Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT). MV “There’s No One At All” của Sơn Tùng có hình ảnh em bé mồ côi nhảy lầu tự tử do cùng quẫn, không ai chia sẻ. Đó là hình ảnh “tiêu cực, gây tác hại lớn”, cần xử phạt. Nhiều người đồng tình, vì cho rằng, hình ảnh ấy có thể gây “hiệu ứng bắt chước” ở rất đông trẻ em thần tượng Sơn Tùng.
Nhiều người nói, Sơn Tùng ảnh hưởng mạnh ở trẻ, hình ảnh nhảy lầu tự tử trong MV là tấm gương cho trẻ noi theo. Cái lý này mà đúng thì các tấm gương anh hùng đều có hại?
Với cái lý tự tử thành tấm gương cho trẻ noi theo khiến tôi muốn truy từ “gốc”, trong cái nghĩa như họ đưa ra, là ai làm gương đầu tiên? Đơn giản là “gốc” của những vụ nhảy lầu gần đây.
Tôi thử tra Google, trong 0,35 giây, có 430.000 kết quả thông tin về cán bộ và trẻ em nhảy lầu tự tử.
Vụ đầu tiên ầm ĩ gây hiệu ứng mạnh nhất trong dư luận và báo chí nhà nước là vụ Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An nhảy từ tầng 8 văn phòng bộ. Chính xác vào ngày 17 tháng 10 năm 2019. Tiếp theo là hàng loạt từ cán bộ cấp trung ương đến cấp phường, từ giảng viên cấp học viện đại học đến trẻ em cấp trung học. Một Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lẽ nào không có ảnh hưởng mạnh hơn thằng nhóc Sơn Tùng?
Nếu nói ảnh hưởng kém hơn thì khác nào ngành giáo dục tự thú sự bất lực trong định hướng tích cực lẫn tự thú những nội dung và phương pháp dạy học tiêu cực! Cả một hệ thống giáo dục với đội ngũ tinh hoa đồ sộ mà không đáng xách dép thằng nhóc làm MV?
Báo chí và dư luận ầm ĩ vụ này với những mô tả tiêu cực có gây tác hại lớn không?
Trong khi MV “There’s No One At All” của Sơn Tùng chỉ mới xuất hiện vào tối 28/04/2022. Hàng ngàn người xem nhưng chưa có vụ nào học tập và làm theo nhân vật để gọi là gây tác hại lớn. Lạ là không ai xem các vụ nhảy lầu thật của cán bộ, giảng viên là tấm gương mà lại lấy MV Sơn Tùng với hình ảnh ảo ra làm gương cho trẻ bắt chước?
Trái đất đang quay ngược chăng?
Chu Mộng Long