Nghiệp vụ và kĩ năng của cán bộ đoàn chỉ là tuyên truyền vận động thanh niên, dẫn dắt thanh niên vào lí tưởng chính trị. Chỉ là chính trị chay. Không cần kiến thức khoa học. Không cần nghiệp vụ kĩ thuật. Đến kĩ năng lao động thông thường cũng không. Với nghiệp vụ chính trị chay, cán bộ đoàn chuyên nghiệp Nguyễn Hồng Diên lên tới Bí thư tỉnh đoàn.
Trong cơ cấu tổ chức chính trị, bí thư tỉnh đoàn là tỉnh uỷ viên. Tỉnh uỷ viên, lọt vào cơ cấu quyền lực chính trị, như rất nhiều người tạo vốn liếng chính trị từ tổ chức đoàn (Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang . . .) Nguyễn Hồng Diên cũng thăng tiến mau lẹ: Bí thư tỉnh uỷ. Uỷ viên trung ương đảng. Phó ban Tuyên Giáo trung ương. Bộ trưởng bộ Công Thương.
Ở chiếc ghế quyền lực lớn, đương nhiên ông Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chẳng kém ai, cũng có đủ bằng cấp, học hàm học vị. Thực tế cho người dân Việt Nam biết rằng quan chức nhà nước Việt Nam Xã hội Chủ Nghĩa cần bằng cấp nào là có ngay bằng cấp đó và các quan chức đều có bằng cấp cao tột đỉnh. Nhưng bằng cấp của quan chức Việt Nam chỉ để làm đẹp hồ sơ quan chức, không phải là căn cước thực sự của kiến thức và trình độ năng lực. Vì vậy, chính quyền Việt Nam là chính quyền có bằng cấp học hàm học vị cao nhất thế giới nhưng hiệu quả làm việc thì ngược lại!
Cán bộ đoàn chỉ vận động, tuyên truyền chính trị chay với một đối tượng là lớp người trẻ. Tuyên Giáo cũng chỉ làm chính trị chay với người dân cả nước. Cán bộ đoàn và Tuyên Giáo áp đặt thế nào cũng được, nói dóc thế nào cũng được. Nhưng làm Bộ trưởng bộ Công Thương là làm kinh tế, là kĩ trị, phải có kiến thức khoa học thực sự của thời đại cách mạng khoa học kĩ thuật, có kĩ năng và cả đạo đức kĩ trị do năm tháng cuộc đời nhà kĩ trị tích luỹ được. Không thể chỉ là lí tưởng chính trị, chỉ là tuyên truyền, công thương phải có kiến thức chuyên sâu khoa học kinh tế và có thực tiễn đời sống sản xuất kinh doanh đầy biến động và đầy thách thức.
Bộ Công Thương là bộ lớn nhất và quan trong nhất trong đời sống kinh tế của một quốc gia không những quản lí điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của đất nước mà còn giải quyết, đáp ứng mọi nhu cầu đời sống vật chất của người dân và xã hội. Phi thương bất phú. Bộ Công Thương là bộ làm giầu cho đất nước. Thương trường là chiến trường. Sản xuất cần ổn định nhưng thị trường lại luôn biến động bất ngờ và dữ dội như biến động và dữ dội của chiến trường. Công thương là sự nghiệp đòi hỏi khắt khe sự nhạy bén ứng biến của tài năng như tài năng của những người chơi cờ.
Đầu thế kỉ 20, tư sản Pháp vào khai thác thuộc địa Việt Nam cũng mở ra nền kinh tế công thương ở qui mô công nghiệp cho xã hội Việt Nam, mở ra hoạt động công thương cho nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Có hàng trăm ngàn người Việt Nam dấn thân vào sự nghiệp công thương nhưng người làm nên sự nghiệp như Bạch Thái Bưởi, Đỗ Đình Thiện, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà, Nguyễn Thị Năm . . . chỉ có mấy người.
Bộ Công Thương là bộ dân sự lớn nhất, nặng nề, khó khăn nhất của một nhà nước. Là bộ quyết đinh sự phát triển của đất nước và có đòi hỏi rất cao của kĩ trị được giao cho ông cán bộ đoàn Nguyễn Hồng Diên chỉ có nghiệp vụ vận động, tuyên truyền. Chỉ một việc nhỏ trong lĩnh vực công thương rộng lớn là điều tiết giá xăng dầu cũng thấy rõ sự bất cập của ông Bộ trưởng Công Thương chỉ có nghiệp vụ cán bộ đoàn.
Trong khi người lao động phổ thông Malaysia có thu nhập bình quân hàng tháng hơn 1.000 đô la, tương đương hơn 23 triệu đồng Việt Nam và họ mua xăng chỉ 0,47 đô la, lít, chưa đến 11.000 đồng Việt Nam. Người lao động phổ thông Việt Nam thu nhập hàng tháng chỉ khoảng hơn 4 triệu đồng, chưa tới 200 đô la mà phải mua xăng chạy xe đi làm với giá 31.573 đồng, lít.
Thu nhập của người lao động Việt Nam chỉ bằng một phần năm thu nhập của người lao động Malaysia. Giá xăng Việt Nam đắt gấp ba lần giá xăng ở Malaysia và ở mức giá cao nhất thế giới. Chỉ riêng nhu cầu xăng trong đời sống hàng ngày của người dân đã thấy giá xăng ở Việt Nam quá vô cảm. nhẫn tâm và độc ác đẩy người dân đã khốn khổ càng thêm khốn khổ.
Qua lâu rồi thời giá xăng Việt Nam chưa phải gánh thuế chồng thuế, phí chồng phí nên có giá thấp và có đường dây buôn lậu xăng từ Việt Nam qua Campuchia. Giá xăng ở Việt Nam ngày nay cao ngất ngưởng không những đẩy cuộc sống người dân Việt Nam vào nghèo khổ, khốn cùng mà còn nâng chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển, nâng giá thành sản phẩm lên cao đến phi lí, sản xuất kinh doanh cả nước không chịu đựng nổi, gây khó khăn, bế tắc cho sản xuất kinh doanh, làm cho sản phẩm hàng hoá Việt Nam không thể cạnh tranh trong thị trường thế giới.
Ngày 2.6.2022, tại Hội thảo đẩy mạnh xuất khẩu sang khối các nước Hồi Giáo do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ông Trần Việt Thái, Đại sứ Việt Nam tại nước Hồi Giáo Malaysia cho biết: Giá xăng Việt Nam hơn 30.000 đồng, lít, trong khi xăng RON 95 tại Malaysia rất ổn định, từ nhiều năm qua giá chỉ 13.000 đồng, lít. Mở rộng xuất khẩu sang Malaysia và nhập khẩu xăng Malaysia sẽ có lợi cho ta cả hai chiều xuất và nhập khẩu.
Thực tế lít xăng ở Malaysia chỉ 10.800 đồng Việt Nam chứ không phải 13.000 đồng. Còn ở VIệt Nam là 31.573 đồng. Sự thật như vậy nhưng ông Bộ trưởng bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ có nghiệp vụ chuyên môn là cán bộ đoàn, chỉ quen nghề tuyên truyền áp đặt và dối trá, đã cả gan lừa dối cả Quốc hội khi ông xưng xưng nói trên diễn đàn Quốc hội,:
– Hiện nay giá xăng của Việt Nam còn thấp hơn giá thế giới, nên đang có tình trạng chảy xăng dầu ra nước ngoài!
Lừa dối Quốc hội, lừa dối người dân cả nước rồi ông cán bộ đoàn khoe mấy từ ngữ thương mại mà ông nhập tâm được từ khi ngồi vào chiếc ghế Bộ trưởng bộ Công Thương. Ông lí sự rất sai trái về giá xăng lộ ra sự trống rỗng quá lớn về kiến thức kinh tế của ông:
– Nền kinh tế của chúng ta có độ mở rất cao, cho nên hàng hóa làm ra chủ yếu xuất khẩu. Nếu ép giá đầu vào thì giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị, vô hình chung gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước. Hàng hóa của ta sản xuất bán cho người tiêu dùng cả thế giới, nên nếu giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị, thì có phải là thiệt hại không? Ép giá đầu vào thì các nước sẽ kiện chúng ta về chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí còn kiện chúng ta là thao túng tiền tệ.
Chỉ cốt khoe mấy từ ngữ thương mai nhưng những từ ngữ thương mại, nào là “ép giá”, “bán phá giá”, nào là “thao túng tiền tệ” đều khiên cưỡng và không đúng chỗ, chứng tỏ đến những khái niệm thông thường của thương mai mà ông Bộ trưởng bộ Công Thương cũng chưa kịp hiểu thấu đáo.
Cao giọng như vậy ở Quốc hội là ông Diên đang tận hưởng quyền lực của chiếc ghế Bộ trưởng Công Thương nhưng sự cao giọng ấy cũng chỉ là tiếng vang của chiếc thùng rỗng mà thôi.
Những người điều hành nền kinh tế Malaysia là những nhà kĩ trị, vừa có kiến thức quản lí kinh tế, có tầm nhìn quốc gia, vừa lọc lõi thương trường. Đất nước đã đi vào công nghiệp hoá thì xăng dầu là nhiên liệu của hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh, là ô xy cho sự sống của cả nền kinh tế. Điều tiết giá xăng dầu chính là bảo đảm cung cấp ô xy tốt nhất cho sự sống đó. Không đánh thuế xăng, nhà nước Malaysia còn trợ giá cho xăng, giữ cho giá xăng luôn ổn định ở mức thấp để nuôi dưỡng sự sống mạnh mẽ cả nền kinh tế rồi thu lại lớn từ kinh tế tăng trưởng.
Giá xăng phù hợp với đời sống xã hội, xã hội tưng bừng sức sống. Giá xăng phù hợp với đầu vào sản xuất, sản xuất ổn định và bền vững tăng trưởng. Nền kinh tế tăng trưởng thì thu nhập của nước, thu nhập của dân đều tăng và nguồn thu ngân sách càng tăng ở mọi lĩnh vực hoạt động xã hội và kinh tế. Nhà nước Malaysia trợ giá cho xăng một đồng để thu ngân sách tăng nhiều triệu đồng ở tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội.
Giá xăng 31.573 đồng, lít ở Việt Nam đắt gấp ba lần giá xăng ở Malaysia, đắt nhất thế giới là người điều hành nền sản xuất kinh doanh cả nước, người đứng đầu bộ Công Thương của nhà nước Việt Nam chỉ nhìn thấy xăng mà không thấy cả nền sản xuất kinh doanh. Chỉ cốt sao thu được nhiều tiền từ xăng để báo cáo thành tích, không thấy sự thất thu của cả nền kinh tế.
Từ cán bộ đoàn đến cán bộ đảng chỉ làm công việc chăm lo lí tưởng sống, lí tưởng chính trị. Bí thư tỉnh đoàn đến bí thư tỉnh uỷ chỉ đứng đầu tổ chức chính trị, chỉ làm chính trị chay. Quản lí nhà nước là kĩ trị, một ngành khoa học vừa đòi hỏi mặt bằng văn hoá xã hội cao, vừa đòi hỏi trí tuệ khoa học chuyên sâu. Nhưng từ khi đảng cộng sản cầm quyền đã thần thánh hoá người cộng sản. Coi quan chức cộng sản như thánh, làm gì cũng được. Cứ bí thư tỉnh uỷ là có thể làm bộ trưởng bất cứ bộ nào trong bộ máy nhà nước.
Bộ Văn hoá là bộ Lễ không phải chỉ chăm lo đời sống văn hoá của đất nước văn hiến mà còn trau chút làm đẹp thêm vẻ đẹp tâm hồn của dân tộc đã sáng tạo ra cả nền văn minh sông Hồng thì hết ông bí thư tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế đã từng bao che cho một tâm hồn tội lỗi, bí thư tỉnh uỷ lừa đảo Hồ Xuân Mãn, lại đến ông bí thư vùng đất sỏi đá gió Lào, cát trắng Quảng Trị làm Bộ Trưởng.
Bí thư tỉnh uỷ của đảng là nguồn Bộ trưởng của nhà nước và nhiểu nhiệm kì qua chưa có ông Bộ trưởng nào xứng tầm với bộ Công Thương. Điều hành bộ Công Thương xây dựng 12 dự án công nghiệp đều thua lỗ hàng trăm ngàn tỉ đồng, ông Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ nhận là bài học sâu sắc rồi phủi tay lên Bộ Chính trị, làm trưởng ban kinh tế của đảng.
Còn ông Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nâng giá xăng lên cao nhất thế giới tạo ra chênh lệch lớn giữa giá xăng Việt Nam với thế giới. Sự điều chỉnh tự nhiên của đời sống đang đặt ra nhu cầu nhập khẩu xăng của Malaysia thì ông Bộ trưởng bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lại lừa dối Quốc hội, lừa dối người dân: Giá xăng của Việt Nam còn thấp hơn giá thế giới, nên đang có tình trạng chảy xăng dầu ra nước ngoài!
Hào kiệt thời nào cũng có. Đất nước không thiếu hiền tài. Không đủ tầm quốc gia, không đủ năng lực quản lí, điều hành công việc quốc gia lại chiếm vị trí của hiền tài không những gây mất mát cho nước, gây thiệt hại cho dân mà còn làm mất mát, bỏ phí hiền tài. Mất mát của cải vật chất dù lớn đến đâu cũng tính được bằng con số, cũng có giới hạn. Hiền tài là vô giá. Mất mát hiền tài là mất mát không thể tính được. Mất mát không có con số nào so sánh được./.