hưởng lợi, không làm mà vẫn có ăn, đã ôm trọn núi trái cổ phiếu và trái phiếu rác được định giá hơn 1,834 triệu tỷ đồng (80 tỷ USD).
Mới đây, tờ VietnamPlus đã có một bài viết giá trị khi đưa ra những con số biết nói về tình trạng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành ồ ạt kể từ 2018. Chính xác là sau Nghị Định 163/2018 NĐ-CP ngày 04/12/2018 được ông Nguyễn Xuân Phúc ký với sự tham mưu của Vương Đình Huệ khi đó là phó thủ tướng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bùng nổ và biến thành một chiếu cờ bạc bịp vô tiền khoáng hậu. Nếu ai có chút kiến thức cơ bản về kinh tế vĩ mô khi xem xét nghị định 163/2018 NĐ-CP sẽ phải kinh ngạc về sự dễ dãi và hoàn toàn thiếu vắng các nguyên tắc kiểm soát ban đầu của cơ quan chức năng với các doanh nghiệp tham gia niêm yết và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
“… Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2018, các doanh nghiệp đã phát hành thành công tổng giá trị trái phiếu đạt 224 nghìn tỷ đồng; năm 2019 phát hành đạt 312.000 tỷ đồng; năm 2020 phát hành đạt 436.000 tỷ đồng và năm 2021 phát hành đạt 722.700 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng “nóng,” quy mô từ 4,93% GDP năm 2017 lên tới 16,6% GDP năm 2021, trong đó phát hành riêng lẻ vẫn là hình thức chủ đạo, chiếm khoảng 90% tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp…” – theo VietnamPlus
Hãy làm một phép tính cộng sơ đẳng những con số này, ta đã có 1,695 triệu tỷ đồng là giá trị qui đổi của núi trái phiếu doanh nghiệp được phát hành từ 2018 đến hết 2021. Đến quí I, năm 2022, số trái phiếu doanh nghiệp được phát hành “nước sót” trước khi bị “tuýt còi” bởi thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 là 138.809 tỷ đồng. Như vậy tổng số giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành là 1,834 triệu tỷ đồng tương đương với 80 tỷ Mỹ Kim trong giai đoạn 2018 đến quí I, 2022.
Hãy thử tưởng tượng, 80 tỷ USD là số tiền mà các “nhà cái” là các giới chức tài chính ngân hàng cỡ bự, các doanh nghiệp cá mập là sân sau của các ngân hàng đã móc ra khỏi hầu bao của hàng triệu nhà đầu tư newbie và từ ngân sách rót cho các ngân hàng thương mại với mục đích “phục hồi kinh tế”… trong những năm qua. Ai phải chịu trách nhiệm về điều này, chịu trách nhiệm về Nghị Định 136/2018 NĐ-CP? Chắc chắn trách nhiệm cuối cùng không thể là những con chuột như Trịnh FLC hay Tân Hoàng Minh.
Điều đáng sợ là gần 80% giá trị phát hành của “núi” cổ phiếu, trái phiếu do các doanh nghiệp không niêm yết trên sàn chứng khoán phát hành và hơn 90% trong số đó là phát hành riêng lẻ. Cũng đồng nghĩa với việc giá trị pháp lý của mớ trái phiếu doanh nghiệp này là con số 0. Đối với giới chức ngân hàng và Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước (UBCKNN) thì đây là một vụ áp phe béo bở. Còn đối với hàng triệu nhà đầu tư tay mơ thì sẽ là cơn ác mộng và bài học đắt giá có khi phải trả giá bằng cả tính mạng.
Không hề ngoa khi nói rằng, nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế đầu cơ và cờ bạc nơi qui luật Cung-Cầu được lèo lái bởi lòng tham không đáy và những niềm tin ngây ngô của đám đông, dưới sự chèo lái tài tình của “đảng và nhà nước” cùng đám” tư bản Đỏ” thân hữu cực kỳ lưu manh và xảo trá.
Mới đây, một báo cáo của Bộ Tài Chính về tình hình trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 và quí I năm 2022 gửi thủ tướng chính phủ điểm mặt 20 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành trái phiếu nhiều nhất năm vừa qua với khối lượng trái phiếu đạt hơn 100.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp có Nợ vượt hàng chục lần so với vốn chủ sở hữu.
Những cái tên nổi bật trong danh sách này như Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) phát hành 6.000 tỷ; Công ty CP Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân (TNR Holdings) phát hành 4.000 tỷ… Trong đó, Công ty Mediterranena Revival Villas với vốn chủ sở hữu chỉ 153 tỷ nhưng năm vừa qua đã phát hành tới 7.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tương đương tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu lên tới hơn 47 lần.
Tương tự, Công ty Osaka Garden năm vừa qua phát hành 7.700 tỷ trái phiếu doanh nghiệp nhưng vốn chủ sở hữu chỉ đạt 270 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ khối lượng phát hành trái phiếu/vốn chủ sở hữu của nhà phát triển bất động sản này lên tới 28,5 lần. Ngoài 2 doanh nghiệp kể trên, hàng loạt doanh nghiệp đang có lượng phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu như Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát gấp 4 lần; Công ty CP Hoàng Phú Vương và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Residence cùng gấp 6 lần…
Không có một ràng buộc pháp lý nào về trách nhiệm Trả Nợ của các doanh nghiệp này với đám đông các nhà đầu tư khi 90% số giấy Nợ là “Không chứng quyền, Không tài sản đảm bảo, Không qui đổi.” Hàng loạt các chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn đang thi nhau nộp đơn từ nhiệm khi doanh nghiệp bị cho vào tầm ngắm của cơ quan điều tra và bị cấm phát hành Margin trên thị trường chứng khoán chỉ là bước đầu của một cuộc tháo chạy và sụp đổ thị trường tài chính sâu rộng hơn.
Không có một phương cách nào cứu vãn được thảm họa này ngay cả biện pháp thu hồi tài sản của đám con buôn bất lương và những giới chức cỡ bự trong ngành tài chính ngân hàng và Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước được thực hiện một cách công minh và triệt để. Hệ quả của nó đối với kinh tế xã hội sẽ hết sức to lớn và lâu dài.
…Và “con tàu đắm” Việt Nam
Trong khuôn khổ hội thảo báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022 do Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách VEPR tổ chức ngày 20 tháng Năm tại Hà Nội vừa qua, báo Tuổi Trẻ đã có bài phỏng vấn ông PGS.TS Vũ Sỹ Cường – kinh tế trưởng Viện Công Nghệ và Phát Triển Tài Chính của Học Viện Tài Chính. Nội dung bài phỏng vấn ông Cường có thể rút ra được một số thông tin đáng lưu ý và cả “một nửa sự thực” trong những con số thống kê lừa mị của giới cầm quyền CSVN.
Theo ông Cường, mọi người hay nói về nợ công của Việt Nam nhưng nợ công của Việt Nam không phải là vấn đề quá lớn. Tính theo quy mô GDP mới, nợ công của Việt Nam còn cách xa ngưỡng 60% Quốc Hội đề ra nhiều.
…
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng nợ khu vực tư trong nước đang là câu chuyện. Thống kê hiện nay cho thấy nợ khu vực tư rơi vào khoảng 138 – 140% GDP nền kinh tế. Mức nợ tư này tương đối cao so với khu vực tư của nhiều nước.
Thứ nhất, vấn đề ở đây cần lưu ý là “Tính theo qui mô GDP mới, Nợ công của Việt Nam còn cách xa ngưỡng 60% Quốc Hội đề ra nhiều.” Qui mô GDP mới là GDP tính theo cách tính mới từ nửa cuối nhiệm kỳ Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc. GDP theo cách tính mới được cộng tăng thêm 24% so với cách tính cũ bởi tính cả “nền kinh tế ngầm.” Đó là một “qui ước” của riêng giới chức CSVN . Nó không có giá trị thực tế và thiếu cơ sở khoa học cũng như các thống kê khách quan. Tuy vậy, nó có giá trị tuyên truyền và là “thành tích” trong báo cáo kinh tế xã hội của nhà cầm quyền CSVN.
Năm 2016, Nợ công đã tương đương 63,7% GDP và tiến sát tới giới hạn 65%. Năm 2017, qui mô GDP khoảng 220 tỷ Mỹ Kim theo cách tính cũ nhưng tính theo cách tính mới của Nguyễn Xuân Phúc thì là 275 tỷ Mỹ Kim và Nợ công theo tỷ lệ chỉ còn trên 50% chút xíu. Đó là một tiểu xảo vặt trình độ toán học tiểu học của giới chức Hà Nội. Nhưng trên thực tế, con số Nợ chính xác không bao giờ bớt đi đồng nào cả, cũng như cái bánh GDP không thể “nở” to thêm.
Câu chuyện về Nợ công và GDP ở Việt Nam giống như con rắn vuông trong truyện dân gian Việt Nam. Đúng như câu nói “một nửa cái bánh mì thì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thực thì không phải là sự thực,” những con số thống kê ở Việt Nam không có nhiều giá trị để tham chiếu và không thể là căn cứ để đưa ra các phân tích và dự đoán chính xác. Tuy vậy, giữa những sai lệch và sự phi lý của những con số mà giới chức CSVN đưa ra, chúng ta cũng có thể thấy được phần nào bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế có cái đuôi XHCN.
Biểu đồ trên đây được tờ Thời Báo Ngân Hàng ngày 25 tháng Mười, 2017 đăng tải trong bài viết về tình hình Nợ công Việt Nam so sánh với quốc tế. Theo biểu đồ này thì đến năm 2022, Nợ công Việt Nam vào khoảng 65% GDP. Tuy vậy, tỷ số Nợ công/GDP đã bị nhà cầm quyền CSVN “hô biến” với việc tăng qui mô GDP theo cách tính mới.
Đồng thời, kể từ sau các hiệp định thương mại FTA với Liên Âu, Hoa Kỳ và các CPTTP được thực thi, một lượng lớn doanh nghiệp Trung Quốc đã gia tăng đầu tư và M&A (mua lại và sáp nhập) các doanh nghiệp nội địa, tăng cường việc nhập khẩu lắp ráp và đóng gói công đoạn cuối ở Việt Nam để lấy C/O xuất xứ hàng hóa, hưởng ưu đãi thuế khiến cho tổng kim ngạch XNK tăng mạnh trong 3 năm gần đây, góp phần khiến GDP tăng vọt lên hơn 400 tỷ Mỹ Kim. Mới đây, chính ông Nguyễn Xuân Phúc đã đặt câu hỏi về việc gia tăng đầu tư của khối tư nhân nước ngoài một cách bất thường trong thời gian dịch bệnh và trong bối cảnh khoảng 120.000 doanh nghiệp nội địa rời khỏi thị trường mỗi năm.
Nội dung thứ 2 mà ông Cường đề cập đến là thông tin quan trọng. Theo ông Cường cho biết Nợ của khối tư nhân đang chiếm khoảng 138% – 140% GDP. Nếu tính theo qui mô GDP mới của năm 2021 khoảng hơn 400 tỷ USD, thì Nợ của khu vực tư nhân tương đương khoảng 560 tỷ USD. Con số này là một con số tương đối khả tín, nó tương đương với khối tài sản là bất động sản mà hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam nắm giữ. Trong số 560 tỷ USD Nợ của khu vực tư nhân hiện tại bao gồm 80 tỷ Mỹ Kim từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát sinh từ 2018 đến quí I năm 2022, tương đương khoảng 14,2%. Nhưng vấn đề ở đây là 80 tỷ Mỹ Kim Nợ mới phát sinh này sẽ nhanh chóng biến thành Nợ xấu cùng với đống Nợ xấu đã được cất kỹ dưới tấm thảm hôi thối từ nhiều nhiệm kỳ trước.
Như vậy, chúng ta có thể hình dung ra được một phần qui mô núi Nợ xấu của nền kinh tế có cái đuôi XHCN này là bao nhiêu trong một tương lai gần. Quãng thời gian không hết một nhiệm kỳ nữa, “thuyền trưởng” Phạm Minh Chính sẽ thấy con tàu Việt Nam chìm nhanh vào khủng hoảng vô phương cứu vãn. Đó cũng là một kết cục hết sức “biện chứng khách quan.”
Tân Phong