Thế thì tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lại chọn, sắp đặt ông Tấn và những người như ông?
Cho dù tuần trước, Sở Lao động – Thương binh – Xã hội (Sở LĐTBXH) TP.HCM đã chính thức thừa nhận: Từng lấy 97,6 triệu trong số 461 triệu từ Quỹ Vận động phòng – chống dịch của Sở LĐTBXH TP.HCM để chi cho 21 thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng – chống dịch của sở này, bao gồm Giám đốc, Phó giám đốc, Chánh văn phòng, Phó Văn phòng, Trưởng phòng, Chuyên viên văn phòng (1)… nhưng đến giờ, UBND TP.HCM vẫn chưa cho biết sẽ làm gì với trường hợp này.
461 triệu vừa kể vốn là khoản mà Sở LĐTBXH của TP.HCM vận động các đơn vị trực thuộc đóng góp cho công cuộc phòng, chống dịch ở Trại Cai nghiện ma túy Bố Lá và Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc – hai cơ sở thuộc Sở LĐTBXH TP.HCM. Tuy nhiên thực chi để hỗ trợ phòng, chống dịch (mua khẩu trang, hỗ trợ nhân viên y tế trong các cơ sở y tế thuộc Sở LĐTBXH TP.HCM) chỉ chừng 162 triệu. Nếu xem 50 triệu đã chi nhằm hỗ trợ 30 gia đình nhân viên trong Sở LĐTBXH TP.HCM có thân nhân thiệt mạng vì nhiễm COVID-19 là chi cho phòng, chống dịch thì tổng chi cho những khoản có liên quan đến phòng – chống dịch cũng chỉ tròm trèm 212 triệu.
Hơn một nửa (hơn 247 triệu) trong số 461 triệu mà Sở LĐTBXH của TP.HCM đã vận động để phòng – chống dịch được chi cho… “lực lượng tuyến đầu” (125 triệu), “Ban Chỉ đạo phòng – chống dịch” (97,6 triệu), “hỗ trợ công tác” (25 triệu). Đáng lưu ý là mỗi thành viên trong 21 thành viên của “Ban Chỉ đạo phòng – chống dịch” ở Sở LĐTBXH TP.HCM, bao gồm các thành viên trong Ban Giám đốc sở này được… “hỗ trợ” 4,6 triệu và việc sử dụng quỹ theo kiểu đó là chủ trương của Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM.
***
Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM – ông Lê Minh Tấn là nhân vật nổi tiếng không chỉ ở TP.HCM. Hôm tháng 10 năm ngoái, tường thuật của tờ Lao Động về Kỳ họp thứ ba của HĐND TP.HCM Khóa 10, đã làm nhiều người nổi giận vì ông Tấn – Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM, người thay mặt chính quyền TP.HCM giám sát, thực thi, đề nghị điều chỉnh chính sách an sinh xã hội ở thành phố này – khẳng định, trong nửa năm vừa qua, ở TP.HCM… “chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ vì dịch” (2).
Do bị công chúng chỉ trích dữ dội, ngày hôm sau (19/10/2021), trước khi các đại biểu HĐND TP.HCM Khóa 10 tan hàng vì Kỳ họp thứ 3 kết thúc, ông Tấn phải vời báo chí tụ lại để thanh minh: Tôi không có nói chưa có ai bị khốn khổ, khó khăn, mà là không để ai bị thiếu đói, thiếu mặc và khốn khổ. Trách nhiệm của chúng tôi là phải lo cho bà con (3)… Không may cho ông là phóng viên tờ Lao Động có… ghi âm và công bố file ghi âm phát biểu đó (4) nên cuối cùng, ông phải xin lỗi (5)!
Đó không phải là lần đầu tiên ông Tấn… nổi như cồn. Năm 2016, công chúng từng nổi giận khi gần như toàn bộ lãnh đạo các bộ phận của tất cả các cấp thuộc ngành LĐTBXH ở TP.HCM đồng loạt nghỉ làm việc để đến nhà tân Giám đốc Sở LĐTBXH dự tiệc và phần lớn sử dụng công xa. Lúc đó, ông Tấn phân bua: Do mới về Sở được hai tháng, có rất nhiều chuyện muốn chia sẻ với anh em, lại nhân dịp… ‘giỗ ông già’, nên chỉ mời vài anh em thân thiết tới nhà để tâm sự vui vẻ nhưng nhiều anh em muốn đến, họ tự tới thì đâu có từ chối được… Tuy nhiên một cư dân lớn tuổi sống gần nhà ông Tấn, khẳng định với báo giới: Gia đình ông Tấn chỉ có một… đám giỗ cha vào tháng 9 hàng năm (6)!
Vào thời điểm ấy, trước sự phẫn nộ của công chúng, Chủ tịch UBND TP.HCM lúc đó đã chỉ đạo cho lực lượng Thanh tra của thành phố kiểm tra ngay việc dùng hàng loạt công xa đi ăn giỗ trong giờ làm việc tại tư gia của ông Tấn, ba ngày sau phải đề xuất hướng xử lý cho Thường trực UBND TP.HCM (7)… Kết quả, ông Tấn vẫn tại vị, thậm chí năm 2020, ông Tấn được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM (Thành ủy) nhiệm kỳ 2020 – 2025!
Cũng cần nói thêm, sau khi ông Tấn khẳng định, trong đợt dịch COVID-19 thứ tư, ở TP.HCM… “chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ”, dân chúng đã nêu ra hàng loạt thắc mắc về chuyện tại sao mãi đến năm 2002 ông Tấn mới tốt nghiệp Trung học Phổ thông Hệ Bổ túc mà trước đó hàng chục năm ông đã được chọn đế gửi đi học… Quản lý Nhà nước, rồi Cao cấp Chính trị (8)… Những thắc mắc có kèm dẫn chứng đó không được ai, nơi nào tiếp nhận và hồi đáp.
***
Những người như ông Lê Minh Tấn hiện diện ở đủ mọi ngành, mọi cấp trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam và đó chính là những ví dụ minh họa cho việc lựa chọn, sắp đặt nhân sự lãnh đạo các ngành, các cấp trong các hệ thống này.
Đảng CSVN có nhiều quy định về quy họach cán bộ, ví dụ “Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị”. Theo đó, từ trên xuống dưới, phải: “Rà soát, đánh giá toàn diện nguồn cán bộ trước khi đưa vào danh sách giới thiệu nhân sự quy hoạch, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công bằng, công tâm, công khai, minh bạch, đúng quy trình, thẩm quyền. Không đề xuất, phê duyệt quy hoạch những trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện” (9) .
Thế thì tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lại chọn, sắp đặt ông Tấn và những người như ông? Có hai khả năng:
Thứ nhất, các hệ thống ở các nơi từ dưới lên trên cố tình làm sai quy định. Tuy nhiên khả năng này rất thấp vì trước nay, không thấy ai ở cấp nào bị truy cứu trách nhiệm do đã lựa chọn, sắp đặt những người như ông Tấn, kể cả vừa lựa chọn, sắp đặt xong là phải… “kiểm tra, xem xét, kỷ luật đảng”, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai những qui định như “Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị” chỉ dùng để… “đối ngoại” (bên ngoài đảng), còn trong… “đối nội” (bên trong đảng) thì phải làm… ngược lại mới… đúng!
Chú thích
(2) https://laodong.vn/xa-hoi/giam-doc-so-ldtbxh-tphcm-chua-co-ai-thieu-an-khon-kho-vi-dich-965030.ldo
(7) http://www.tapchigiaothong.vn/tphcm-yeu-cau-lam-ro-vu-xe-cong-di-an-gio-gio-hanh-chinh-d27184.html
(8) https://www.facebook.com/100004551390162/posts/1976415482520146/