Việt Nam hiện có một nhà nước yếu và một đảng chính trị quá mạnh

Các chóp bu đảng CSVN khóa 13.
- Quảng Cáo -

Việt Nam hiện có một nhà nước yếu và một đảng chính trị quá mạnh.

Điều này khiến việc thực thi các chính sách phát triển kinh tế, và đặc biệt là cải tổ chính trị, bị ngăn cản.

Một nhà nước phải đủ mạnh, tức là kiểm soát được quyền lực ban hành và thực thi chính sách, song hành với đó là có sự tự chủ nhất định khỏi áp lực từ các nhóm lợi ích.

- Quảng Cáo -

Nhà nước Hàn Quốc, Nhật Bản có thể thực thi chính sách kinh tế ở thập niên 60, 70, và 80 của thế kỷ trước, và biến quốc gia họ trở nên hùng cường, chính là vì ở đó nhà nước có thực quyền.

Ở Hàn Quốc, đảng chính trị chỉ đóng vai trò tổ chức và huy động mỗi khi có bầu cử. Hết bầu cử thì hết vai trò.

Đài Loan và Singapore là hai nước có đảng chính trị mạnh trong cùng thời kỳ nêu trên, nhưng họ cũng lại có sự thống nhất và tập trung quyền lực ở người đứng đầu.

Trong trường hợp này là Lý Quang Diệu ở Singapore và ở Đài Loan là Tưởng Giới Thạch, sau đó là Tưởng Kinh Quốc.

Cho nên ở hai nước này, việc đảng chính trị có quyền lực mạnh không tạo ra trở lực đối với sự vận hành của nhà nước. Điều này cũng được tìm thấy ở Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình.

Vấn đề ở Việt Nam là cơ quan đảng và cơ quan nhà nước tồn tại song song đã đành, nhưng quyền lực lại ngang hàng, thậm chí cơ quan đảng đôi khi nắm nhiều quyền lực hơn cơ quan nhà nước trong việc hoạch định chính sách.

Đơn cử, thủ tướng chính phủ trên lý thuyết đáng nhẽ ra phải là người có quyền lực ban hành chính sách kinh tế và triển khai nó, các bộ trong chính phủ phải thừa hành chỉ đạo từ thủ tướng.

Nhưng ở Việt Nam, Bộ Công An có khi lại không coi chỉ đạo của thủ tướng ra gì, vì bộ trưởng Bộ Công An ngang hàng với thủ tướng về mặt đảng vì cùng là ủy viên Bộ Chính Trị.

Chính vì môi trường chính trị kiểu này, nên các nhóm lợi ích có nhiều đầu mối để thao túng chính sách hơn, không thao túng được văn phòng chính phủ, thì thao túng bộ, không thì thao túng bên đảng.

Mô hình chính trị của Việt Nam hiện tại một mặt đảm bảo không cá nhân nào có quá nhiều quyền lực để trở thành một nhà độc tài, nhưng đồng thời lại ngăn cản phát triển vì không có sự thống nhất quyền lực ở nơi đáng nhẽ ra cần có nó để hoạch định chính sách kinh tế – thủ tướng.

Điều đó một phần lý giải tạo sao Việt Nam không tận dụng được thời cơ để bứt phá giống như những nước rồng, hổ khác ở Châu Á đã làm ở thế kỷ trước.

Nguồn: FB Nguyễn Trường Sơn

- Quảng Cáo -