Mùa Xuân kể chuyện xưa: Những chuyến vượt biên để trở về

- Quảng Cáo -

Ngoc Duc Nguyen

Năm hết, Tết đến, tôi bồi hồi nhớ chuyện đã qua. 2 tháng 9 năm 2017, tôi công tác tại Campuchia cùng một số anh em. An ninh Việt Nam đã phục kích tạt axít chúng tôi. Một hình thức khủng bố hèn hạ mà tôi không hề ngờ trước. Tôi là đích nhắm nên đã lãnh gần như trọn vẹn. Anh em khác bị không đáng kể và đó là điều may, vì những anh em này không có quốc tịch nước ngoài như tôi, nếu bị nặng, thì sẽ nguy hiểm vô cùng. Hơn 2 năm chữa trị, tôi đã có thể đi lại, nhưng nhiều vấn đề sức khỏe vẫn phải giải quyết.
Có bạn thương hỏi sao qua đó làm chi để bị như vậy? Tôi nói tôi đang đi theo con đường lý tưởng mà tôi đã chọn.
Tôi đến Pháp năm 1978, sau một chuyến vượt biển tìm tự do. Tôi đi học, ra trường vào làm cho một hãng điện toán lớn nhất nước Pháp lúc đó. Lấy vợ, sinh con, việc làm và đời sống tương đối ổn định.
Nhưng, như nhiều sinh viên Việt Nam khác, tôi vẫn muốn đóng góp để đất nước thay đổi. Tôi tham gia hoạt động trong giới sinh viên, đi làm thiện nguyện giúp người tỵ nạn, biểu tình đòi nhân quyền tại Việt Nam, tranh đấu cho những người bị cầm tù như giáo sư Đoàn Viết Hoạt, bác sĩ Nguyễn Đan Quế,…
Đầu thập niên 80, sự kiện anh Trần Văn Bá, rồi đến các ông Võ Đại Tôn, Hoàng Cơ Minh làm bùng lên trong chúng tôi ngọn đuốc yêu nước chói sáng. Bạn bè tôi, người thì đi theo tổ chức của anh Bá, người ủng hộ ông Võ Đại Tôn. Một không khí phấn chấn khó tả bao trùm sinh hoạt của anh em sinh viên Việt Nam tại Paris thời đó.
Riêng tôi và vài người bạn khác đã chọn tổ chức ông Hoàng Cơ Minh. Hai người đàn anh dẫn dắt tôi lúc đó là anh Trần Đức Tường và anh Nguyễn Ngọc Danh. Đây cũng là những người, có vợ anh Tường và vợ anh Danh, làm chứng đám cưới vợ chồng tôi. Nhờ phúc của các anh chị, gia đình tôi sống hạnh phúc cho đến ngày nay.
Tham gia vào Việt Tân được một thời gian, tôi quyết định bỏ việc làm tại hãng Bull để dành trọn thời gian đóng góp cho tổ chức. Đây là quyết định mà nhiều bạn bè cực lực ngăn cản. Điều may mắn là tôi được sự ủng hộ hay đúng hơn là không ngăn cản của vợ tôi. Thế là tôi “thoát ly” nói theo cách lãng mạn của các nhà cách mạng thời chống Pháp.
Sau biến cố Nam Lào 1987, tổ chức chúng tôi bị thiệt hại nặng nề. Nhiều lãnh vực, một số địa bàn phải xây dựng lại từ đầu. Tôi được giao trách nhiệm gầy dựng lại các con đường giao liên ra vào Việt Nam, xây dựng một số hạ tầng cơ sở ở các nước Đông Nam Á và Việt Nam.
Với trách nhiệm này, tôi phải tìm cách ra vào Việt Nam, tới lui các nước chung quanh, móc nối lại những anh em cũ, vận động sự hợp tác, liên kết với những người cũng lý tưởng. Tôi lặng xuống một thời gian, hy vọng an ninh Việt Nam bớt chú ý, để có thể về bằng con đường chính thức. Nhưng vô phương. Sau nhiều lần thử, tôi biết là tôi không thể về bằng con đường này.
Trước đây, tôi là người vượt biển trái phép tìm tự do. Cả triệu người Việt Nam khác cũng như tôi, vì khát vọng tự do đã vượt biên, vượt biển, làm nên làn sóng boat people chấn động lương tâm nhân loại. Vậy tại sao tôi không thể vượt biên, vượt biển trở về Việt Nam để tranh đấu cho khát vọng tự do của dân tộc tôi ? Đó là sự chọn lựa của tôi trong những năm qua, để có mặt trên đất nước những khi cần thiết.
Cái gì đầu tiên bao giờ cũng là kỷ niệm khó quên. Chuyến vượt biên trở về đầu tiên đã ghi đậm trong ký ức của tôi. Tôi trở về quê hương vào buổi bình minh, trên một con đê làng. Hình ảnh mà tôi đã mất từ lâu nay, bỗng được thấy lại trong bồi hồi, xao xuyến. Đó là hình ảnh các nữ sinh mặc áo dài trắng nối đuôi nhau đạp xe đến trường, trong ánh mặt trời mới lên, chiếu xuyên qua các tàng dừa, nhảy múa trên các tà áo trắng. Đây là hình ảnh mà tôi mong sẽ luôn hiện hữu trên quê hương ta.
Chuyến đi đầu tiên hoàn tất tốt đẹp. Từ đó, tôi vượt biên về nước nhiều lần. Mỗi chuyến đi là một thử thách để vượt qua những rủi ro. Nhưng mỗi chuyến đi cũng là cơ hội tôi được bơm thêm “xăng dầu” để ngọn lửa của niềm tin lúc nào cũng bừng sáng trong tôi. Không bừng sáng niềm tin sao được khi mình được gặp anh em, được gặp những người cùng lý tưởng, cùng tần số. Mỗi cuộc gặp gỡ là một kỷ niệm in sâu trong ký ức.
   
Như lần đầu gặp Đài, ngay tại nơi anh bị quản chế. Mặc dù rủi ro bị bắt lúc nào cũng có, nhưng hai anh em hàn huyên không còn nhớ thời gian, khi chia tay thì đã quá giờ dự định. Như lần gặp một người bạn khác mà tôi chưa tiện nêu tên, trong một nhà thờ, vào buổi lễ chiều. Bạn đưa tôi leo lên sát nóc nhà thờ, ngồi trên những cột kèo nói chuyện. Bên dưới tiếng kinh cầu, tiếng thánh ca vang vang. Hai anh em ngồi đó nói chuyện mải mê, đến khi chợt tỉnh, chung quanh hoàn toàn im lặng, không tiếng người, không cầu kinh, không nhạc. Nhìn đồng hồ thì đã 23 giờ đêm.
Như lần gặp gỡ nhà giáo Phạm Toàn tại Hà Nội. Ông ôm tôi rươm rướm nước mắt. Vì ông không nghĩ rằng tôi có thể có mặt ngay tại lòng thủ đô Hà Nội, cùng với ông ngồi uống cà phê Thủy Tạ. Tôi kính nhà giáo Phạm Toàn như thày tôi, mặc dù ông không dạy tôi một giờ nào. Nhưng tôi đã học rất nhiều ở ông, đặc biệt là lập trường không phân biệt “Nam Bắc, trong ngoài hay Việt Tân, Việt Tiếc gì hết”, miễn là đang làm lợi cho phong trào dân chủ là ông chơi. Thày Toàn và tôi đã kết bạn vong niên, nhưng tiếc rằng thày đã ra đi vĩnh viễn.
Như những lần gặp gỡ thày Thiện Minh, Cha Phan Văn Lợi và những người mà tôi luôn tôn kính, ngưỡng mộ. Không bừng sáng niềm tin không được, khi họ đã cho tôi sức nóng niềm tin của họ, niềm tin về một đất nước thật sự tự do, dân chủ và thái hòa. Như chuyến đi ra đảo Lý Sơn để thăm và tặng quà cho những gia đình ngư phủ nạn nhân của Trung Quốc ở Hoàng Sa.
Như cuộc kỳ ngộ với người nhạc sĩ đường phố Tạ Trí Hải bên bờ hồ Hoàn Kiếm và sau đó cả hai đã cùng hợp ca “Nỗi lòng người đi” và “Áo lụa Hà Đông”, giữa lòng Hà Nội về đêm. Tất cả đều là những kỷ niệm mà tôi luôn trân quý, gìn giữ.
Tôi đi như vậy hơn 10 năm. Nhiều lần tưởng đã bị an ninh bắt. Nhưng tôi vẫn thoát trong đường tơ, kẽ tóc. Vừa là may mắn, vừa là nhờ những người thương quý tôi, đã giúp tôi thoát hiểm, bất chấp hậu quả sau đó có thể xảy ra cho họ.
Tôi vẫn nhớ người cô của tôi đã qua đời. Sau khi rời Việt Nam, tôi không hề liên lạc, vì sợ liên lụy đến cô. Nhưng trong một chuyến công tác bị bại lộ, an ninh giăng lưới khắp nơi để bắt. Tôi không còn nơi an toàn nào. Tôi chợt nhớ đến cô. Hôm đó trời mưa rất lớn. Cô đội mưa ra đầu ngõ đón tôi. Vào nhà, cô không hỏi gì, mà chỉ bảo tôi lên lầu, vào căn phòng thờ của cô. Trên bàn thờ, là hình những người thân nhất của tôi đã qua đời. Cô nói “con thắp nhang cầu nguyện tổ tiên phù hộ cho con đi”. Cô và tôi cùng cầu nguyện trước bàn thờ. Bên ngoài mưa lớn, nhưng tôi không còn nghe gì, ngoài tiếng thì thầm của cô cầu nguyện ông bà, đặc biệt là chị cả của tôi, “có linh thiêng xin phù hộ cho thằng Đức tai qua, nạn khỏi”. Mắt tôi cay cay và trong tiếng rào rào của những hạt mưa rơi, tôi nghe như có tiếng vỗ về, an ủi của những người thân đã khuất.
Tôi vẫn nhớ một nữ tu. Bà đã đón tôi về nơi bà và đồng đạo sinh hoạt, dù chưa biết tôi là ai, chỉ biết đây là người đang bị công an truy bắt và cần được giúp đỡ. Tại đó, tất cả đã ngồi xuống cầu nguyện cho tôi. Trong thinh lặng, chỉ có tiếng lâm râm nguyện cầu. Tôi cảm được sự mầu nhiệm của đấng thiêng liêng, cảm được hơi ấm của tình người và lấy lại sự tự tin, sau mấy ngày bị công an truy bắt.
Tôi vẫn nhớ chuyến đi xuyên đêm để vượt biên trở ra. Tối hôm đó trời tốt, nhưng rất tối. Người nữ tu đưa tôi đến bờ sông, một con thuyền nhỏ đang chờ sẵn. Chúng tôi chia tay nhau trong tiếng rì rào của gió nước. Người nữ tu đứng trên bờ nhìn theo tôi vượt biên trở về nơi ánh sáng, trong khi bóng bà mờ dần trong đêm.
Ngày xuân bồi hồi nhớ chuyện xưa, tôi thấy mình đã nhận được rất nhiều ân sủng của Thượng Đế trong cuộc đời này.
Ân sủng đến từ những chiến hữu cật ruột của tôi, ở trong cũng như ngoài nước, đang được tự do hay đang bị giam cầm, vẫn tiếp tục giúp tôi hâm nóng ý chí đấu tranh bằng “tình chiến hữu” thiêng liêng mà chỉ có chúng tôi, những anh em trong Việt Tân, mới cảm nhận được.
Ân sủng đến từ vợ và các con của tôi, từ những người ruột thịt và họ hàng thân thích, dù còn sống hay đã mất, luôn luôn ủng hộ, bảo bọc và phù hộ tôi trong “những ngày đi hoang” vì lý tưởng của mình.
Ân sủng đến từ những người Việt Nam ở đó đây, mà trên con đường tranh đấu tình cờ tôi quen biết, hay do cảnh ngộ đưa đẩy mà quen nhau. Như anh B, em H, em Q,… những người đã cùng chia với tôi nhiều hoạn nạn. Như người nữ tu bên bờ sông. Như vị mục sư cả đời đấu tranh cho công lý đã tự tay làm một con gà mọi, rồi ngồi lai rai tâm sự với tôi về chuyện mình, chuyện ta.
Những ân sủng này, tôi giữ mãi trong lòng. Vì đó là gia tài quý giá nhất mà tôi có được, đang giúp cho tôi ngày một giàu niềm tin hơn, trong cuộc chiến đấu vượt qua chính mình để tiếp tục hữu ích cho quê hương.
Ngày xuân, xin được gửi hai chữ “TẠ ƠN” đến tất cả những người mà tôi đã nhận được ân sủng trong cuộc đời này.
Mừng Xuân Canh Tý. Mừng chị tôi đi thêm một vòng 12 con giáp. Chúc chị luôn vui khỏe, sống đời với con cháu.
Nguyễn Ngọc Đức
- Quảng Cáo -