Tự gây bệnh rồi chữa

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà

Cổ phiếu là tài sản; đất đai, xe cộ, nhà xưởng, máy móc, thiết bị cũng là tài sản vì nó đều có thể quy ra tiền. Tuy nhên, giá trị cổ phiếu của công ty lại lên xuống thất thường theo sức khỏe tài chính công ty đó. Nếu công ty khỏe giá cổ phiếu cao, nếu công ty có nguy cơ phá sản thì cổ phiếu là giấy lộn. Còn các tài sản khác thì không như thế, dù cho công ty có phá sản nó vẫn còn nguyên giá trị.

Tài sản đảm bảo trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp chính là tài sản thế chấp để vay nợ mà thôi. Phát hành trái phiếu cũng là một hình thức đi vay, có điều đây không phải là đi vay ngân hàng mà là vay các nhà đầu tư (trái chủ). Tài sản thế chấp là một thứ “con tin” mà người vay trao vào tay người cho vay để phòng rủi ro khi con nợ mất khả năng trả thì chủ nợ sẽ nắm giữ nó để “siết nợ” thu hồi tài sản. Ý nghĩa của tài sản thế chấp (hoặc tài sản đảm bảo) chỉ là như vậy thôi.

Như vậy, khi luật pháp chấp nhận cổ phiếu như là tài sản thế chấp (hoặc tài sản đảm bảo) để doanh nghiệp phát hành trái phiếu thì khác nào luật pháp chấp nhận cho doanh nghiệp thế chấp giấy lộn? Tài sản đảm bảo là để đảm bảo nhà đầu tư vẫn thu hồi nợ khi công ty phá sản nhưng mà cổ phiếu thì không đảm bảo được điều đó. Đây là kẽ hở rất lớn của pháp luật. Chính nó đã đánh lừa để nhà đầu tư móc hầu bao ra cho doanh nghiệp vay. Các trái chủ tưởng rằng họ nắm được tài sản để siết nợ nhưng hóa ra nó là giấy lộn.

- Quảng Cáo -

Hiện nay loại trái phiếu nào được niêm yết sở giao dịch chứng khoán là loại trái phiếu được xem là “hàng hiệu” ít rủi ro cho nhà đầu tư nhất, bởi vì những công ty này có tài sản đảm bảo và minh bạch tài chính hơn. Tuy nhiên, phần lớn trong đó là công ty dùng chính cổ phiếu của nó làm tài sản đảm bảo. Như đã giải thích, thứ tài sản đảm bảo này sẽ là giấy lộn nếu công ty mất khả năng thanh toán khi trái phiếu đáo hạn. Như vậy, mua trái phiếu “hàng hiệu” ở Việt Nam vẫn không có gì an toàn cả, có chăng đó chỉ là cảm giác an tâm hơn mà thôi.

Công ty tôi là công ty cổ phần có vốn chủ sở hữu là 1000 tỷ, tôi phát hành trái phiếu vay 2500 tỷ đồng với kỳ hạn là 3 năm. Tài sản thế chấp là 1000 tỷ đồng bằng bất động sản của dự án và 1500 tỷ đồng bằng cổ phiếu của công ty. Dự án của tôi phải 5 năm sau mới có thể chào bán để thu hồi vốn lẫn lãi. Tôi chọn cách phát hành trái phiếu công khai bằng cách niêm yết ở sở giao dịch chứng khoán. Thấy trái phiếu của tôi là thứ “hàng hiệu” ít rủi ro, nhà đầu tư tranh mua. Tuy nhiên khi đến hạn 3 năm, công ty tôi mất khả năng thanh toán vì kinh doanh thất bại, vì thế giá cổ phiếu cũng về zero. Nghĩa là 1500 tỷ đồng cổ phiếu mà tôi thế chấp cho nhà đầu tư giờ đây chỉ còn giấy lộn. Còn lại bất động sản thế chấp là dự án trị giá 1000 tỷ thì đang thi công dở dang chưa bán được, nếu “bán lúa non” thì chỉ có thể thu được 500 tỷ đồng. Như vậy, nhà đầu tư chỉ có thể thu hồi nợ là 500 tỷ/2500 tỷ đồng nợ trái phiếu, vậy là trái chủ (khi này là khổ chủ) vẫn mất 2000 tỷ, tức mất 80%. Nói thế để thấy, mua trái phiếu “hàng hiệu” vẫn gánh rủi ro vì kẽ hở “tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu”.

Được biết, những công ty chào bán trái phiếu chính thống trên sàn giao dịch chứng khoán thường tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu là 2,5. Trong khi đó, những công ty phát hành trái phiếu không chính thức thì tỷ lệ này rất cao, đa phần là 10 lần, có trường hợp lên đến 40 lần. Vốn thực tôi có 1 đồng mà tôi vay đến 10 hoặc 40 đồng thì cạy đâu ra tài sản để đảm bảo? Vậy nên, trái phiếu của những doanh nghiệp phát hành không chính thức là cực kỳ rủi ro! Điều đáng nói là, loại doanh nghiệp phát hành trái phiếu không chính thức này chiếm tỷ lệ rất cao, đến 95%.

Những công ty phát hành trái phiếu không chính thức của các doanh nghiệp bất động sản phần lớn là những doanh nghiệp 3 không (tức không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán) sẽ tìm cách trả nợ bằng hình thức gây ra sốt đất để tăng giá bán mặt hàng bất động sản. Họ như là những doanh nghiệp không có đường lùi, nếu không dùng những chiêu trò mờ ám để đẩy giá bất động sản nhằm tống hàng thu lợi khủng thì khả năng vỡ nợ là rất cao. Những loại doanh nghiệp này đang thực hiện một canh bạc, nếu thành công sẽ trả hết nợ, nếu không thành công thì “xù nợ”. Mọi rủi ro rồi những trái chủ sẽ gánh hết. Chính vì thế trong một bài báo trên tờ Vneconomy xếp các khoản vay trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản là “khoản vay dưới chuẩn”.

Điều đáng báo động là trong số doanh nghiệp phát hành trái phiếu thì doanh nghiệp BĐS chiếm đến 44%, với tổng số nợ vay là 318.00 tỷ đồng, tương đương 14 tỷ đô la. Theo báo CafeF thì hiện nay một số nơi đã xuất hiện tình trạng “lãi trên giấy”, tức là giá chào bán tăng cao, nhưng lại khó tìm người mua. Điều đó có nghĩa là bất động sản tăng giá vượt xa giá trị thật. Điều này tiềm ẩn nguy cơ bong bóng bất động sản.

Một thông tin đáng báo động là có đến 74% số nợ trái phiếu “dưới chuẩn” đang nằm trong hệ thống tài chính. Mà hệ thống tài chính tức là các công ty có chức năng trung gian tài chính như: các công ty chứng khoán, các ngân hàng vv… họ là những nhà bảo lãnh cho các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu. Nếu bất động sản sụp đổ thì hệ thống tài chính có nguy cơ sụp theo và khi đó cả nền kinh tế sẽ khốn đốn. ĐCS hiện nay đang lo vấn đề này xảy ra và không biết liệu họ sẽ xử lý ra sao? Nền kinh tế Việt Nam đang rất mong manh, mặc dù rất nhiều bài báo ca tụng nền kinh tế trên đà hồi phục ngoạn mục.

Hội nghị TW5 cũng đang lo rối rít vấn đề này. ĐCS sẽ đối phó ra sao thì hãy chờ xem? Lẽ ra, nếu làm tốt từ đầu thì nền kinh tế Việt Nam hiện nay không phải đối mặt với vấn đề gỡ rối cực khổ như thế này. CS thường hay nói “phòng bệnh hơn chữa bệnh” nhưng họ không bao giờ phòng được mà chỉ có chữa, cho rằng chữa lành đi nữa thì nền kinh tế cũng đã tổn hao sức khỏe không ít. Để đất nước phát triển bền vững, không thể cứ để Chính phủ phải nỗ lực chữa bệnh nền kinh tế lần này đến lần khác được. Cái vấn đề lớn là thể chế chính trị, chính nó đang gây bệnh cho nền kinh tế. Vì thế có thể nói không ngoa rằng, nền kinh tế này đang đi trong vòng tròn luẩn quẩn, tự gây bệnh rồi tốn công chữa bệnh. Thế bảo sao nền kinh tế vững mạnh cho được?

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://tienphong.vn/bom-no-post1435586.tpo

https://cafebiz.vn/co-dat-dot-ngot-mat-hut-diem-nong-sot…

https://vneconomy.vn/trai-phieu-doanh-nghiep-bat-dong-san…

- Quảng Cáo -