Báo Pháp luật đăng: “Trưởng phòng thú y luân chuyển làm trưởng phòng giáo dục”.
Các quan chức địa phương này nhận thức: “Quản lý động vật với quản lý học sinh có nhiều điểm tương đồng”.
Báo cho đó là “chuyện lạ”. Tôi thấy không lạ. Sự thực là cách quản học sinh ở các nền giáo dục khuôn mẫu không khác cách quản động vật.
Hãy nhìn thẳng vào sự thật, bắt đầu từ mầm non. Các nhà trẻ đều kín cổng cao tường, trừ giờ mở cửa đưa đón trẻ. Mỗi cô giáo chăm hơn 30 em, từ ăn uống, ngủ nghỉ, trang phục… đến tổ chức các hoạt động vui chơi, học tập. Tất cả đều răm rắp tuân theo quy định với những khuôn mẫu chặt chẽ đến từng milimet. Ăn uống, ngủ nghỉ, trang phục… một khuôn đã đành, đến vẽ tranh, đọc thơ, kể chuyện cũng răm rắp một khuôn đúc ra. Sau 3 năm ở nhà trẻ, các em bé giống nhau như đúc, một cơ chế tự động tuân theo mệnh lệnh, chấp nhận đặt đâu ngồi đó và được phát cho phiếu bé ngoan. Công việc của cô giáo không khác công việc thuần hoá thú hoang. Với cách làm đó, anh chăn vịt cũng có thể tuyển vào làm cô giáo mầm non để chăn trẻ như chăn vịt. Tất nhiên chăn vịt giữa bốn bức tường dễ hơn chăn vịt ngoài đồng.
Cái mầm được chăm như vậy ắt cho đến khi vào học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông…. thậm chí trưởng thành đến cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư… tất cả đều sẽ như một lò ấp ra. Nền giáo dục ấy, nếu có một cá nhân phát triển cá tính sẽ bị trừng phạt, giống như trong đàn vịt, con nào rời ngoài hàng ngũ hoặc thậm chí đi không thẳng hàng sẽ bị con sào cắm vào đầu!
Với nền giáo dục khuôn mẫu, rõ ràng quản học sinh rất giống quản động vật. Nhận thức của các quan như vậy là rất đúng, cả lý luận lẫn thực tiễn.
Chuyện trong bài báo nói về giáo dục ở Trung Quốc đại lục. Nhưng ở ta có khác chăng? Báo đăng vậy nhưng có ai đã phản tỉnh?
Chu Mộng Long