Ở Congo, nơi mà người dân vẫn chưa xác định khi nào là Tết, các nhà báo điều tra tham nhũng đã có thể xác định sự kiện “Trung Quốc xây dựng các con đường thu phí dẫn thẳng đến gia đình cầm quyền” của đất nước đó, theo hãng tin Bloomberg.
Dường như ở đâu có Vành Đai Con Đường của Trung Quốc, ở đó có thêm rủi ro phát triển của loài ruồi nhặng tham nhũng.
Châu Phi có hai quốc gia mang tên Congo. Một là Cộng hòa Dân chủ Congo, quốc gia lớn hơn ở phía đông nam châu Phi, thủ đô Kinshasa, hay được gọi là “Congo Kinshasa”. Hai là Cộng hòa Congo, quốc gia nhỏ hơn và nằm kế bên ở phía tây bắc, thủ đô Brazzaville, hay được gọi là “Congo Brazzaville”.
Người dân Congo Brazzaville đón Tết mỗi năm giống như các nước khác trên thế giới. Ngược lại, người dân ở Congo Kinshasa (là nước Congo trong bài viết này) phải chờ đến 50 năm mới có được một cái Tết hoành tráng kéo dài đến 3 tháng.
Đã không được ăn Tết năm nay, người dân Congo Kinshasa lại phải nghe báo cáo hàng trăm triệu USD mà họ trả cho các đường thu phí do Trung Quốc xây dựng đã dẫn thẳng đến túi tiền của gia đình cựu Tổng thống Joseph Kabila.
Mỗi xe tải chở đồng và coban ra khỏi Congo đều bị buộc phải trả tới 900 USD phí cầu đường cho một chuyến khứ hồi. Trong gần một thập kỷ, các khoản cắt xén từ tổng số phí cầu đường đã được chuyển qua mạng nhện tài chính vào các tài khoản của gia đình Kabila, nhằm đánh đổi những giao dịch thuận lợi cho Trung Quốc trong ngành khai thác quặng mỏ và xây dựng cơ sở hạ tầng ở Congo.
Sự tham gia của gia đình Kabila vào đường thu phí được đưa ra ánh sáng thông qua vụ rò rỉ tài liệu tài chính lớn nhất từ trước đến nay từ châu Phi.
Một tập đoàn gồm 19 cơ quan truyền thông quốc tế được điều phối bởi mạng lưới châu Âu EIC và 5 tổ chức phi chính phủ đã được quyền truy cập vào hồ sơ ngân hàng do Nền tảng Bảo vệ Người tố cáo ở châu Phi và tổ chức tin tức Mediapart của Pháp có được.
Tập đoàn điều tra đã truy cập hơn 3,5 triệu tài liệu nội bộ và các giao dịch tiền tệ của ngân hàng Châu Phi BGFI, bao gồm bảng sao kê ngân hàng, email, hợp đồng, hóa đơn và hồ sơ công ty. Ngân hàng BGFI ở thủ đô Kinshasa, nằm dưới sự kiểm soát của gia tộc Kabila, là một chi nhánh đã được sử dụng để “ăn cắp quỹ nhà nước”, theo cách nói của De Standaard là một tờ báo được xuất bản ở Bỉ.
Các báo cáo, được xuất bản dưới tên “Congo Hold-Up”, đã đánh giá mức độ tham nhũng mà gia đình quyền lực nhất ở Congo sử dụng các đường thu phí để phục vụ lợi ích cá nhân của mình.
Báo cáo cũng cho thấy các công ty Trung Quốc đã chuyển hàng chục triệu đô la vào cùng một mạng nhện tài chính như thế nào.
Vào tháng 12 năm 2021, các luật sư của gia đình Kabila đã phủ nhận hành vi sai trái và gọi báo cáo là “một chiến dịch phỉ báng, tố cáo vu khống, bôi nhọ và sai sự thật”.
Chưa hết, không chỉ ăn cắp quỹ nhà nước qua việc thu phí cầu đường của gia đình Kabila, cuộc điều tra còn cho thấy sự móc nối trung gian của một doanh nhân người Trung Quốc, Cong Maohuai, 59 tuổi, đang nắm trong tay hàng loạt công ty trong các ngành công nghiệp sinh lợi nhất của Congo bao gồm các cơ sở hạ tầng và khai thác vàng, coban, đồng, thiếc và lithium.
Cong Maohuai hiện đang sở hữu khách sạn 5 sao Fleuve Congo ở thủ đô Kinshasa, là Chủ tịch của Phòng Thương mại Trung Quốc ở khu vực đồng và coban của Congo từ năm 2008 đến năm 2015, khi ông ta trở thành Chủ tịch của Hiệp hội Hoa kiều Congo.
Cong Maohuai phủ nhận mọi hành vi sai trái, và nói rằng ông không phải là người trung gian cho Kabila hay nhà nước Trung Quốc.
Báo cáo kết quả điều tra của “Congo Hold-up” cho thấy mối quan hệ với “cựu Chủ tịch nước” Kabila đã mang lại lợi ích chiến lược cho Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh kinh tế với Mỹ.
Bằng cách thực hiện các thỏa thuận với chế độ Kabila, các công ty Trung Quốc trong 15 năm qua đã thống trị ngành khai thác mỏ của Congo, đến tận các con đường thu phí mà khoáng sản của quốc gia này di chuyển để xuất khẩu sang khách hàng lớn nhất là Hoa lục.
Trung Quốc đã tận dụng Congo, một quốc gia 90 triệu dân, làm cho nó trở thành nhà sản xuất đồng lớn nhất châu Phi và nguồn cung cấp coban lớn nhất thế giới. Rồi ra, đế chế Tập Cận Bình và “giới tinh hoa” của Congo, chứ không phải dân số nói chung, đã thu được hầu hết những lợi ích từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Ngày mùng năm, nhắc lại mối quan hệ giữa các công ty nhà nước Trung Quốc và quan chức lãnh đạo một xứ nghèo.
Cả bầy ăn chia xương máu nhân dân, không chờ Tết Công Gô./.
Người Đà Lạt Xưa