Theo các nhà kinh tế học, dân đóng thuế thì mặc nhiên được hưởng các loại phúc lợi cơ bản như y tế, giáo dục, giao thông. Nôm na là nhiều dịch vụ công cộng phải được miễn phí. Theo dõi một số quốc gia phát triển, rõ ràng nguồn thuế thu được đảm bảo chi phúc lợi như vậy.
Song le, ở ta, dân kêu trời các loại đóng thuế và thu phí dịch vụ công cộng đã khàn cổ từ lâu. Công chức viên chức thì lương chỉ hơn 4,5 triệu/tháng đã phải đóng thuế thu nhập cao, nhưng không dám kêu vì sợ bị đuổi việc. Bây giờ đến Chủ tịch nước cũng than phiền sao lại thu thuế tăng cao ngay cả khi kinh tế khó khăn hay tăng trưởng thấp? Chưa thấy có câu trả lời.
Mà hình như càng kêu thì thuế, phí càng tăng. Chủ tịch hỏi cơ quan thuế mà không hỏi các Bộ ngành. Bệnh viện công lấy đất sở hữu toàn dân, lấy ngân sách từ thuế dân để xây dựng và mua sắm vật tư, nhưng ngành y tế thì cứ đòi tăng phí dịch vụ, tăng giá thuốc. Quốc lộ, tỉnh lộ cũng lấy đất sở hữu toàn dân, lấy ngân sách từ thuế dân để xây dựng, nhưng ngành giao thông thì cho BOT chặn luôn các tuyến đường không phải tư nhân chi để thu lộ phí…
Riêng ngành giáo dục, ngoài các dự án hàng ngàn tỉ trong nhiều năm qua vừa vay nợ vừa chi từ ngân sách, dự án đổi mới chương trình và thay sách giáo khoa với số tiền hơn 30 ngàn tỉ vừa rồi như khoét thủng dạ dày của dân. Những tưởng số tiền chi từ thuế của dân thì dân ắt phải được thụ hưởng phần nào bằng cách miễn giảm chi phí các loại. Nhưng thật xót xa khi dân chẳng được thụ hưởng gì ngoài cái cảm giác bị cắt cổ nhổ lông thêm lần nữa. Chính Bộ Giáo dục và Đào tạo ra chủ trương tăng giá sách giáo khoa, tăng luôn học phí gấp bốn năm lần, cả trường công lẫn trường tư, thì không thể tưởng tượng nổi đó là giáo dục hay buôn lậu?
Ngay cả lĩnh vực tư nhân cũng đừng nói tư nhân thì họ muốn thu bao nhiêu thì thu. Tìm hiểu các trường tư, một cách sòng phẳng, tôi thấy đất đai sở hữu toàn dân được mua hoặc thuê giá ưu đãi, cũng từ máu dân. Chương trình, sách giáo khoa, và kể cả đào tạo nguồn nhân lực sư phạm cũng chi phí từ máu của dân, nó chẳng giống tư nhân của nước ngoài chỗ nào. Nên nhớ, mỗi năm nhà nước chi ngàn tỉ từ ngân sách để miễn học phí cho đào tạo sư phạm, trong khi trường tư nhân sử dụng cả đất đai lẫn nhân lực từ nguồn nào mà con dân phải mua sách và đóng học phí giá cắt cổ?
Nhiều người nói, tăng học phí như vậy thì lợi cho giáo viên. Nói vậy thì tôi phải nói rõ ra, rằng suốt nhiều năm qua, dù tăng học phí liên tục, nhưng tiền chi trả giờ dạy cho giáo viên gần như chẳng tăng bao nhiêu. Tôi, tiến sĩ, thâm niên giảng dạy gần 30 năm, tiền học phí tăng có lúc gấp đôi gấp ba, nhưng tiền được chi trả dạy vượt giờ (ban đêm và chủ nhật) cũng chỉ cứ dao động lẩn quẩn ở mức 60 – 70 ngàn đồng/tiết, thua tiền công thợ hồ. Tăng thu nhiều tiền để làm gì?
Khi nói chuyện tăng giá sách giáo khoa, có mấy giáo viên nịnh thần vào trang ông Đỗ Ngọc Thống nói như thánh, rằng phụ huynh bây giờ ăn uống, chơi bời, du lịch tiền trăm triệu, mua bộ sách có mấy trăm ngàn mà cũng kêu la. Tôi phải chửi, rằng loại phụ huynh ăn uống, chơi bời, du lịch tiền trăm triệu ấy chỉ có thể là các ông bà ăn cướp chứ không thể là đa số dân đen. Làm thầy mà phát ngôn như vậy là không có trái tim. Các ông bà phải hiểu, từ mấy chục năm nay, nhà lao động bình thường nào có hai con trở lên đang đi học, đặc biệt là học đại học, là kiệt quệ đấy! Không chừng chỉ dăm năm nữa, tất cả con dân nhà nghèo không phải đến trường…
Nói sòng phẳng thế này. Các ông bà có máu mặt từ giao thông đến y tế, giáo dục, hãy bỏ tiền túi mua đất theo giá thị trường, tự đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tự chi xây dựng chương trình và in sách, kể cả tự chi đào tạo nguồn nhân lực, đừng bắt dân nuôi và thu thuế của dân xu nào thì thu phí dịch vụ cao bao nhiêu cũng được!
Chu Mộng Long