Tại sao văn hóa Việt Nam ngày càng bệ rạc?! (phần 3)

- Quảng Cáo -

nguyenngocgia’s blog

Như phần 1[*]  và phần 2 [*] đã trình bày – những thuộc tính quan trọng của văn hóa – dường như chưa bao giờ được Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Bộ Thông tin – Truyền thông và những cơ quan chịu trách nhiệm, cần nghiêm túc nghiên cứu và soi xét thấu đáo, để có thể cải sửa hành vi mang tính lây lan – tính tiêm nhiễm – tính liên tục trong quảng đại quần chúng, để làm sao nhân cách – phẩm giá người Việt Nam đỡ dần trong cái nhìn rẻ rúng của thế giới.

Bảng xếp hạng passport mới nhứt [1] năm 2021, Việt Nam đã rớt xuống hạng 95 (chỉ đến được 53 quốc gia mà không cần xin thị thực nhập cảnh) so với năm 2020 ở hạng 88. Năm 2021, Nhật Bản và Singapore giữ vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng và được đánh giá là hộ chiếu quyền lực nhất thế giới, khi công dân của hai đất nước này có thể thoải mái đi đến 192 quốc gia khác mà không cần phải xin thị thực nhập cảnh.

Passport là một nét văn hóa điển hình để chứng tỏ phẩm giá & nhân cách của người dân xứ đó. Cầm cuốn hộ chiếu trên tay, tức là “nắm văn hóa” quê hương mình để “trình diện” trước bạn bè năm châu bốn biển. Hầu hết các quốc gia trên thế giới, người ta khá “sợ hãi” với những hộ chiếu mang quốc tịch Việt Nam. Điều đó có đủ căn cứ, bởi hành vi ứng xử của người Việt Nam, ngày càng bệ rạc và thậm chí, nói không ngoa, cái gọi là “văn hóa Việt Nam” gây cảm giác bất an cho dân sở tại rất nhiều, với những tệ nạn: trộm cướp, ăn uống bốc hốt và phí phạm, buôn người, trồng cần sa, lao động trốn lại (không chịu về nước) sau thời gian ký hợp đồng lao động, thanh toán băng nhóm v.v…

- Quảng Cáo -

Ông Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội – ngày 22 tháng Mười Một năm 2021 cho báo VNExpress biết [2]: “…Xã hội đang thiếu giá trị văn hóa chuẩn mực để soi chiếu…”. Nói cho chính xác, xã hội Việt Nam hiện nay, không phải ĐANG THIẾU mà là KHÔNG CÓ bất kỳ một loại “chuẩn mực” nào tương thích với văn hóa thế giới. Nói dễ hiểu, “văn hóa Việt Nam” phù hợp tại nội địa nhưng hoàn toàn bất xứng đối với các quốc gia khác.

Để chứng minh cho luận điểm này, ba ví dụ dễ thấy như sau, sẽ làm rõ:

1.Văn hóa trong tín ngưỡng – tôn giáo: Dù năm nay bị đại dịch cúm Tàu nhưng người người vẫn chen chúc đi lễ chùa. Tuy nhiên, đó như là những nơi để chúng sanh tụ họp, tìm kiếm một niềm tin bất định và vô vọng hơn là thực hành tín ngưỡng – tôn giáo.

Một điệp khúc cũ “đừng thắp nhang” (bởi vì khói um mù mịt và dễ gây cháy) vẫn được các chùa chiền cảnh báo cho chúng sanh – vào dịp lễ tết – như chưa từng được thông báo. Cũng viếng chùa chiền, nhưng trong các chuyến du lịch tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore v.v… hoặc ngay tại “thủ phủ” người Việt hải ngoại ở California, những hình ảnh nghi ngút khói hương đến ngộp thở, hoàn toàn vắng bóng ngay trong những du khách người Việt, khởi hành từ Việt Nam. Đó là hình ảnh cần suy ngẫm rất nhiều, không chỉ cho các công ty chuyên ngành du lịch.

Cũng liên quan đến văn hóa tín ngưỡng – tôn giáo, người đời không thể nào quên cái gọi là “lễ hội khai ấn đến Trần” mà thiên hạ chen chúc, thậm chí giành giựt cho bằng được một “lá ấn” mang về nhà, như là rước lộc may mắn đầu năm, không được phép thiếu. Tại sao người dân giành nhau cướp ấn, trong một lễ hội được coi là “văn hóa” của xứ ngàn năm văn vật? Thật dễ hiểu, bởi rất nhiều quan chức cấp cao như : Trần Đại Quang (khi còn là Bộ trưởng Bộ Công an), Nguyễn Thiện Nhân (khi đương chức Chủ tịch UBMTTQVN) v.v… đã xuất hiện mà báo chí gọi là “thành tâm dâng lễ” [3]. Sự xuất hiện của họ chính là “bảo chứng” mang chất “brand name”, đó chính là tính ĐẠI DIỆN của văn hóa mà lẽ ra nhà cầm quyền CSVN, nên nhìn nhận từ lâu để có biện pháp loại trừ thói “xử hư” cho dân chúng từ những vị quyền cao chức trọng. Rất tiếc! Mọi việc cứ được trôi đi dễ dài, trong sự lãng tránh nhiều năm qua. Thế cho nên, đừng đòi hỏi người dân phải chịu trách nhiệm về nhân cách – phẩm giá của mình.

2. Văn hóa ẩm thực:  Hình ảnh ông Tô Lâm – một người đàn ông luống tuổi – há miệng đớp miếng bò dát vàng và đưa ngón tay cái ra hiệu “rất tuyệt vời” cách đây không lâu, khiến cả thế giới báo chí xôn xao một việc ngỡ nhỏ nhặt nhưng mang đậm tính ĐẠI DIỆN văn hóa người Việt.

Những hình ảnh đớp bò dát vàng của Bộ trưởng Bộ Công an họ Tô vừa không phải là “văn hóa Việt Nam” nhưng lại vừa là “văn hóa Việt Nam”. Nghe có vẻ nghịch lý. Rất tiếc! Đó lại là sự thật cần phải đào xới. Văn hóa ẩm thực của người Việt Nam thời phong kiến suy tàn với tục ngữ “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, vốn đặt miếng ăn như là một cách khoe khoang địa vị trong xã hội, mỗi khi có dịp, hơn là thật sự thích thú và ý nhị thưởng thức hương vị của món ăn mang lại. Quả thật! Mấy ai có đủ tiền và có đủ khả năng, để được tay đầu bếp lừng danh thế giới, tận tay đút cho ăn (?) Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị của ĐCSVN – Bộ trưởng Bộ Công an – ăn bò dát vàng trong lúc đi công du nước ngoài, tức là mang tính ĐẠI DIỆN cho văn hóa Việt Nam – đó chính là “văn hóa Việt Nam”. Tuy vậy, từ hàng ngàn năm qua, người Việt Nam – dù là vua chúa – không một ai có “phong cách” ăn thịt bò – được chĩa tới tận họng – bằng một con dao dài nhọn hoắc như vậy – đó không phải là “văn hóa Việt Nam”.

3. Văn hóa giao tiếp: Hình ảnh bà Nguyễn Thị Kim Ngân trong tư cách Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN – lụm vài miếng mồi cho cá ăn, rồi lẹ tay hất cả rổ như thể đang buộc phải diễn cho gọn lẹ và cho tròn vai, khi tiếp đón cựu Tổng thống Obama, cùng với việc để một số người lợi dụng chuyến công du của bà ta, để trốn lại Hàn quốc cũng là giải thích hành vi không phải là “văn hóa Việt Nam” nhưng lại là “văn hóa (cộng sản) Việt Nam”. Bà Ngân là một phụ nữ có vẻ bề ngoài, có thể nói, đẹp nhứt trong các nữ lãnh đạo cao cấp, suốt hơn 40 năm qua. Nhưng những bộ cánh áo dài mang nét ĐẠI DIỆN cho vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng của người đàn bà Việt, qua “quốc phục” của nữ Chủ tịch đầu tiên thuộc Quốc hội nước CHXHCNVN, bỗng chốc bay đậu tuốt luốt trên cành cao như những con két biết nói, đang khoe bộ lông sặc sỡ của nó hơn là người “đàn bà đẹp” được sanh ra và dưỡng dục trong một gia đình nề nếp.

Kết

Còn rất nhiều hình ảnh vừa không phải là văn hóa Việt Nam vừa là văn hóa Việt Nam, xuất hiện trong rất nhiều những người CSVN với vị trí cao chót vót. Điều đáng phàn nàn, bởi:

– TÍNH ĐẠI DIỆN,

– TÍNH TRÁCH NHIỆM,

cả hai thuộc tính nói trên, hoàn toàn vắng bóng, trong gần như toàn bộ hệ thống cầm quyền, ở cả 3 nhánh lập pháp – hành pháp – tư pháp.

Trong kỳ đại hội đảng mới nhứt, ĐCSVN vẫn xác định [4]: “…xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…” nhưng gần như toàn bộ đảng viên ĐCSVN vẫn loay hoay và họ chưa từng biết được, “bản sắc dân tộc đậm đà” đến mức độ nào, mà làm cho công dân nước CHXHCNVN đi đến bất kỳ quốc gia nào, cũng để lại tai tiếng và đầy sự coi thường tại quốc gia đó?!

Vậy cho nên, Bộ Chính trị ĐCSVN nên pháp điển hóa Tính Đại Diện và Tính Trách Nhiệm về văn hóa, trước khi muốn làm cho “bản sắc dân Việt Nam đậm đà” hoặc là, cứ mãi chạy trốn 2 thuộc tính đó, để mặc cho văn hóa Việt Nam ngày càng bạc thếch “tính Người” trong mắt người dân các nước!

Vụ án bán vé máy bay giá cắt cổ, trong những chuyến bay gọi là “giải cứu” dân Việt thoát khỏi “tâm dịch” vừa “khơi thông dòng chảy” cho một loại hình văn hóa mới mà cũ: Văn hóa đạo đức giả – ngày càng ngập tràn trong xã hội Việt Nam đương đại.

Cho tới nay, dân Việt vẫn nhớ phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, còn nguyên giá trị nhưng không thấy… “văn hóa Hồ Chí Minh”?! Phải chăng Hồ Chí Minh để lại rất nhiều cái gọi là “di sản” nhưng không để lại cho hậu duệ cái gọi là “di sản văn hóa” (?!)

________________________________

[*] https://www.rfavietnam.com/node/7047

[**] https://www.rfavietnam.com/node/7055

[1] https://vn.sputniknews.com/20211007/ho-chieu-quyen-luc-nhat-the-gioi-viet-nam-xep-thu-may-12011421.html

[2] https://vnexpress.net/xa-hoi-dang-thieu-gia-tri-van-hoa-chuan-muc-de-soi-chieu-4392486.html

[3] https://tuoitre.vn/tranh-cuop-hon-loan-tai-le-khai-an-den-tran-716451.htm

[4] https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/816918/…

- Quảng Cáo -