Đòi xử lý ông Nguyễn Tấn Dũng – người đứng đầu chính phủ tiền nhiệm, nhân vật mà về lý dứt khoát phải chịu trách nhiệm đối với các… cam kết ưu đãi NSRP gây thiệt đơn, thiệt kép – nghe có vẻ hữu lý nhưng bất khả thi…
Bộ Công Thương vừa quyết định “loại” Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (NSRP) ra khỏi danh sách các nguồn cung cấp xăng dầu cho thị trường Việt Nam ít nhất trong hai tháng sắp tới, sau đó ra sao vẫn chưa biết (1).
NSRP từng đáp ứng 30% nhu cầu của thị trường xăng dầu tại Việt Nam. Không có NSRP đồng nghĩa với việc phải tìm kiếm các nguồn xăng dầu bên ngoài Việt Nam để bù đắp khoản thiếu hụt ấy giữa lúc giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng vọt…
Thật ra, “loại” NSRP khỏi danh sách các nguồn cung cấp xăng dầu cho thị trường Việt Nam chỉ là… “nói cho sang”. Từ đầu năm đến nay, chính quyền Việt Nam hoàn toàn bất lực khi NSRP cắt giảm công suất, liên tục giao không đủ lượng xăng dầu đã cam kết do… “gặp khó khăn tài chính và một số vấn đề nội tại”, góp phần làm kinh tế – xã hội Việt Nam rối loạn vì khiếm hụt xăng dầu và vì giá dầu thô trên thị trường thế giới biến động, lạm phát trở thành yếu tố không thể kiểm soát, đe dọa sự ổn định của cả kinh tế lẫn xã hội NSRP vừa là ví dụ về tình trạng cổ nhận từng chê bai… “khôn nhà, dại chợ”, từng cảnh báo “mũi dại, lái phải chịu đòn”, vừa là bằng chứng cho thấy, tại Việt Nam, “dại” là một loại đặc quyền và kẻ “dại” là đối tượng bất khả xâm phạm…
***
NSRP là liên doanh với ba doanh nghiệp ngoại quốc: Công ty Dầu Kuwait (KPI) góp 35,1% vốn, Công ty Hóa chất Idemitsu Kosan (IKC) góp 35% vốn, Công ty Hóa chất Mitsui (MCI) góp 4,7% vốn. Chỉ có một doanh nghiệp Việt Nam là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thay mặt nhà nước Việt Nam tham gia liên doanh và góp 25,1% vốn.
Lúc đó, NSRP được xem là “dự án thu hút lượng vốn đầu tư lớn nhất từ nước ngoài, giúp khẳng định về sự thuận lợi của môi trường đầu tư tại Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng về chính trị – kinh tế – xã hội trong quá trình phát triển đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia” (2)!
Tuy nhiên, sau khi tham khảo chủ trương mời gọi đầu tư, thành lập NSRP đã có nhiều khuyến cáo, không nên dành cho liên doanh này những ưu đãi như: Giảm một nửa thuế thu nhập doanh nghiệp, chỉ thu… 10% trong suốt… 70 năm. Giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với tất cả những người làm việc cho NSRP. Cam kết tiêu thụ toàn bộ xăng, dầu, khí hóa lỏng – LPG do NSRP làm ra. Dành cho NSRP quyền định giá bán bằng với giá nhập khẩu sản phẩm cùng loại cộng với 7% thuế nhập cảng xăng dầu, 5% thuế nhập cảng LPG, 3% thuế nhập cảng sản phẩm hóa dầu… – bởi những ưu đãi đó sẽ đặt an ninh năng lượng quốc gia vào tình thế hiểm nghèo, đồng thời là gánh nặng cho cả quốc gia.
Tất cả những phân tích – khuyến cáo đừng dành cho NSRP những ưu đãi như đã dẫn đều bị ngó lơ. Ở Cộng hòa XHCN Việt Nam, các chủ trương – quyết định không dựa trên kiến thức – kinh nghiệm của các chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan mà phụ thuộc vào nghị quyết của các tổ chức đảng.
Trường hợp NSRP là chủ trương – quyết định của Bộ Chính trị. Ngày khởi công xây dựng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, không chỉ có Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm mà còn có hai cựu Tổng Bí thư, hai cựu Chủ tịch Nhà nước, cựu Chủ tịch Quốc hội, cựu Thủ tướng và lãnh đạo các ngành, các địa phương,… hoặc đến Thanh Hóa tham dự, hoặc gửi hoa chúc mừng (2).
Thế rồi…
Sau đó không lâu, các cơ quan hữu trách phát giác sản phẩm của NSRP không… đạt tiêu chuẩn Việt Nam (3) nhưng Việt Nam không thể làm gì khác ngoài việc chờ lô sản phẩm đầu tiên của NSRP (2018) để… tổ chức tiêu thụ vì đã trót cam kết đủ thứ! Do chất lượng sản phẩm của NSRP không tốt, sản phẩm bị ứ đọng, đầu năm 2020, PVN – doanh nghiệp đại diện nhà nước Việt Nam trong liên doanh NSRP – đề nghị chính phủ Việt Nam cấm nhập cảng xăng dầu để tiêu thụ cho hết sản phẩm của NSRP (4) vì Việt Nam có nghĩa vụ chu toàn cam kết… “bao tiêu toàn bộ sản phẩm”! Đảng dại, chính phủ dại thì dân chúng lãnh đủ không phải chỉ lúc đó và chỉ như thế….
Năm 2016 – hai năm trước khi NSRP chính thức vận hành thương mại – Vụ Ngân sách Nhà nước của Bộ Tài chính công bố ước tính: Khi NSRP bắt đầu hoạt động, do các… cam kết ưu đãi đối với NSRP, thu cho ngân sách từ hoạt động xuất nhập cảng sẽ bắt đầu giảm, tối thiểu hơn 10.000 tỉ đồng/năm. Chưa hết, cũng vì các… cam kết ưu đãi đối với NSRP, PVN sẽ phải bù lỗ trung bình từ 1.800 tỉ đến 2.500 tỉ/năm, chưa tính đến khoản hỗ trợ trực tiếp 3.833 tỉ đồng cho NSRP để đầu tư các công trình bên trong nhà máy (5).
Tháng 11 năm 2020, ông Trần Quang Chiểu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Việt Nam khóa 14 – thắc mắc: Tại sao không có ai chịu trách nhiệm về chuyện một số cá nhân hữu trách, nhân danh chính quyền Việt Nam cam kết với các doanh nghiệp ngoại quốc tham gia liên doanh thực hiện NSRP cho dù những cam kết này khiến chính quyền Việt Nam phải rút tiền từ công khố… bù lỗ cho NSRP từ 36.700 tỉ đến 47.800 tỉ, thậm chí nếu giá dầu trên trên thị trường thế giới chạm mức 100 Mỹ kim/thùng , khoản… bù lỗ này có thể lên tới 88.100 tỉ (6)?
***
Tuy NSRP đã bị… “loại” khỏi danh sách các nguồn cung cấp xăng dầu cho thị trường Việt Nam ít nhất trong hai tháng sắp tới nhưng các viên chức hữu trách tại Việt Nam không cho biết, chính quyền Việt Nam có… “bao tiêu sản phẩm” của NSRP trong thời gian “loại” NSRP hay không?
Cứ như những gì các viên chức hữu trách, các cơ quan hữu trách và cơ quan truyền thông tại Việt Nam từng mô tả thì chính quyền Việt Nam không thể từ chối nghĩa vụ… “bao tiêu sản phẩm” của NSRP, bất kể sản lượng của NSRP nhiều hay ít. Từ chối thực thi nghĩa vụ này đồng nghĩa với vi phạm… cam kết ưu đãi, sẽ bị kiện và phải bồi thường.
Ngoài chuyện “loại” NSRP ra khỏi danh sách các nguồn cung cấp xăng dầu cho thị trường Việt Nam ít nhất trong hai tháng sắp tới nhưng vẫn phải thực thi nghĩa vụ… “bao tiêu sản phẩm”, có lẽ chính quyền Việt Nam còn phải thực thi nghĩa vụ bù lỗ theo… cam kết ưu đãi.
Giờ, giá dầu trên thế giới đã vượt mức 120 Mỹ kim/thùng thì khoản bù lỗ sẽ là bao nhiêu? Mức bù lỗ có lẽ sẽ cao hơn mức từng được ước tính hồi 2020 nhưng có thể chính quyền Việt Nam không lo lắm. Bù lỗ tất nhiên là dùng công quỹ vốn hữu hạn nhưng cắt bỏ chi tiêu cho… an sinh xã hội, tăng các loại thuế, phí thì chắc chắn vẫn… cân đối được!
Năm 2020, ông Trần Quang Chiểu chất vấn: Tại sao không xử lý nghiêm minh một số người trong chính phủ tiền nhiệm gây ra thiệt hại rất lớn do cam kết dành cho NSRP những ưu đãi bất thường? Nhiều người cũng thắc mắc y hệt như vậy, bởi đã nhân danh quốc gia thì… “dại” thật hay… giả “dại” đều nên buộc phải trả giá.
“Dại” trong… cam kết ưu đãi NSRP gây thiệt hại thế nào, hậu quả trước mắt và lâu dài ra sao là điều có thể mường tượng song muốn xử lý việc không nghe can gián, khăng khăng “dại” là chuyện thuộc… phạm trù khác. Đâu chỉ có NSRP, tại Việt Nam thiếu gì chuyện cho thấy, “dại” là một loại đặc quyền. Đồng thời “dại” luôn có yếu tố… tập thể.
Đòi xử lý ông Nguyễn Tấn Dũng – người đứng đầu chính phủ tiền nhiệm, nhân vật mà về lý dứt khoát phải chịu trách nhiệm đối với các… cam kết ưu đãi NSRP gây thiệt đơn, thiệt kép – nghe có vẻ hữu lý nhưng bất khả thi vì chắc chắn ông Dũng sẽ không để yên cho các thành viên khác trong Bộ Chính trị, những cá nhân không thể thoái thác trách nhiệm liên đới do cũng nhất trí về chủ trương. Khi “dại” thuộc dạng… đặc quyền thì kẻ “dại” dứt khoát thuộc loại bất khả xâm phạm, bất kể hậu quả do “dại” ra sao. Vậy thôi!
Chú thích
(3) https://suckhoedoisong.vn/xang-dau-nghi-son-khong-dat-muc-4-tieu-chuan-viet-nam-169113508.htm
(4) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/pvn-hoa-toc-de-nghi-cam-nhap-xang-dau-phan-cam-797292.ldo
(5) https://viettimes.vn/dau-hoi-ve-hieu-qua-kinh-te-voi-du-an-loc-dau-nghi-son-post34257.html