Phạm Lê Đoan (VNTB)
Dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen có phần lợi ích của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng?
Dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen – tên trong giấy chứng nhận đầu tư là dự án quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái B’Nom Lu Mu – có tổng vốn đầu tư gần 590 tỉ đồng.
Theo văn bản do ông Lê Phước Vũ, chủ tịch Công ty Hoa Sen, gửi UBND tỉnh Lâm Đồng mới đây, thì đến nay Công ty Hoa Sen đã đầu tư vào dự án hơn 659 tỉ đồng, vượt tổng vốn đăng ký ban đầu.
Tháng 3-2022, UBND huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) đề xuất tạm dừng dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen để xử lý dứt điểm các phát sinh theo đúng quy định pháp luật. Hiện dự án này đã chậm tiến độ đến 50 tháng.
Tuy nhiên tính đến hạ tuần tháng 5-2022, dự án vẫn chưa có bất kỳ quyết định đình chỉ nào.
Theo quan sát của những nhà phản biện môi trường độc lập thì dự án tâm linh ở Việt Nam lâu nay là nơi “hốt bạc” cho chủ đầu tư, chứ không đơn thuần là phục vụ nhu cầu thờ cúng hay tâm linh. Tuy nhiên, thảm hoạ môi trường nặng nề nhất từ các dự án tâm linh khi mà những cánh rừng bị cạo trọc, bức tử, lấp suối, xẻ núi, bạt đồi để lấy đất gây biến dạng địa hình, san lấp mặt bằng trái phép tràn lan, làm ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn…
Điều này tiềm ẩn nhiều hệ luỵ xấu làm rừng cạn kiệt, thời tiết trở nên cực đoan, thay đổi môi sinh, lũ lụt, sạt lở đất triền miên, gây bao nhiêu khổ ải, lầm than cho người dân địa phương.
Chưa hết, theo tìm hiểu của một nhà sư thì hồ sơ vụ việc này có chi tiết trong 361,2 ha dự án, phần diện tích 9.159,2 m2 UBND tỉnh Lâm Đồng giao đất cho Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng để xây dựng chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen với nhiều hạng mục, quần thể khác bao quanh. Điều này cho thấy dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen cũng có phần lợi ích của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng.
Lưu ý là đất quy hoạch giao cho doanh nghiệp này không phải đất tôn giáo. Thế nhưng khi đã gọi là “giao đất cho Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng để xây dựng chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen”, có nghĩa đã khiến cho nó trở thành “đất tôn giáo”?
“Nhưng điều không công bằng là đất do chùa Dược Sư tạo mãi cho 60 vị ni tu tập và làm nông nghiệp ổn định từ trước đến nay lại được nhà chức trách kết luận “không phải đất tôn giáo”, và buộc ni chúng phải trở về cơ sở chính là chùa Dược Sư. Một sự kết hợp hoàn hảo giữa Công ty và Giáo hội để xẻ đồi bạt rừng biến đất nông lâm nghiệp thành “đất tôn giáo”…” – vị nhà sư kể trên, nhận xét.
Cách đây 6 năm, cũng liên quan đến dự án nêu trên, ông Lê Phước Vũ là người thắng kiện một tờ báo điện tử ở phiên toà sơ thẩm tại TP.HCM khi cho rằng tờ báo này đăng bài không chính xác về ông, phải cải chính, xin lỗi.
Theo phía tòa án, các chi tiết về việc ông chủ Tập đoàn Hoa Sen thi công dự án du lịch đã có những động thái “chèn ép nông dân, chặn mất nguồn nước, cắt luôn đường đi lên rẫy”, “phá nát con đường cũ”… là một chiều và không khách quan, dẫn đến việc đăng thông tin không đầy đủ, không chính xác.
Ngoài ra, toà án có xác định ông Vũ là chủ tịch và là người đại diện theo pháp luật của dự án. Tuy nhiên, đây là hai chủ thể pháp lý khác nhau nên việc xác định dự án của cá nhân ông Vũ là không chính xác.
Theo hồ sơ của Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, tính đến hạ tuần tháng 5-2022, phần diện tích 9.159,2 m2 UBND tỉnh giao đất cho Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng để xây dựng chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen, hiện chưa được điều chỉnh đưa ra khỏi diện tích dự án theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án./.