Phạm Lê Đoan (VNTB)
Vietnam Airlines đã bay thẳng đến Mỹ nhưng người Việt ở Mỹ thì bay vòng vòng về nước.
Nghe đâu người Việt làm bài toán tiểu học thế này: từ thành phố Nữu-ước của Hoa Kỳ nếu bay thẳng về cố quốc Sài Gòn lúc dịch giã, giá đến 5.000 Mỹ kim. Nếu chọn bay về tới Nam Vang thôi, thì giá dao động trong mức 500 đến 750 Mỹ kim. Vậy là để tiết kiệm, người Việt mình xa xứ chọn về Nam Vang rồi đi đường bộ qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh là coi như chưa đến 100 cây số nữa là đi chợ Bến Thành hay An Đông hoặc Bình Tây chi đó tha hồ rồi.
Lưu ý, ở đây là ‘tiết kiệm’, là ‘tằn tiện’ chứ không phải ‘hà tiện’ coi tiền như cái bánh xe bò theo cách nói dân dã.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) dự báo lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 tăng 5% so với năm ngoái, lên đến 18,06 tỷ đô-la Mỹ, nghĩa là chiếm tới 4,9% GDP quốc gia, cao nhất từ trước đến nay và thuộc top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Cụ thể luôn, với mức này, lượng kiều hối của Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, và xếp thứ 8 thế giới.
Quả thiệt tội nghiệp bà con mình quá sức luôn vì phải đi vòng vòng, để tiết kiệm, tìm đường về quê ăn Tết. Bởi đơn giản bà con tha phương cầu thực, kiếm đồng tiền rất khó khăn, đâu dám xài sang, để tiền mà còn đóng góp cho kiều hối mỗi năm mỗi tăng, góp phần cùng Đảng và Nhà nước xây dựng chủ nghĩa xã hội nữa chứ.
Nói vậy chứ cũng ngậm ngùi khi báo chí quốc doanh ở Việt Nam đăng ràng ràng đầy tự hào là Vietnam Airlines đã bay thẳng đến Mỹ, nhưng lạ quá, sao bà con Việt kiều mình từ Mỹ thì bay vòng vòng về nước (?!)
Có giải thích về giá cả như vậy mới đúng là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà người đứng đầu Đảng luôn cổ súy vì cho rằng chỉ có XHCN mới giúp giải quyết được những khuyết tật của nền kinh tế thị trường.
Chủ thuyết nghe có vẻ rất thời sự của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, là lịch sử kinh tế thế giới đã và đang ghi nhận hai sự kiện tầm cỡ quốc tế lớn lao:
Thứ nhất, sự sụp đổ Liên Xô trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX như là minh chứng cho sự thất bại của mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung cao độ theo mô hình Xô-viết.
Thứ hai, cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính khởi đầu năm 2008 ở Mỹ và lan tỏa toàn cầu trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI như là minh chứng cho sự thất bại của mô hình kinh tế thị trường tự do tối đa kiểu Mỹ.
Vậy là, theo lập luận của ông Trọng, nhân loại đứng trước sự lựa chọn và yêu cầu mới về sự kết hợp hài hòa bàn tay thị trường với bàn tay nhà nước, trong mô hình kinh tế mới phù hợp với điều kiện cụ thể, và đặt mục tiêu lợi ích quốc gia lên hàng đầu theo yêu cầu phát triển bền vững của mỗi nước. Với Việt Nam, thì bàn tay nhà nước được hiến định cũng chính là bàn tay của Đảng, do vậy đã là Đảng Cộng sản thì nếu không đeo đuổi con đường xã hội chủ nghĩa, không lẽ lại ‘lưng chừng’ kiểu ‘tư bản độc tài cộng sản’ như Trung Quốc hay liên bang Nga hiện nay?
Thế nhưng có vẻ mọi chuyện gọi là ‘định hướng’ đã không nằm trong khả năng ‘lèo lái’ của Tổng bí thư Trọng, khi mà chỉ xét riêng mỗi việc “Vietnam Airlines đã bay thẳng đến Mỹ, nhưng lạ quá, sao bà con Việt kiều mình từ Mỹ thì bay vòng vòng về nước”, cho thấy rõ đến mức thách thức về những biểu hiện lợi ích nhóm, biểu hiện của chủ nghĩa tư bản thân hữu đang diễn ra trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Nếu thật sự chuyện phải để cảnh bà con Việt kiều mình từ Mỹ thì bay vòng vòng về nước không phải là chủ ý ‘tham bát bỏ mâm’ của Tổng bí thư Trọng, thì cần phải có giải pháp gì căn cơ để ngăn chặn, để bảo đảm rằng những lợi ích từ phát triển kinh tế đất nước sẽ không bị một bộ phận thiểu số trong xã hội chiếm dụng, mà sẽ được chia sẻ công bằng./.