Đông Đô (VNTB)
Giám đốc CDC Hà Nội Trương Quang Việt bị bắt khẩn cấp vì vi phạm quy định về hoạt động đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến Công ty Việt Á.
Phải chăng vì tay đã bẩn sẵn nên không ngại nhúng chàm?
Giỏi nghề y không hẳn quản trị hành chính cũng giỏi theo?
Công an Hà Nội cho biết đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Trương Quang Việt, 49 tuổi, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) và một kế toán trưởng CDC Hà Nội để điều tra về hành vi vi phạm quy định về hoạt động đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Trương Quang Việt được bổ nhiệm giữ chức giám đốc CDC Hà Nội vào tháng 2-2022. Trước đó, hồi tháng 6-2020, ông Trương Quang Việt được điều động, bổ nhiệm giữ chức phó giám đốc phụ trách điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội khi đang là phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Ông Việt được điều động sang công tác tại CDC Hà Nội trong bối cảnh giám đốc của CDC Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Nhật Cảm bị bắt vì liên quan đến vụ mua sắm thiết bị xét nghiệm khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Chuyện ông Việt nhúng chàm cho thấy dường như trong các vụ án ở ngành y tế thời gian qua vẫn chưa đủ sức ngăn lòng tham của quan chức. Sở dĩ nói vậy vì trước đó ông Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị khởi tố do bị cáo buộc có sai phạm trong đấu thầu thiết bị y tế, khiến thiệt hại 40 tỉ đồng dưới thời ông còn làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.
Ông Trương Quang Việt chính là cấp phó của ông “Tuấn tim” – cách người trong “ngành” gọi giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn.
Tuấn tim – một nickname như sự thừa nhận một đôi tay vàng trong làng phẫu thuật tim – chứ không phải chỉ vì chức danh Giám đốc Viện Tim Hà Nội.
Ông Nguyễn Quang Tuấn tốt nghiệp xuất sắc tại trường Đại học Toulouse (Pháp) và từ chối lời mời ở lại để về nước, để cống hiến. Ông Tuấn từng giành giải nhất Nhân tài đất Việt lĩnh vực y tế với đề tài “Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông (đặt stent)”. Ông Tuấn đã giúp Viện Tim trở thành một trong những cơ sở y tế được cầu chứng về tay nghề điều trị…
Nếu là một bác sĩ, và chỉ là một bác sĩ – ông Tuấn tim đúng là một bác sĩ tài giỏi. Và đúng đứng trước người bệnh, chúng ta không có gì phải nghi ngờ về sự lựa chọn duy nhất mà ông Tuấn từng nói tới, đó là “làm thế nào để mang tới niềm hạnh phúc cho bệnh nhân, là khỏi bệnh, là kéo dài sự sống”.
Thế nhưng…
Giờ thì là ông Trương Quang Việt cũng từ Viện Tim, và bài học của người tiền nhiệm ở CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm dường như là “toa thuốc chưa đủ mạnh” để ngăn lòng tham của bác sĩ Trương Quang Việt khi làm Giám đốc CDC Hà Nội.
Ở Viện Tim Hà Nội dưới thời ông Tuấn và ông Việt, từng có một phương châm 3H (Head, Hand, Heart) – làm việc với trí tuệ, kỹ năng và cái tâm.
Tháng 6-2020, ông Việt được điều động, bổ nhiệm giữ chức phó giám đốc phụ trách điều hành CDC Hà Nội. Khi đó ông đang là phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Và phải đến tháng 2-2022, vị trí giám đốc CDC Hà Nội đã để trống gần 2 năm sau khi cựu giám đốc Nguyễn Nhật Cảm bị khởi tố vì liên quan tới những sai phạm trong đấu thầu thiết bị y tế xảy ra tại CDC Hà Nội trong năm 2020, thì lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội mới có quyết định bổ nhiệm ông Trương Quang Việt – phó giám đốc phụ trách điều hành CDC Hà Nội, giữ chức vụ giám đốc cơ quan này.
“Tay này đúng là dân chơi tới bến, mới về phụ trách CDC Hà Nội từ tháng 6-2020 thay Nguyễn Nhật Cảm bị bắt vì liên quan đến vụ mua sắm thiết bị xét nghiệm khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Hà Nội, với chức danh phó giám đốc phụ trách CDC, lại dính chấu, bất chấp cái gương tày đình trước mắt.
Nguyễn Nhật Cảm lãnh 10 năm tù, mà hắn cũng đếch sợ. Trước đó hắn là phó giám đốc Viện Tim, mà sếp hắn Nguyễn Quang Tuấn, cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cũng bị tó, hắn cũng chả ngán!
Dường như mấy cái khóa bồi dưỡng chính trị bắt buộc định kỳ đối với những quan chức lãnh đạo mà Đảng yêu cầu coi bộ chỉ là các toa thuốc toàn giả dược nên ngay cả cấp ủy viên trung ương còn xộ khám, nói gì đến hạng còn tép riu quan quyền như Trương Quang Việt…” – một bác sĩ của CDC TP.HCM chắt lưỡi tiếc rẻ cho công sức cả chục năm trời bỏ ra ban đầu để học cho thạo nghề của người hành nghề y./.