Thới Bình (VNTB)
“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay” – Nguyễn Phú Trọng
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, tình trạng “sản xuất mù”, “bán mù”, “mua mù” diễn ra thời gian dài.
Nguyên nhân dẫn đến 3 cái ‘mù’ ở trên, có lẽ xuất phát từ người lãnh đạo cao nhất ở Việt Nam đang tiếp tục ‘mù’. Bởi nếu ‘sáng’, chắc chắn ông ấy không dám cao ngạo để nhiều lần tuyên bố “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” – “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay” (?!).
Vậy thì cơ đồ như ngày nay là gì?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói rằng đầu ra cho nông sản là bài toán đã được đặt ra từ lâu song vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. “Được mùa mất giá” như một điệp khúc hằng năm khi vào chính vụ, “giải cứu” như một lời nguyền có tính chu kỳ.
“Nông nghiệp nước ta có ba đặc điểm, cũng là ba điểm nghẽn khi chuyển đổi sang nền kinh tế hàng hoá trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Đó là: manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Đất đai manh mún, quy mô nhỏ lẻ, canh tác tự phát. Ba thách thức đó làm cho chuỗi liên kết bị rời rạc, con đường đưa nông sản đến thị trường mong manh, dễ bị đứt gãy khi có biến cố xảy ra.
Cũng từ ba đặc điểm đó, dữ liệu về nguồn cung không dễ được tích hợp một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời trong cùng một thời điểm, một mùa vụ ở mọi cấp độ: địa phương, tiểu vùng, vùng, quốc gia. Thiếu dữ liệu nguồn cung về sản lượng, chủng loại dẫn đến khó khăn trong truy xuất nguồn gốc, khiến thông tin đầu vào cho thị trường thường mơ hồ, chỉ mang tính ước đoán” – ông Lê Minh Hoan phân tích.
Từ đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, dẫn đến tình trạng “sản xuất mù”, “bán mù”, “mua mù”.
Nông dân cứ sản xuất rồi trông chờ thương lái đến thu mua. Đến lượt thương lái cũng tìm cách đưa nông sản đến doanh nghiệp, hệ thống phân phối. Một chuỗi liên kết có tính rời rạc mỗi mùa vụ dễ bị đứt gãy khi bị “ùn đầu ra” dẫn đến “ứ đầu vào”.
Khi dữ liệu cung và cầu chưa khớp nhau thì còn rủi ro mùa vụ, rủi ro cho người sản xuất, rủi ro cho thương lái, doanh nghiệp và rủi ro cho cả nền kinh tế.
Vẫn theo bộ trưởng Lê Minh Hoan, “Giải bài toán đầu ra cho nông sản Việt Nam trong một thế giới luôn biến động, bất định, phức tạp cần được nhìn nhận cả ở góc độ lý luận, nhất là lý thuyết kinh tế học và thực tiễn nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta. Với diện tích canh tác bình quân thấp, nông nghiệp phổ biến ở quy mô nông hộ nhỏ. Tổ chức sản xuất thiếu gắn kết dẫn đến chi phí cao trong khi chất lượng và giá trị gia tăng thấp. Đây cũng là căn nguyên của sự bất bình đẳng trong phân chia lợi ích và dễ đổ vỡ chuỗi cung ứng.
Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa khiến phần lớn lao động trẻ, có sức khỏe, sức sáng tạo và được đào tạo chuyển nhanh sang khu vực đô thị, các ngành kinh tế khác. Hậu quả là, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam tiếp tục đối mặt với nguy cơ mất đi lực lượng lao động có trí tuệ, khả năng sáng tạo để duy trì động lực phát triển.
Có thể thấy, các động lực của tăng trưởng nông nghiệp đều đứng trước nguy cơ suy kiệt nếu Việt Nam tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng nông nghiệp dựa trên sản lượng, khai thác tận kiệt tài nguyên, tận dụng lao động giá rẻ, sử dụng nhiều hóa chất…”.
Nhìn thẳng vào thực tế, nếu so với thời điểm trước Tết có đến 5.000 xe dồn ứ ở cửa khẩu phía Bắc thì hiện nay tình trạng này đã bớt căng thẳng. Tuy nhiên, số lượng xe đổ về các cửa khẩu vẫn đang tăng lên hàng ngày và có dấu hiệu ùn tắc trở lại.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), mỗi ngày có bình quân 150 xe đổ thêm về cửa khẩu. Tính đến ngày 11-2, tổng số phương tiện vận chuyển hàng hóa còn tồn trên địa bàn tỉnh là 1.646 xe, tăng 132 xe so với ngày hôm trước. Trong đó, xe còn tồn ở cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là 887 xe, tại cửa khẩu Tân Thanh là 757 xe.
Lý giải về số lượng hơn 1.600 xe hàng tồn tại cửa khẩu sau Tết Nhâm Dần, ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, cho biết: “Số lượng hàng hóa từ nội địa đưa lên cửa khẩu thời điểm trong tết, chuẩn bị xuất khẩu trong những ngày đầu xuân. Đặc biệt, sắp tới ngày rằm tháng giêng, nhu cầu mua bán trao đổi của doanh nghiệp 2 nước rất lớn.
Ngoài ra, sau Tết Nguyên đán, các mặt hàng nông sản phía Nam tiếp tục vào vụ thu hoạch nên tình hình xuất khẩu sẽ còn gặp nhiều khó khăn, có thể tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là hàng nông sản, hoa quả sẽ tiếp tục tiếp diễn”…
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, phân tích: “Để các doanh nghiệp Việt Nam có thể chuyển sang xuất khẩu chính ngạch là việc rất khó khăn. Từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam dẫu biết đi đường biên mậu sang Trung Quốc sẽ rất rủi ro nhưng bắt buộc vẫn phải đi.
Chưa kể, xuất khẩu chính ngạch sẽ bị áp thuế giá trị gia tăng 7%, trong khi đi đường biên mậu không cần”.
Ông Phạm Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc đang bị dồn từ đường bộ sang đường biển, gây tình trạng quá tải, thiếu container làm phát sinh tình trạng buôn bán chợ đen container lạnh, đẩy giá container lạnh tăng đột biến, giá cước vận tải biển cũng tăng cao khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn rất lớn.
Nếu trước đây giá cước vận chuyển một container lạnh chỉ 30 – 40 triệu đồng, nay tăng lên 200 triệu đồng, thêm vào đó chi phí vỏ container lạnh tăng cao khiến chi phí xuất hàng của doanh nghiệp tăng nhiều lần. Lợi nhuận vì thế cũng giảm mạnh, thậm chí có những container hàng hóa, chi phí cho logistics cao gấp 200 – 300% so với giá trị sản phẩm.
Xem ra thay vì mãi tự ru ngủ mình rồi ‘tự sướng’ rằng “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay”, thì hãy thử dừng ngồi soạn sách lý thuyết hàn lâm kiểu “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, để tìm cách giúp ‘xóa mù’, sẽ tốt đẹp biết mấy cho nền nông nghiệp nước nhà./.