Ai cũng biết mặt trời luôn mọc ở hướng Đông nhưng ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam vừa thổ lộ một khát vọng mà đem khát vọng ấy đối chiếu với đường lối, chủ trương của đảng CSVN, cũng như cách quản trị, điều hành xứ sở từ trước đến nay của quốc hội, nhà nước, chính phủ Việt Nam thì mong muốn… “một ngày không xa Việt Nam sẽ có nhà văn đạt giải thưởng Nobel Văn chương, mang đến niềm tự hào cho đất nước” (1)… chẳng khác gì mơ ước… mặt trời mọc ở hướng… Tây!
***
Từ 1901 đến 2021, Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển (Viện HLKH Thụy Điển) đã có 114 lần trao giải Nobel Văn chương cho 118 người.
Cho dù trước nay, Nobel Văn chương không có tiêu chí chung nên luôn là giải thưởng khó dự đoán nhất trong số sáu loại giải Nobel được trao hàng năm (Năm loại giải Nobel còn lại có ba được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển chọn trao cho các lĩnh vực: Vật lý, Hóa học, Kinh tế. Hai giải Nobel về Sinh học, Y học do Hội Nobel ở Viện Karolinska quyết định. Riêng giải Nobel Hòa bình thuộc thẩm quyền xét tặng của Ủy ban Noel Na Uy)…
… tuy nhiên nếu chịu khó xem giải thích của Viện HLKH Thụy Điển về lý do họ chọn nhà văn nào đó để trao giải Nobel Văn chương (2), có thể thấy, Nobel Văn chương chỉ được trao cho những nhà văn hoặc có đột phá về văn phong, trở thành nhân vật tiên phong về phương thức diễn đạt, hoặc tác phẩm có sự khai phá về tư tưởng, khơi gợi để độc giả ngẫm nghĩ về những vấn đề có liên quan đến thời đại, đến nhân loại… và những nhà văn này thường được xem là dũng cảm vì dám gạt bỏ những thứ mà họ cho là cũ kỹ…
Liệu người Việt có khả năng đó không? Chắc chắn là có! Vấn đề nằm ở chỗ, dưới ách của đảng CSVN, Việt Nam có phải… đất lành cho những nhà văn như thế?
***
Dường như ông Phúc đề cập tới Nobel Văn chương chỉ vì… tiện… miệng khi tham dự Lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi và trao giải thưởng ‘Tác giả trẻ’ Lần thứ nhất! Nếu Ủy viên Bộ Chính trị đang giữ vai trò Chủ tịch Nhà nước quan tâm tới văn chương và thực sự mong muốn “một ngày không xa Việt Nam sẽ có nhà văn đạt giải thưởng Nobel Văn chương, mang đến niềm tự hào cho đất nước”, tại sao ông lại cùng đảng của ông để cho nhà nước của ông chống… “tự diễn biến, tự chuyển hóa”?
Xem “tự diễn biến, tự chuyển hóa” về tư tưởng, nhận thức là… “thù địch”, phải “đào tận gốc, trốc tận rễ” như đảng CSVN vừa nhai đi, nhai lại, vừa thẳng tay triệt hạ như đã và đang thấy thì chắc chắn không nhà văn có đủ tư chất tranh Nobel Văn chương nào tồn tại được. Bao nhiêu người Việt muốn thử đột phá về tư tưởng, nhận thức khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không hề ngần ngại trong việc sử dụng hệ thống tư pháp như công cụ để trừng phạt cái gọi là… “lợi dụng tự do, dân chủ”?..
Trong một xã hội có bối cảnh như đã biết, ai dám nâng niu, nơi nào dám công bố, phát hành những tác phẩm của các nhà văn dám khai phá tư tưởng, nhận thức?
Khi đề cập đến khát vọng “một ngày không xa Việt Nam sẽ có nhà văn đạt giải thưởng Nobel Văn chương, mang đến niềm tự hào cho đất nước”, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam vô tình làm người ta… “sởn gai ốc” vì số phận bi thảm của những văn nghệ sĩ dính líu đến phong trào “Nhân văn – Giai phẩm” trong ba năm từ 1955 đến 1958 ở miền Bắc Việt Nam (3) vẫn còn hằn sâu trong ký ức nhiều người, vẫn còn là vết nhơ mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không thèm gột rửa.
Đến nay, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ lời xin lỗi nào gửi đến những văn nghệ sĩ hồi đó bị quy kết là… muốn phủ nhận sự lãnh đạo của đảng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, phủ nhận quyền lãnh đạo chính trị và nhà nước duy nhất của đảng, gây phương hại đến sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước… và gia đình của họ, trong đó có những người như ông Đặng Đình Hưng sở dĩ “ngóc đầu” lên được sau hai thập niên bị nhấn xuống bùn là nhờ… con trai.
Nếu năm 1980, Đặng Thái Sơn không đoạt giải Nhất Cuộc thi piano Chopin lần thứ 10, chắc chắn ông Đặng Đình Hưng đã “chết bờ, chết bụi” từ đầu thập niên 1980 sau một thời gian dài phải chăn bò ở Nông trường Chí Linh (4). Giải Nhất ấy không chỉ giúp Đặng Thái Sơn – một công dân bị hắt hủi, tham dự cuộc thi với tư cách thí sinh tự do được trao tặng danh hiệu… Nghệ sĩ Nhân dân (5) mà còn khiến đảng gạt bỏ cáo buộc “Tên đồ tể” dành cho Đặng Đình Hưng, rồi năm ngoái, vinh danh ông là “kỳ nhân” (6).
**
Trong số các giai thoại về Pushkin, Đại thi hào người Nga (1799 – 1837) có chuyện, thuở còn thơ, khi đồng môn theo yêu cầu của thầy giáo làm một một bài thơ tả cảnh mặt trời mọc, ấp úng bật ra… Mặt trời mọc ở phương Tây… khiến mọi người cười ồ, Pushkin đã đứng dậy, ứng tác thêm ba câu nữa: Thiên hạ ngạc nhiên chuyện lạ này. Ngơ ngác nhìn nhau và tự hỏi… Thức dậy hay là ngủ nữa đây? Ai tin khát vọng của ông Phúc là đề nghị các nhà văn hãy… thức dậy để lên đường tìm Nobel Văn chương?
Chú thích
(2) https://www.nobelprize.org/prizes/lists/all-nobel-prizes-in-literature/
(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/Phong_trào_Nhân_Văn_–_Giai_Phẩm
(4) https://kontumquetoi.com/2017/04/10/cay-dang-no-hoa-truyen-the-giang/
(5) https://viettudomunich.org/2020/06/02/chuyen-dang-thai-son-doat-giai-chopin-o-varsovie/
(6) https://tienphong.vn/ky-nhan-ang-inh-hung-post1307337.tpo