Ukraine công bố lực lượng vũ trang của họ đã giết thêm hai tướng lĩnh Nga và làm trọng thương người thứ ba, trong cuộc giao tranh gần Kherson vào cuối tuần vừa qua.
Theo nhà báo David Axe của tạp chí kinh doanh Forbes, cuộc tấn công mới nhất vào sở chỉ huy Nga ở Kherson có thể là kịch tính nhất.
Các lực lượng vũ trang Ukraine hôm thứ Sáu được cho là đã phá hủy căn cứ chỉ huy Quân đoàn vũ trang liên hợp 49 trong vùng Kherson do Nga chiếm đóng ở miền nam Ukraine. Theo cơ quan tình báo Ukraine, cuộc tấn công đã khiến 2 tướng Nga thiệt mạng và một tướng khác bị thương nặng.
Các cuộc giao tranh ác liệt ở Ukraine đã gây thiệt hại nặng nề cho các đội hình quân đội, cũng như các sĩ quan cấp cao của Nga. Nếu tuyên bố mới nhất của Ukraine là đúng, điều đó sẽ đẩy số tướng Nga bị giết chết lên đến 10 mạng trong vòng 2 tháng kể từ ngày Putin khởi động cuộc chiến xâm lược.
Tại sao rất nhiều tướng Nga chết ở Ukraine?
Thứ nhất, tướng Nga bị chết hàng loạt ở chiến trường vì mức tham nhũng tồi tệ trong quân đội Nga.
Theo một báo cáo của Chỉ số Liêm chính Quốc phòng của Chính phủ, The Government Defence Integrity Index (GDI), quân đội Nga được xác định có nguy cơ tham nhũng cao “do sự giám sát từ bên ngoài rất hạn chế đối với các chính sách, ngân sách, hoạt động và việc đặt mua hàng của các tổ chức quốc phòng.”
Lĩnh vực mua sắm công thường mang theo cơ hội cho các hành vi tham nhũng của các quan chức quốc phòng. Các hợp đồng quân sự được sự chấp thuận không dựa trên chất lượng hoặc tiêu chuẩn của hồ sơ dự thầu, mà dựa trên mối quan hệ cá nhân của công ty với các quan chức nhà nước và lòng trung thành với Điện Kremlin.
“Các khoản hối lộ, lại quả và các khoản thanh toán không thường xuyên khác thường được trao đổi để có được các hợp đồng công khai,” theo một báo cáo được phát hành bởi Cổng thông tin Rủi ro và Tuân thủ, Risk and Compliance Portal (2021).
Khác với phương Tây, các lãnh đạo độc tài của Nga và Trung Quốc quản lý quân đội theo cách giống như những gì mà họ đang làm với nhà nước rộng lớn hơn của họ, chọn lòng trung thành thay vì các năng lực chuyên môn.
Lòng trung thành với Putin giúp cho Sergei Shoigu nắm được chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng và các nhà lãnh đạo cấp cao có được vị trí trong vòng trong, nhưng điều này phải trả giá bằng sinh mạng của binh sĩ và tướng lĩnh Nga trên tuyến đầu.
Do tình trạng tham nhũng tràn lan, quân đội Nga chỉ được cung cấp một phần nhỏ trong số các đài được mã hóa Azart để bảo vệ thông tin liên lạc của họ. Nhiều sĩ quan chỉ huy Nga đã buộc phải sử dụng đến đài cầm tay thương mại và thậm chí cả điện thoại di động không mã hóa, khiến họ dễ dàng trở thành con mồi gây nhiễu và xác định vị trí cho các cuộc tấn công bởi máy bay không người lái hoặc pháo của Ukraine.
Thứ hai, các chuỗi chỉ huy của quân đội Nga khác với các lực lượng vũ trang của phương Tây.
NATO thường bố trí các tướng lĩnh và ban chỉ huy của họ ở phía sau tiền tuyến. Công việc của tướng lĩnh là chiến lược toàn cảnh. Các sĩ quan cấp dưới, ở tiền tuyến, được phương Tây huấn luyện để sử dụng khả năng phán đoán và sự chủ động của bản thân để vượt qua các rào cản chiến thuật bất ngờ.
Ngược lại, hệ thống chỉ huy thứ bậc cứng nhắc của quân đội Nga, được giám sát bởi một lãnh chúa chuyên quyền Vladimir Putin, trói buộc các cấp dưới với một chuỗi sợ hãi vĩnh viễn, và giới hạn các suy nghĩ độc lập hoặc ra quyết định. Sĩ quan Nga không có mức độ quyết định sống chết và tính linh hoạt như nhau.
Muốn củng cố tinh thần vốn bị sa sút trầm trọng của các binh sĩ ở tuyến đầu, trong lúc các sĩ quan ở cấp cơ sở không có thực quyền, các tướng lĩnh Nga bị buộc phải có mặt ở các vùng giao tranh để làm mọi quyết định. Vì thế, họ trở thành mục tiêu dễ dàng hơn trong các cuộc đột kích.
Thứ ba, quân Nga không chịu học những bài học kinh nghiệm vô giá của chiến tranh.
Trong cuộc chiến ở Donbas vào năm 2014, ba lữ đoàn của quân đội Ukraine đã được dạy một bài học đau đớn. Họ đã tập trung xe tăng và binh lính vòng quanh các sở chỉ huy của mình, khiến họ trở thành mục tiêu dễ dàng cho các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, pháo và tên lửa của Nga.
Người Ukraine đã học được từ bài học này. Người Nga đã quên điều đó. Và bây giờ quân Putin đang trả giá cho nó.
Ngày nay, chính quân đội Nga đang mắc phải sai lầm, và lực lượng vũ trang Ukraine đang khai thác sai lầm đó. Trong hai tháng kể từ khi Nga đưa hàng nghìn xe tăng và cơ giới xâm lược Ukraine, các lực lượng của Ukraine đã định vị và phá hủy không dưới 31 căn cứ chỉ huy và liên lạc của Nga, giết chết hàng loạt tướng lĩnh của Putin.
Cuối cùng, Ukraine có khả năng tình báo cao.
Cách người Ukraine làm rất tốt trong việc xác định vị trí các sở chỉ huy của Nga có thể là sự kết hợp của việc các sĩ quan Nga đã sử dụng điện thoại di động không mã hóa; thêm vào đó, có lẽ Ukraine nhận được các thông tin tình báo được chia sẻ từ phương Tây.
Vào khoảng thời gian xảy ra cuộc tấn công căn cứ chỉ huy Quân đoàn vũ trang liên hợp 49, một máy bay tình báo tín hiệu RC-135 của Không quân Hoàng gia Anh đã được nhận dạng trên Biển Đen, chỉ cách chiến trường Kherson khoảng 150 dặm. Chính phủ Anh có thể đã xác định vị trí sở chỉ huy của quân đội Nga và chia sẻ thông tin với lực lượng vũ trang Ukraine, mặc dù đó chỉ là phỏng đoán.
Ngược lại, tình báo Nga cho đến nay có khoảng 150 sĩ quan Cục An ninh Liên bang (FSB) đã bị “thanh trừng” bởi Putin. Chưa hết, Sergei Beseda, người đứng đầu Cơ quan thứ năm của FSB, đang bị giam tại nhà tù Lefortovo.
Cái kết của chiến tranh Putin.
“Cuộc chiến gần kết thúc,” theo lời công bố của Trung tướng Yakov Rezantsev, chỉ huy trưởng Quân đoàn vũ trang liên hợp 49, đảm bảo với quân đội của mình vào ngày 4 của cuộc xâm lược Ukraine.
Công bố chưa đầy một tháng, Rezantsev đã bỏ mạng vào ngày 25 tháng 3, khi bị tấn công ở một sân bay gần Kherson. Tuần rồi, Quân đoàn 49 lại chết thêm hai tướng chỉ huy khi bị tấn công lần nữa bởi lực lượng vũ trang Ukraine.
“Cuộc chiến gần kết thúc”, có lẽ đó là lúc Putin mở mắt để nhìn cái boongke, nơi Hitler tự kết liễu./.
Người Đà Lạt Xưa