Theo như những gì được thuật trên báo chí nhà nước Việt Nam thì lương Chủ tịch UBND TP Hà Nội có hai bậc lương với mức 14,453 triệu đồng và 15,347 triệu đồng. Như vậy lương của ông Chu Ngọc Anh cao nhất cũng chỉ 15,347 triệu đồng mà thôi. Tuy nhiên, khi ông Chu Ngọc Anh bị bắt, cộng đồng mạng đã choáng ngợp trước căn nhà khủng của ông cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Căn nhà này nằm trong Khu đô thị Vinhomes Gardenia thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, được giới kinh doanh bất động sản định giá vào khoảng 80-100 tỷ đồng.
Làm một phép tính chia đơn giản thì ông Chu Ngọc Anh phải mất từ 434 năm đến 542 năm mới mua nổi căn nhà của ông bằng lương, với điều kiện là ông không ăn uống tiêu xài một đồng nào trong khoản tiền lương đó. Ai cũng biết, chỉ có tham nhũng mới mua được nhà như thế.
Tháng Hai 2020, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ, ông Chu Ngọc Anh đã ký chi gần 19 tỷ đồng cho nhóm nghiên cứu bộ kit test. Nhóm nghiên cứu này thực sự đã không làm nghiên cứu gì cả vì như cơ quan điều tra cho biết, họ nhập bộ kit test dỏm từ Trung Quốc về dán mác “made in Vietnam” rồi tiêu thụ. Số tiền 19 tỷ ấy là để chia chác. Bộ Khoa học-Công nghệ là bộ nhỏ, năm 2022, Trung ương chi cho Bộ này chỉ 2.777 tỷ đồng, thua nhiều bộ khác. Ở Bộ này, hầu hết các dự án là nghiên cứu nên ngân sách duyệt chi không lớn. Vì thế nên ở Bộ này, Chu Ngọc Anh không có nhiều “không gian” để tham nhũng. Ngân sách của cả Bộ KH-CN nhiều khi còn thua một dự án của Bộ Giao thông Vận tải.
Muốn kiếm nhiều tiền thì hoặc là nắm những bộ lớn ở Chính Phủ như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công-Thương, Bộ Công an v.v. chứ còn nắm những bộ nhỏ như Bộ KH-CN, Bộ Thông tin Truyền thông thì “không có tiền mà ăn”. Việc dựng kịch bản “xẻ thịt” 19 tỷ đồng là món tiền rất nhỏ so với 12 đại dự án thua lỗ của Bộ Công Thương hay các BOT bẩn của Bộ Giao thông Vận tải. Nếu không nắm bộ lớn thì làm bí thư hoặc chủ tịch một tỉnh – thành phố trực thuộc trung ương cũng là một cách để kiếm chác đậm.
Ở Việt Nam, dù cho tỉnh nghèo thì công trình trăm tỉ, ngàn tỷ là không hiếm. Thậm chí tỉnh ít dự án thì chính quyền có thể vẽ ra. Nắm một tỉnh là làm vua một cõi, có những dự án không cần phải trình trung ương duyệt nên đây là nơi rất dễ xảy ra tham nhũng. Xây cổng chào trăm tỉ, tượng đài ngàn tỉ, các công trình công cộng không có tính thực tiễn vẫn ngày ngày mọc lên rồi sau đó bỏ hoang trên khắp đất nước Việt Nam là minh chứng cho loại tham nhũng chính sách của các chính quyền địa phương. Những công trình loại này so với dự án nghiên cứu gần 19 tỉ đồng mà ông Chu Ngọc Anh đã ký cho nhóm “nghiên cứu” của Học Viện Quân Y và Công ty Việt Á thì lớn hơn rất nhiều.
Ông Chu Ngọc Anh có hai lần nắm chính quyền địa phương. Đó là từ 25 Tháng Tư 2013 đến 14 Tháng Chín 2015, ông làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ. Lần thứ nhì là nắm chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành Phố Hà Nội. Ông nắm chức vụ này cho đến khi bị bắt. Là người thích “gặm nhấm” thì được điều về nắm nền kinh tế địa phương sẽ là cơ hội lớn để ông Chu Ngọc Anh “làm kinh tế gia đình”. Và thực tế, ông rất giàu.
Việc bổ nhiệm cán bộ là việc làm bình thường của một lãnh đạo nếu đó là đầu nhiệm kỳ. Bởi lúc đó hàng loạt cán bộ hết nhiệm kỳ cần thay thế. Tuy nhiên, giữa nhiệm kỳ mà bổ nhiệm hàng loạt hoặc cuối nhiệm kỳ mà bổ nhiệm hàng loạt là bất thường. Đó là dấu hiệu của việc bán ghế. Trước khi bị bắt, ông Chu Ngọc Anh đã ký bổ nhiệm hàng loạt vị trí thuộc quyền hạn của ông. Hành động này nói theo dân gian thì đấy là “vét chú chót” hay là “hốt hụi chót”. Đến khi sắp xộ khám vẫn không quên kiếm tiền.
Có một nghịch lý là, lương quan chức nhà nước rất thấp nhưng ai cũng muốn bỏ núi tiền để chạy cho được một chân. Có nhiều vị trí chỉ ở cấp chuyên viên, nhưng người ta cũng dám bỏ ra hàng tỷ để có được chiếc ghế. Từ lãnh đạo cấp thấp cho đến cấp cao, nếu lấy tài sản của họ so với lương đều chênh lệch rất lớn. Tiền ở đây mà ra vậy? Không từ tham ô thì từ đâu? Đây rõ ràng là hành động “làm kinh tế gia đình” mà. Mua ghế để làm giàu.
Cách làm ăn của ông Chu Ngọc Anh là toa rập với gian thương để trục lợi. Vụ án Việt Á là điển hình. Tuy nhiên, đấy chưa phải là cách duy nhất của ông, việc ký bổ nhiệm bất thường hàng loạt cán bộ cũng là một cách. Ông trùm đốt lò Nguyễn Phú Trọng cần điều tra làm rõ hành động bất thường này của ông cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.
Những người được Chu Ngọc Anh bổ nhiệm, đó là những người “biết làm kinh tế gia đình”. Dùng tiền mua ghế, rồi dùng ghế hái ra tiền. Cứ như vậy, tham quan có thể tiến thân rất nhanh mà không cần phải có tài năng thực sự. Liệu rằng ông Chu Ngọc Anh không làm ăn như vậy?
Chính sách “luân chuyển cán bộ” về danh nghĩa là “thử thách lãnh đạo”, mục đích là để họ có thể thích ứng trong mọi ngành, mọi tình huống. Tuy nhiên, âm mưu ẩn đằng sau chính sách thuyên chuyển đó là vấn đề cần phải nói cho rõ. Ẩn đằng sau chính sách này là hình thức thanh trừng và mua bán ghế. Muốn “đì” một quan chức nào thì thuyên chuyển họ đến vị trí hữu danh vô thực, đó là một loại thanh trừng ngầm khó ai phát hiện. Và cơ bản là trong đó có hiện tượng nhận tiền để thuyên chuyển người mua đến những chiếc ghế béo bở hơn, dễ hái ra tiền hơn. Đấy là mặt trái của chính sách, liệu rằng ông Nguyễn Phú Trọng có dám làm đến nơi đến chốn để hạn chế hiện tượng tham nhũng chính sách tràn lan không?
Đỗ Ngà