Tại sao văn hóa Việt Nam ngày càng bệ rạc?! (phần 4)

- Quảng Cáo -

nguyenngocgia’s blog

Trong 3 phần trước, văn hóa Việt Nam đã được trình bày và cô đọng trong 8 tính chất như liệt kê dưới đây:

  1. Tính vận động
  2. Tính tác động lẫn nhau và tác động đa chiều
  3. Tính đa nguyên
  4. Tính kế thừa hoặc mai một
  5. Tính chính trị
  6. Tính chi phối
  7. Tính đại diện
  8. Tính trách nhiệm.

cùng nhiều dẫn chứng về “nét văn hóa” được gọi “đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc” mà nhà cầm quyền CSVN cố công hàng chục năm để gầy dựng. Rất tiếc, gần nửa thế kỷ trôi qua, cùng với sự “phát triển” và “hội nhập” thế giới, văn hóa Việt Nam được đại diện bởi quan chức cấp cao và cấp cao nhứt – không thể “ngẩng cao đầu”, khi bước ra “khỏi nhà”.

Nét văn hóa quan trọng bậc nhứt để làm nên hồn cốt nhân loại nói chung và làm người Việt Nam nói riêng – Đó là nét văn hóa mang tên “Hổ Thẹn”, vốn thuộc về tính chất thứ nhứt và thứ nhì theo liệt kê trên.

- Quảng Cáo -

Cho đến nay, dù không rõ niên đại loại người bắt đầu xuất hiện trên Trái Đất nhưng các nhà khảo cổ học cho rằng, khoảng trên dưới 200.000 năm về trước, loài người đã có mặt, căn cứ vào những chi tiết hóa thạch mà sau này người ta tìm thấy.

Những bộ phim tài liệu và theo sau đó là những bộ phim truyện mang tính huyền thoại và dã sử, gần như đồng ý với nhau về khái niệm “ăn lông, ở lỗ”, khi loài người bắt đầu xuất hiện trên Trái Đất. Khái niệm đó nhằm nói về tính chất hoang dã và man rợ thuở hồng hoang, lúc mà loài người không khác bất kỳ loài động vật nào, được tạo hóa sanh ra.

Dù sao đi nữa, các nhà khoa học đã thống nhứt một đặc tính của loài người, với sự ban ơn từ Thượng Đế về bộ não – được cho là thông minh nhứt, so với tất cả các loài động vật, cùng những giọt NƯỚC MẮT nóng hổi để bày tỏ niềm hân hoan – nỗi buồn tủi – sự sợ hãi, khi loài người đối diện với sự khắc nghiệt từ thiên nhiên và đối phó với muôn loài, cũng như giữa người và người với nhau.

Ban đầu, loài người cũng có đời sống bầy đàn và giao phối như tuyệt đại đa số muôn loài trên Trái Đất. Dần dần, cùng với bộ não và những giọt nước mắt được Thượng Đế ban cho, loài người hiểu ra tính luân thường đạo lý, khi đời sống bầy đàn dần dần thay đổi với các khái niệm lòng tham – tranh giành – cưỡng đoạt – chiếm đóng – hạnh phúc – đau khổ, để từ đó chế độ Chiếm Hữu Nô Lệ ra đời, cách đây hơn 11.000 năm – bắt đầu phân chia giai cấp và khởi đầu cho một xã hội, sống tuân theo đạo đức và luật pháp – hai khái niệm chỉ có loài người phát minh ra.

Trải dài theo sự phát triển của xã hội loài người, hầu hết ai cũng biết có nhiều hình thái nhà nước đã và đang diễn ra: Nhà nước của chế độ Chiếm Hữu Nô Lệ – Nhà nước của chế độ Phong Kiến – Nhà nước của chế độ Tự Do – Dân Chủ (riêng ở Việt Nam, do giáo dục bị bóp méo hơn 70 năm, nên người ta thường gọi là chế độ Tư Bản Chủ Nghĩa) – Nhà nước (các hình thái) độc tài – Nhà nước độc đảng toàn trị (Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba, Lào – các quốc gia này không lấy quốc hiệu Xã hội Chủ nghĩa (XHCN). Chỉ riêng có Việt Nam gọi là Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa (Nhà nước CHXHCNVN), kể từ ngày 2 tháng Bảy năm 1976 – Quốc hội đầu tiên, sau khi sát nhập hai nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN).

Trước đó, đài BBC cho biết [4]: “…Sau ngày 30/4/1975, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thay thế Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, cai quản đất nước từ vĩ tuyến 17 vào Nam. Giữa tháng 7/1975, hai nước Việt Nam “rủ nhau” nộp đơn vào Liên Hiệp Quốc, nói theo lời của Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Hoa Kỳ. Hai vị đại diện cho hai nước là ông Nguyễn Văn Lưu, đại diện cho Hà Nội, và ông Đinh Bá Thi đại diện cho Sài Gòn. Ngày 11/8/1975 Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu đồng ý cho hai nước Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc, trừ Mỹ bỏ phiếu chống…”

Chế độ chính trị phản khoa học tạo ra văn hóa phi nguồn cội

Như vậy, từ năm 1976, văn hóa của người dân Việt Nam bắt đầu xuôi dòng và dần dần thay đổi, rồi biến dạng theo chế độ XHCN (một hình thái chế độ không giống bất kỳ quốc gia nào trên thế giới).

Nhà nước CHXHCNVN với gần 47 năm thành lập trải qua hai thời kỳ: Thời kỳ từ 1976 – 1995 (20 năm bị Hoa Kỳ cấm vận) và từ 1995 – hiện tại (27 năm – thời kỳ hậu cấm vận). Kể từ 1993, Hoa Kỳ không còn ngăn cấm các nước cho nhà nước CHXHCNVN vay vốn, để hình thành những bước đi đầu tiên cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa đôi bên.

Hầu hết người dân đều nhận thấy, thời kỳ cấm vận, dù vô cùng đói khổ nhưng văn hóa của Việt Nam không gây bàng hoàng – sửng sốt – chết lặng như mãi về sau này và đặc biệt trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, tính chất man rợ – hoang dã của thuở hồng hoang hình như đang có xu hướng trở lại mạnh mẽ và khốc liệt hơn bao giờ hết.

Đại dịch chưa chấm dứt nhưng khái niệm “hậu covid” đã được gọi tên hơn 1 năm qua. Theo sau đó, Thứ trưởng Bộ Công an – Đỗ Duy Ngọc đã tuyên bố [5]: “Chúng tôi thừa nhận cơ cấu tội phạm hậu Covid-19 đang rất phức tạp ở một số nhóm tội danh như: Mâu thuẫn trong nhân dân dẫn đến giết người thân, giết nhiều người thân, tội phạm tâm thần, ngáo đá, lừa đảo, tệ nạn xã hội, dâm ô…”. Đây là phát ngôn chính thức từ đại diện của nhà cầm quyền CSVN tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Tư pháp vào ngày 9 tháng Chín năm 2022.

Quả thật vậy, dù năm 2022 còn hơn 3 tháng nữa mới chấm dứt nhưng báo chí đã đưa tin từ rải rác đến ngày một dày đặc, về các loại “tội phạm hậu covid”, khiến người bình thường về đầu óc, không thể nào tưởng tượng chúng đang diễn ra trên xứ thiên đàng (!).

Mới nhứt, một người phụ nữ bị chồng chặt đứt lìa 1 cánh tay phải và cánh tay trái chỉ còn chút xíu da giữ lại tòng teng. Nhiều vụ ẩu đả, chém giết thật rùng mình – nổi da gà đang gây bất an trầm trọng trong dân chúng. Trang mạng Beatvn [6] đưa thêm chi tiết về vụ người phụ nữ bị chặt lìa cánh tay, khi người chồng phát hiện được ảnh thân mật từ người thứ ba, người vợ không hối lỗi mà lên tiếng thách thức và đổ lỗi cho người chồng không thương yêu, chăm sóc cho mình. Không chỉ riêng vụ việc gây rúng động nhân tâm này, nhiều vụ “lang chạ” khác cũng diễn ra tương tự.

Chưa hề có một cuộc điều tra xã hội học – tâm lý học – tâm thần học nào được thực hiện nhưng để đặt một CÂU HỎI chung cho tất cả các vụ đâm chém và giết người, không thể khác hơn: tính TRÁCH NHIỆM của tất cả những người liên quan đến mọi vụ án ở đâu? Đó cũng là tính chất thứ Tám như liệt kê từ đầu bài. Tính chất này hoàn toàn vắng bóng trong xã hội hàng chục năm qua. Vắng bóng trên mọi lãnh vực, không chỉ riêng các vụ án hình sự giết người, do các nguyên nhân khác nhau.

Lý do làm cho văn hóa Việt Nam ngày càng bệ rạc, bởi thể chế chính trị phản khoa học (tức là thể chế Xã Hội Chủ Nghĩa là cái không có thật trong đời sống nhân loại nói chung và đời sống người Việt Nam nói riêng) đã sanh ra một loại văn hóa phi nguồn cội làm người, ở mức tối thiểu nhứt – Mức độ con người biết Hổ Thẹn để không đổ trút Trách Nhiệm cho bất cứ ai, một khi hậu quả gây ra không thể nào cứu vãn được, bởi người phụ nữ bị chặt đứt lìa cánh tay kia cùng cả đại gia đình đôi bên và các con của họ, không có cách nào xoay xở giữa muôn trùng vây, trong một xã hội bế tắc – u ám…

Còn tệ hơn cả thời đại “Chị Dậu”, vốn được xuất bản vào năm 1937 – cách đây tròn 85 năm về trước, xã hội Việt Nam hoang dã – man rợ đến tận cùng vậy sao?!

[1] https://www.rfavietnam.com/node/7047 (phần 1)

[2] https://www.rfavietnam.com/node/7055 (phần 2)

[3] https://www.rfavietnam.com/node/7122 (phần 3)

[4] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48009443

[5] https://vietnamnet.vn/thu-truong-cong-an-toi-pham-hau-covid-19-dang-rat-phuc-tap-2058413.html

[6] https://www.facebook.com/beatvn.network/posts/3441716969478973/?comment_id=445002654277271

- Quảng Cáo -