Putin im lặng

- Quảng Cáo -

Nguyễn Nam – (VNTB) – Tổng thống Nga xuất hiện trên truyền thông mỗi ngày và nói về nhiều thứ, từ tiền ảo cho đến năng lượng xanh. Chỉ có duy nhất một chủ đề ông không hề nhắc tới: Khủng hoảng Ukraine.

***

Vào tháng 11 và tháng 12-2021, ông Putin liên tục nói về Ukraine. Tại cuộc họp báo cuối năm vào ngày 23-12-2021, ông Putin cảnh báo Nga cần lời đảm bảo rằng Ukraine sẽ không bao giờ tham gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào lúc này.

Và đó cũng là lần cuối cùng – từ hơn một tháng trước – ông Putin nói chuyện công khai về cuộc khủng hoảng hiện tại với Ukraine, hay yêu cầu NATO hạn chế lại sự hiện diện tại Đông Âu.

- Quảng Cáo -

Ông vẫn im lặng ngay cả khi các nhà ngoại giao Mỹ và Nga đấu khẩu ở Geneva, Ukraine nhận được đơn hàng giao vũ khí từ phương Tây và Tổng thống Mỹ Joe Biden dự đoán ông Putin sẽ tiến hành một cuộc tấn công.

Hôm 19-1-2022, Putin tổ chức một hội nghị trực tuyến video kéo dài hai tiếng rưỡi với các giám đốc điều hành Italy về hoạt động kinh doanh của họ tại Nga. Trong phát biểu khai mạc được phát sóng trên truyền hình, ông đề cập đến kế hoạch Moskva ứng cử đăng cai hội chợ thương mại quốc tế Expo 2030 và tập trung vào các cơ hội đầu tư năng lượng xanh. Ông không nhắc tới những lo ngại chiến tranh và các mối đe dọa trừng phạt khiến nền kinh tế Nga lung lay.

Theo giới quan sát, sự im lặng của Tổng thống Putin trước vấn đề Ukraine là một hành động có chủ đích nhằm khiến phương Tây hoang mang, không ngừng suy đoán về ý định của ông. Nó trái ngược với những đồn đoán không ngừng ở Washington, nơi Tổng thống Biden liên tục nhận được câu hỏi về khả năng Nga động binh tấn công Ukraine.

Putin thậm chí tiếp tục chọn im lặng khi Mỹ và các đồng minh phương Tây gần đây liên tục đe dọa sẽ áp đặt những lệnh trừng phạt “nặng nề chưa từng có” nhằm vào Nga nếu Moskva mở chiến dịch quân sự tấn công vào Ukraine. Trong những công cụ trừng phạt này, Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) được coi như một “biện pháp trừng phạt hạt nhân” có tác động mạnh nhất tới Nga.

Nhiều nghị sĩ Mỹ đã tuyên bố rằng Nga có thể bị loại khỏi SWIFT, một mạng lưới bảo mật cao kết nối hàng ngàn tổ chức tài chính trên khắp thế giới, như một biện pháp đáp trả nếu Moskva quyết định động binh.

SWIFT được thành lập năm 1973 nhằm thay thế điện tín và hiện được hơn 11.000 tổ chức tài chính sử dụng để gửi tin nhắn và lệnh thanh toán bảo mật. Không có giải pháp thanh toán nào khác được chấp nhận trên toàn cầu, nên SWIFT được coi là hệ thống trọng yếu của nền tài chính thế giới.

Nếu Nga bị loại khỏi SWIFT, các tổ chức tài chính trên thế giới gần như không thể gửi tiền hoặc rút tiền khỏi nước này, gây cú sốc bất ngờ cho các công ty Nga và khách hàng nước ngoài của họ, đặc biệt những bên mua dầu và khí đốt xuất khẩu của Nga bằng đôla Mỹ.

SWIFT có trụ sở tại Bỉ và do hội đồng 25 người điều hành, trong đó có Eddie Astanin, chủ tịch hội đồng quản lý tại Trung tâm Thanh toán bù trừ Đối tác Trung ương của Nga. SWIFT, tự mô tả là “tiện ích trung lập”, trở thành pháp nhân theo luật của Bỉ và phải tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu (EU).

Điểm mấu chốt mà Putin muốn trong cuộc xung đột có thể chỉ đơn giản là ngăn Ukraine gia nhập NATO, và có sự đảm bảo rằng Mỹ cùng liên minh không bao giờ bố trí các loại vũ khí có thể đe dọa Nga trên lãnh thổ Ukraine.

Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Mỹ và NATO đã cung cấp cho Ukraine những thứ mà phương Tây gọi là vũ khí phòng thủ có khả năng tiêu diệt xe tăng và máy bay của Nga. Các gói viện trợ quân sự đó, bao gồm hàng ngàn tên lửa chống tăng, đã được dồn dập chuyển đến Ukraine trong những tuần gần đây.

Putin cho rằng các vũ khí như vậy mang tính tấn công nhiều hơn phòng thủ. Nga thậm chí còn cho rằng Mỹ có ý định bố trí vũ khí hạt nhân ở Ukraine, dù giới chức Washington phủ nhận cáo buộc này. Một quan chức Mỹ cho rằng thỏa thuận về kiểm soát vũ khí có thể đạt được, miễn là Nga sẵn sàng rút các tên lửa tầm trung của họ.

Trong một diễn biến liên quan, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin ngày 27-1-2022 cho biết, Moscow sẽ không vội vã rút ra kết luận sau khi Washington chính thức hồi đáp các đề xuất của Nga về tái lập các dàn xếp an ninh thời hậu Chiến tranh Lạnh ở châu Âu.

Reuters trích dẫn lời ông Peskov mô tả căng thẳng trong khu vực đang gợi nhắc Chiến tranh Lạnh, nhưng Moscow cần thời gian để xem xét phản hồi của Washington hôm 26-1. Người phát ngôn nhấn mạnh, các phát biểu của Mỹ và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về các yêu cầu của Nga là “không chấp nhận được” và làm giảm bớt sự lạc quan.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov xác nhận phía Mỹ đã gửi văn bản trả lời chính thức các yêu cầu của Moscow về việc đảm bảo NATO ngưng mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraine và Gruzia, sớm loại bỏ vũ khí hạt nhân của liên minh khỏi châu Âu và không triển khai vũ khí tấn công ở các nước lân cận Nga. Ông Lavrov bày tỏ sự thất vọng khi Washington “không đưa ra bất cứ phản hồi tích cực nào”.

…Ba mươi chưa phải là Tết, huống hồ tháng Chạp này chỉ có hai mươi chín là bước luôn sang mồng 1 Tết Nhâm Dần, nên Putin cứ dằng dai giữ im lặng kéo dài càng khiến giới tài phiệt lo âu hơn trong canh bạc làm ăn thời hậu dịch giã Covid.

- Quảng Cáo -