Hoàng Mai – (VNTB) – Bỏ ‘lễ’ và cứ phản biện ‘trái ý’ Đảng đi sẽ biết ngay thế nào là phải biết ‘giữ lễ’…
***
Trả lời phỏng vấn một báo điện tử về vấn đề bỏ “tiên học lễ”, ông Trần Ngọc Thêm cho rằng: “Nguyên lý giáo dục trọng Lễ do đó mà có sự thống nhất cao độ với mục tiêu đào tạo người thừa hành, người công cụ và sứ mệnh phục vụ công cuộc trị quốc an dân của chính quyền quân chủ phong kiến. Nó coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng, giữ lễ với người trên là yêu cầu số một.
Như vậy, “Tiên học lễ” đòi hỏi người dưới tôn trọng người trên trong quan hệ một chiều. Trong khi đó, sự sáng tạo và phản biện chỉ tồn tại được trong mối quan hệ hai chiều: Người dưới và người trên phải tôn trọng lẫn nhau thì mới có thể trao đổi một cách dân chủ, bình đẳng được”.
Dưới góc độ học thuật, việc Nho giáo luôn tôn trọng, đề cao chữ Lễ là không sai. Có thể kể một số sách như Luận ngữ, Lễ ký, Đại đái Lễ ký…. Nền văn hóa ấy du nhập sang Việt Nam, các đầu sách một thời gian được coi là sách giáo khoa dành cho học sinh như Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư cũng dạy học sinh về lễ nghĩa, về tôn ti trật tự, về hiếu thảo với ông, bà, cha, mẹ…
Nho giáo là một kho tàng kiến thức, đạo lý của người Trung Hoa, được truyền từ nhiều đời. Việt Nam tự hào là một đất nước có hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, cũng nhờ vào văn hóa, bản sắc dân tộc riêng mà Việt Nam giữ được nước. Vậy thì với bề dày lịch sử như thế, với những học giả, những nhà nghiên cứu giáo dục tầm cỡ thuở đó, chẳng lẽ lại thua tầm nhìn của một ông tiến sỹ đời sau?
Thôi thì cứ tạm cho đó là câu chuyện của quá khứ, mặc dù “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”. Chữ Lễ của ngày hôm nay như thế nào?
Theo như ông Thêm: “…Tiên học lễ” đòi hỏi người dưới tôn trọng người trên trong quan hệ một chiều. Trong khi đó, sự sáng tạo và phản biện chỉ tồn tại được trong mối quan hệ hai chiều…”, điều này có thể không sai, vì nếu bị áp đặt bởi nguyên lý lời kẻ lớn luôn đúng thì sự sáng tạo có thể sẽ bị chôn vùi hay “chết từ trong trứng nước”.
Tuy nhiên, một thực tế ghi nhận, xã hội phát triển không ngừng, những khuôn phép, những quy tắc cứng nhắc của thời xa xưa dường chừng như đã được lược bỏ đi khá nhiều (dù trên thực tế, những Lễ trong Quốc văn giáo khoa thư hay Luân lý giáo khoa thư là điều khá nền tảng). Có thể ông Thêm tiếp xúc 1 hoặc 100 trường hợp đặt nặng tính “trên bảo sao dưới nghe vậy” nhưng để từ điều đó quy kết cho toàn thể Việt Nam là một điều nghe có hơi… võ đoán.
“Đúng là nên bớt những điều vô lý như kiểu ỷ tao lớn, nói nhỏ phải nghe, phải làm theo. Con đó là con gà nhưng tao nói vịt thì mày cũng phải công nhận nó là con vịt. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc xem nhẹ chữ Lễ. Cứ tưởng tượng một ngày nào đó, ra đường, nhìn thấy cảnh con đánh cha mẹ già yếu công khai; đứa nhỏ mày tao với ông già 90 tuổi… sẽ như thế nào? Nếu bỏ “tiên học lễ”, điều đó không khác gì Tần Thủy Hoàng đốt sách vậy”.
Tựu trung lại, ý kiến của ông Trần Ngọc Thêm có thể không sai, nhưng có lẽ, mải sống trong “tháp ngà” lý thuyết, ông Thêm quên mất thực tế hiện tại như thế nào? Và không biết rằng, ông đã từng tham khảo được “bao nhiêu mẫu” trong khảo sát về vấn đề “tiên học lễ” này rồi?
“Mình nhớ năm hai ở trường, được học môn Phương pháp nghiên cứu khoa học, có một phần thi, giảng viên yêu cầu làm nhóm, đưa ra một vấn đề, sau đó lập nên một bảng khảo sát rồi đi lấy ý kiến. Nhóm mình chia ra nhiều nơi, đứa ở ký túc xá thì lấy trong khu ký túc, đứa ở nhà trọ lấy ở nhà trọ, mình thì cùng với bạn thân cấp 3 sang đại học Sư Phạm lấy ý kiến. Không biết rằng, vấn đề này, ông Thêm đã lấy và lắng nghe ý kiến của bao nhiêu người? Còn theo mình quan sát, có khá nhiều ý kiến không đồng tình với ông Thêm”, một cựu sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TPHCM nhỏ nhẹ thắc mắc.
Xin được mượn câu trả lời của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm để thay lời kết: “Học Lễ là để biết được vị trí của mình trong hệ thống thứ bậc, tôn ti. Trong sách Luận ngữ, Khổng Tử dạy con trai Bá Ngư: “Không học Lễ thì không biết chỗ đứng ở đời, không lập thân được”. Lễ tạo nên khuôn phép để ràng buộc con người.
Cũng trong sách Luận ngữ, Khổng Tử nói: “Dùng Đạo để dẫn dắt dân, dùng Lễ để đặt dân vào khuôn phép, dân biết hổ thẹn mà theo đường chính”. Ở một chỗ khác, Khổng Tử còn nói: “Con em ở nhà thì hiếu thảo, ra ngoài thì kính nhường, thận trọng và thành thực, yêu thương khắp mọi người, gần gũi người nhân đức. Làm những việc trên rồi mà còn dư sức thì học văn”.
Ông Thêm đã dẫn chứng được như vậy, chẳng lẽ ông lại không hiểu giá trị của chữ lễ ở đây? Ở nhà hiếu thảo với ba mẹ; ra ngoài biết tôn ti trật tự, kính trên nhường dưới; thận trọng với những điều không hay; yên thương mọi người; “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”… những điều ấy, nếu làm được, chẳng phải là tốt hay sao?
(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả