Năm 2022 là hy vọng khởi đầu cho sự kết thúc đại dịch khi các nhà khoa học lạc quan một cách thận trọng, cho rằng biến thể Omicron có thể là một dấu hiệu vi-rút đang mất dần sức mạnh, mặc dù số ca nhiễm mới do Omicron cao hơn các biến thể trước.
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại khoa Y của Đại học Hồng Kông cảnh báo rằng biến thể Omicron chứa đựng những đột biến khiến nó dễ lây lan hơn, sau khi xét nghiệm thấy Omicron tái tạo nhanh hơn 70 lần so với Delta trong đường thở của con người.
Nghiên cứu cho thấy khi so sánh với Delta và các biến thể trước đây, biến thể Omicron xâm nhập vào các ống chạy qua “đường hô hấp trên” (upper respiratory airways) nhanh hơn nhiều, nhưng nó lại xâm nhập chậm hơn khi bắt đầu chạm đến mô phổi.
Theo các nhà nghiên cứu, biến thể Omicron sao chép kém hiệu quả hơn, thấp hơn 10 lần khi ở bên trong mô phổi người so với các biến thể trước kia, và điều này có thể cho thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh thấp hơn.
Biến thể Omicron xâm nhập vào các tế bào lót mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản theo một cách khác, vì vậy mặc dù nó được tìm thấy với số lượng lớn ở những phần này của “đường hô hấp trên”, nhưng nồng độ của vi-rút lại thấp hơn trong mô phổi.
Điều này cũng có thể giải thích một phần lý do tại sao biến thể Omicron có khả năng lây lan cao đến vậy, nếu nó tập trung với số lượng lớn ở “đường hô hấp trên”, vi-rút có nhiều khả năng bị ho, hắt hơi hoặc thở ra từ các bộ phận này của đường thở và lây nhiễm sang người khác.
Tuy nhiên, tác giả chính của bản báo cáo, Tiến sĩ Michael Chan đã khuyến cáo nên thận trọng với những phát hiện này. Tiến sĩ Chan cho biết: “Điều quan trọng cần lưu ý là mức độ nghiêm trọng của bệnh ở người không chỉ được xác định bởi sự nhân lên của vi-rút mà còn bởi phản ứng miễn dịch của vật chủ đối với sự lây nhiễm.
Nhiều ca nhập viện đã xảy ra không chỉ vì bệnh do vi-rút gây ra mà còn vì tính chất không thể đoán trước mà hệ thống miễn dịch của chúng ta phản ứng với vi-rút. Tiến sĩ Chan lưu ý rằng một loại vi-rút rất dễ lây lan như Omicron có thể gây ra số tử vong cao, chỉ đơn giản là vì nó lây lan nhanh hơn nhiều, mặc dù sự tác hại liên quan đến nhiễm trùng phổi có vẻ không tồi tệ.
G2P-Japan, một nhóm nghiên cứu coronavirus chủ yếu có trụ sở tại Viện Khoa học Y tế của Đại học Tokyo, đã phát hành một loạt tài liệu in trước vào tháng 12 năm 2021. Theo họ, biến thể Omicron không liên kết với tế bào người dễ dàng như biến thể Delta.
Omicron thiếu đi một đột biến được gọi là P681R, có trong biến thể Delta và được cho là làm tăng khả năng kết hợp coronavirus với các tế bào.
Akatsuki Saito, phó giáo sư về vi-rút học tại Đại học Miyazaki ở Tây Nam Nhật Bản và là thành viên nhóm nghiên cứu G2P-Japan, cho biết: “Biến thể Omicron có xu hướng ‘kén chọn’ đối với những tế bào mà nó liên kết với, điều này có thể hạn chế sự lây lan của nó.”
Các nghiên cứu gần đây ở Scotland, Vương quốc Anh và Nam Phi đều có những báo cáo tương tự theo hướng này.
Tiến sĩ Julian Tang, giáo sư Khoa học Hô hấp tại Đại học Leicester ở Anh, cho biết: “Cảm giác của tôi là biến thể này là bước đầu tiên trong quá trình vi-rút thích nghi với cơ thể con người để tạo ra các triệu chứng lành tính hơn”.
Điều đó có nghĩa là chúng ta không phải đối mặt với “sự diệt vong và u ám” trong 5 năm tới, Tiến sĩ Tang cho biết thêm: “Tôi nghĩ rằng vi-rút sẽ tự tiến hóa ra khỏi đại dịch rất sớm và trở nên nhẹ hơn, dễ lây lan hơn đến mức bạn có thể chỉ cần nghĩ đến việc tiêm phòng cho những thành viên dễ bị tổn thương hơn trong dân số”.
Giáo sư Martin Hibberd, Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, lập luận rằng: “Chúng ta bị cảm lạnh vào mùa đông là vì khả năng miễn dịch của chúng ta với coronavirus không kéo dài được lâu. Và loại vi-rút này có vẻ giống với những loại vi-rút gây cảm lạnh thông thường hơn. Nói cách khác, chúng ta có thể vẫn cần nghĩ đến việc tiêm vắc-xin để bảo vệ chống lại Covid-19 hàng năm vì khả năng miễn dịch sẽ luôn phai đi.”
Hiện nay, những quốc gia có tỷ số tiêm phòng cao và mở cửa trở lại để “sống chung với vi-rút” đều có số ca nhiễm Omicron mới tăng đến mức kỷ lục, nhưng số tử vong mới lại ở mức thấp.
Giáo sư Catherine Bennett, chủ tịch khoa dịch tễ học tại khoa y tế của Đại học Deakin ở tiểu bang Victoria, Úc, cho biết chính phủ Úc đã thay đổi cách xử lý đại dịch, nhưng Omicron là một bước ngoặt bất ngờ đối với quá trình chuyển đổi đó.
Úc là một quốc gia có tỷ số dân số được tiêm chủng đầy đủ hàng đầu thế giới, đang mở cửa trở lại để “sống chung với vi-rút”, và năm 2022 của Omicron có thể là dấu chấm hết của các nỗ lực triệt tiêu Covid-19, không cần phải biến nó thành con số không.
Thủ tướng Úc Scott Morrison đã nói hồi đầu tuần qua: “coronavirus viết ra các quy tắc của nó.”
“Nó viết nên câu chuyện của chính nó”, ông nói. “Chúng ta không cần phải viết câu chuyện đó như những gì nó làm được.”
“Chúng ta chỉ có thể viết câu trả lời của chính mình.”
Người Đà Lạt Xưa