Có lẽ chưa khi nào Trung Quốc cần phải quan sát một tình huống ngoài nước kỹ lưỡng như những gì đang diễn ra tại Ukraine trong những ngày qua.
Cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine hiện nay mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Đối với Vladimir Putin hay các nhà độc tài, bạo chúa khác, đừng bao nghĩ sức mạnh vật chất/quân sự có thể chinh phục được Ukraine hay các nước nhỏ khác mà không phải trả giá cho nó. Ba yếu tố làm cho Putin bất ngờ nhất là: một, tinh thần quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước của người dân Ukraine, mà qua đó chinh phục được trái tim của thế giới; hai, sự đồng lòng hiệp nhất của Mỹ, Âu châu và đa số các quốc gia trên thế giới dùng mọi biện pháp có thể để trừng phạt Putin, để Putin phải trả giá; ba, người dân khắp nơi trên thế giới, kể tại nước Nga, lần lượt xuống đường biểu tình chống Putin và hành động gây chiến của ông; và cũng có bao người khác, không chỉ người Ukraine, tình nguyện đến Ukraine để chiến đấu chống lại quân đội Putin.
Và, như là hệ quả của những yếu tố trên, chế độ cường quyền như Trung Quốc muốn thôn tính Đài Loan hay nước khác, phải suy nghĩ lại sách lược của mình. Trung Quốc của Tập Cận Bình đã ít nhiều chùn bước và suy tính lại chiến lược của mình.
Mặc dầu cuộc chiến đang diễn ra và kết quả chưa biết, những gì đang xảy ra cho ra nhiều bài học quan trọng về ngoại vận. Nó cũng mang tính định hình về quan hệ và trật tự quốc tế có còn dựa trên quy luật (rules-based international order) như được hình thành kể từ sau Thế Chiến II cho đến nay. Nếu Putin thành công, quan hệ quốc tế có khả năng bị kéo lùi lại thời cổ xưa mà Thucydides từng nói “Kẻ mạnh làm những gì họ muốn, kẻ yếu phải chịu đựng những gì họ phải.” (The strong do what they can, and the weak suffer what they must).
Trước hết, để ngoại vận thành công, chính nghĩa và tinh thần quyết tâm, bất khuất của quốc gia đó mang tính quyết định. Tinh thần can trường, không khuất phục, của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và người lính người dân Ukraine đối với Putin và quân đội Nga là nguồn truyền cảm hứng cho toàn thế giới. Không ai lấy đi được chính nghĩa của quốc gia Ukraine. Dù 35 quốc gia bỏ phiếu trắng vào ngày 3 tháng 3, con số 141 ủng hộ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc chống lại cuộc xâm chiếm của Ukraine so với 5 chống lại là một tỷ lệ gần như tuyệt đối.
Chính tinh thần quyết tâm cao độ của người dân Ukraine đã thay đổi hẳn chính sách của các quốc gia khác về cuộc chiến tại đây và chính sách viện trợ đối với quốc gia này. Trong bài diễn văn Thông điệp Liên bang năm nay, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu mọi người đứng dậy nhiệt liệt vỗ tay hoan hô tinh thần người dân Ukraine. Tổng thống Zelenskiy cũng được mời nói chuyện trực tiếp với hơn 280 nhà lập pháp Mỹ ngày 5 tháng 3, một điều hiếm hoi xảy ra, và được chính quyền Mỹ hứa hẹn viện trợ thêm 10 tỷ đô la cho kinh tế, nhân đạo và an ninh cho Ukraine. Ngày 8 tháng 3, Zelenskiy cũng được quốc hội Anh nhiệt liệt hoan nghênh qua cuộc phát biểu trực tuyến.
Kể từ khi cuộc xâm lăng xảy ra, Zelenskiy đã liên tục vận động người dân mình, lãnh đạo quân đội, và đặc biệt là liên tục gọi điện thoại cho các lãnh đạo thế giới để ngoại vận. Zelenskiy yêu cầu thế giới hai điều chính: trừng phạt nước Nga của Putin tối đa, và cung cấp vũ khí để dân quân Ukraine có thể tự chiến đấu bảo vệ đất nước mình. Cả hai yêu cầu này đang được thế giới dốc lòng thực hiện. Các biện pháp chế tài, cấm vận sâu rộng và hàng loạt để trừng phạt nước Nga của Putin đã xảy ra một cách chưa từng thấy với bất cứ nước nào trước đây và trong một thời gian ngắn kỷ lục. Vì thế, đây cũng là một thử nghiệm rất đặc biệt và cần thiết để xem mức độ hiệu quả của nó trong thời gian tới. Nếu thành công, Mỹ và các nền dân chủ có thể sử dụng như một vũ khí/công cụ khi cần để tạo áp lực và buộc thay đổi hành vi. Trước đây các biện pháp chế tài, cấm vận được xem là không hiệu quả bao nhiêu. Nhưng một số học giả như Justyna Gudzowska và John Prendergast biện luận rằng nó sẽ hiệu quả nếu biết sử dụng khôn khéo trong khuôn khổ chiến lược đa chiều rộng lớn, và nếu chính phủ “kết hợp chúng với ngoại giao vững vàng, hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị tình báo tài chính của các quốc gia khác, tiếp cận khu vực và quan hệ đối tác công tư.”
Tổng thống Zelenskiy đã thực hiện chiến lược ngoại vận rất ngoạn mục và ấn tượng. Zelenskiy cũng tranh thủ vận động luôn cả các công ty và các nhà kinh doanh hàng đầu thế giới. Ngày 6 tháng 3 Zelenskiy vừa nói chuyện xong với Elon Musk. Tất cả các điều này cho thấy Zelenskiy rất thực dụng: không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để tìm thêm bạn cho nước Ukraine của mình trong tình huống đầy khốn khó và nguy hiểm này. Zelenskiy tạo ấn tượng tích cực rằng ông, và người dân Ukraine, là người bạn của thế giới, và Putin đang muốn loại trừ người bạn này, với những âm mưu ám sát không thành. Một tổng thống như Zelenskiy, và một dân quân như Ukraine mà chúng ta đã thấy, có thể không chống lại được cuộc xâm lược của Putin. Nhưng họ đã thay đổi cái nhìn của thế giới, nhất là quan hệ với Âu châu và Mỹ hiện nay.
Ý nghĩa cuộc chiến tại Ukraine cũng sẽ tùy vào quan điểm, lập trường và quyền lợi của mỗi quốc gia. Tựu chung dù chỉ có 141 quốc gia ký vào nghị quyết của LHQ, nhưng đại đa số, ngoại trừ Trung Quốc và Nga, chẳng hạn, đều không muốn một nước khác lấy cớ nào để xâm lấn hay xâm chiếm nước mình, như Nga đã làm.
Ý nghĩa cuộc chiến tại Ukraine đối với Mỹ cũng rất là quan trọng. Trật tự quốc tế dựa trên quy luật hiện nay có còn ý nghĩa gì không tùy thuộc nhiều vào hành động và lãnh đạo của Mỹ. Nếu Mỹ không làm mọi điều có thể trong khả năng thì các nước khác sẽ nghi ngờ lập trường và quyết tâm của Mỹ, và đồng minh Mỹ sẽ không thể tin cậy hay trông chờ gì từ Mỹ cả. Khi Mỹ mất chính nghĩa, dù sức mạnh quân sự của Mỹ có lớn lao bao nhiêu đi nữa, cũng sẽ không được đồng minh tín nhiệm như trước. Vì lý do đó mà Tổng thống Biden đã dồn nhiều nỗ lực và thời gian để vận động Âu châu và bao quốc gia khác để trừng phạt, và để Putin phải trả giá cho hành động xâm lăng của mình.
Có lẽ chưa khi nào Trung Quốc cần phải quan sát một tình huống ngoài nước kỹ lưỡng như những gì đang diễn ra tại Ukraine trong những ngày qua.
Taiwan cũng vậy.
Sự thành công, hay thất bại, của cuộc xâm lăng bởi quân đội Nga của Putin có quan hệ mật thiết với toan tính của Bắc Kinh đối với Đài Loan trong thời gian tới. Giáo sư Kuo Yujen, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Tôn Trung Sơn tại Đài Bắc cho biết, ông tin chắc rằng Trung Quốc sẽ nghiên cứu ít nhất hai điều: chiến lược quân sự của Putin và phản ứng của Mỹ và cộng đồng quốc tế. Giáo sư Kuo biện luận rằng, cuộc khủng hoảng tại Ukraine làm cho Tập và lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc ít tự tin hơn trong việc sử dụng vũ lực trong tương lai, và nó làm giảm đi tham vọng của họ để tiến hành cuộc xâm lược tương tự đối với Đài Loan.
Tập Cận Bình chắc chắn không muốn thấy một Tổng thống Đài Loan như Thái Anh Văn mềm mỏng, điềm tĩnh nhưng cũng đầy cương quyết, như Volodymyr Zelenskiy.
Phản ứng mạnh mẽ của Mỹ, Âu châu và nhiều quốc gia trên thế giới đối với nước Nga của Putin đã làm cho Bắc Kinh khá lúng túng. Bắc Kinh chắc chắn đã biết dự tính xâm lược của Putin qua chuyến viếng thăm và gặp gỡ Tập Cận Bình ngày 4 tháng 2. Cũng như theo một số tin tình báo thì Bắc Kinh có vẻ đồng tình ủng hộ cuộc xâm lăng nhưng yêu cầu nó phải diễn ra sau ngày bế mạc Thế vận hội Mùa đông ngày 20 tháng 2. Không rõ Tập Cận Bình có hứa hẹn gì cụ thể với Putin không, nhưng trước phản ứng mạnh mẽ của thế giới, Bắc Kinh cho đến nay một mặt ủng hộ quan niệm chủ quyền quốc gia, mặt khác không lên án Nga và không gọi nó là cuộc xâm lăng. Bắc Kinh thừa biết cái lợi lẫn hại nếu ủng hộ Putin trong chuyện này, và cái hại cho đến nay càng gia tăng mạnh mẽ và càng dễ thấy hơn. Nhưng để trỗi dậy sánh vai với Mỹ trong tương lai, quốc gia duy nhất đủ mạnh để Trung Quốc có thể trông cậy là đồng minh là Nga, Bắc Kinh không muốn làm phật lòng Nga, nên đã lúng túng trong lập trường và ứng xử bất nhất! Ủng hộ cho Nga xâm lăng Ukraine, dù có thể là một tiền lệ cần thiết cho Trung Quốc đối với Đài Loan và Biển Đông, nhưng sẽ gặp nhiều phản ứng và chống đối mạnh mẽ vì nó càng chứng minh mối liên minh cường quyền giữa Nga và Trung Quốc để chống lại Tây phương. Qua khủng hoảng Ukraine, Bắc Kinh càng chứng minh lý luận khập khiễng, chính sách ngoại giao bất nhất và thái độ lúng túng của mình.
Bắc Kinh vẫn theo dõi kỹ những gì đang xảy ra để có chính sách và biện pháp thích hợp. Nhưng, có lẽ đúng như Oriana Skylar Mastro biện luận, vì, dù thế nào đi nữa, “Từ quan điểm của Trung Quốc, không có gì Nga hoặc các đối thủ của họ đã làm mà thay đổi một cách có ý nghĩa về toan tính [của Bắc Kinh] về Đài Loan.” Tuy thế, muốn chinh phục Đài Loan là điều không hề dễ, nhất là tinh thần bất khuất của quốc gia này, và đặc biệt nay Đài Loan ngày càng được Mỹ yểm trợ hơn bao giờ hết./.