Cả nước đang xôn xao, bàng hoàng với vụ thổi giá Test Kit lên trời, và hơn thế nữa, là chất lượng của chúng. Nhưng nếu bình tâm mà nhìn bạn sẽ thấy sự việc lần này chỉ khác về quy mô chứ về tính tính chất không có gì bất ngờ cả.
Ai cũng có con đi học, hãy xem những cuốn vở in logo trường, những cây viết bi, những bộ đồng phục v.v.. mà bạn buộc phải bỏ tiền mua về, chúng luôn đắt hơn với chất lượng tệ hơn ngoài thị trường rất nhiều. Hiệu trưởng và các “lãnh đạo” giáo dục phòng sở luôn có “quà” cho thương vụ ấy.
Một cái cổng trường nhiều trăm triệu, từng viên gạch, từng bao xi đến những cây xanh trong khuôn viên nhà trường; không có “hoa hồng”, “lại quả” thì đừng hòng lọt được qua cổng. Những món hời luôn được rút từ xương tủy học sinh để con buôn và các “nhà giáo dục” chia nhau. Ai cũng biết điều ấy mà. Và ở đâu, ngành nào, chúng ta cũng có thể gặp những cái bắt tay ấy. Nó đã trở nên “chuyện thường ngày ở huyện”.
Ở trường học, tôi từng thấy một hiệu trưởng mắng một anh bí thư đoàn vì tại sao lại làm cái bảng hiệu nhấp nháy 25 triệu mà lại không lấy hóa đơn 90 triệu; tôi đã thấy người ta làm một cái bể bơi 10 tỉ, chưa kịp hoạt động đã rò nước; tôi đã thấy người ta mua những cái lọ thủy tinh bằng ngón tay cho phòng Lab tiền tỉ với giá hàng trăm ngàn…
Nó vốn diễn ra như thế từ lâu. Thuốc ung thư bằng than tre mà lọt vô bệnh viện được thì test kit cớ sao lại không thể? Mố cầu bô tông cốt tre còn cắt băng khánh thành cờ xí rợp trời thì test kit sao lại không thể? Từ những năm 80 nhà thơ, nhà viết kịch lừng danh Lưu Quang Vũ đã nói “chúng ta đã trải qua nhiều thời kỳ, từ đồ đá, đến đồ đồng, đồ sắt… nay thì đã đến thời kỳ đồ đểu”.
“To ăn to, nhỏ ăn nhỏ”, vốn thế đã từ lâu rồi. Thế mà đến bây giờ ta vẫn chưa thôi ngạc nhiên! Vụ thổi giá test kit chỉ là một cái nhọt to trên một cơ thể đầy ghẻ lở mà thôi.
Hoặc cứ tiếp tục ngạc nhiên mỗi ngày với 5 năm, 10 năm, 50 năm tới; hoặc cũng có thể rồi mọi thứ cũng nên quen, “cùng nhau xuống thuyền”. Tôi thì thấy khả năng thứ hai cao hơn. Vì cùng với sự giả dối, tàn ác, sa đọa này, khó ai còn giữ được lương thiện mà vẫn có thể sống được giữa cuộc đời. Tha hóa là con đường tất yếu, và thực tế là nó đã hiện diện lồ lộ khắp nơi, và đang mỗi ngày một đậm hơn, trong mỗi người. Chỉ có điều, như chiếc kim giờ trên chiếc đồng hồ, bạn không thể nhìn thấy nó chuyển động bằng mắt thường. Giật mình nhìn lại thì ngày đã sang đêm…
Cái trí của người Việt chúng ta ngày nay chỉ là sự loay hoay để tìm một chỗ sạch sẽ giữa bãi rác hôi thối mù trời, mà không muốn dọn cái bãi rác ấy đi, không muốn tiệt nguồn rác ấy đi. Và ta gọi đó là thông minh, là thành đạt, là khôn ngoan.
Đến khi nào người Việt mới “bớt khôn”?
Thái Hạo