Tân Phong – Việt Tân
Hôm mồng Một tháng Mười Hai, một cuộc họp giữa Ban Kinh Tế Trung Ương CSVN và quan chức Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn nhằm đánh giá vai trò, tác động của nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội Nghị Trung Ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Gọi tắt là Nghị quyết Tam nông), sau 15 năm thực hiện. Trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương Trần Tuấn Anh khẳng định rằng nghị quyết Tam nông tạo nền tảng cho sự phát triển vượt bậc của ngành nông nghiệp…
Luôn là như vậy. Có nghị quyết nào của những “đỉnh cao trí tuệ” không tạo ra “nền tảng, đột phá, chuyển biến tích cực…” Tất cả các nghị quyết, nghị định ở xứ cộng sản… dĩ nhiên, đều vô cùng sáng suốt. Trong vòng 20 năm qua, có thể điểm mặt chỉ tên một số những nghị định về phát triển đủ mọi các ngành nghề, định hướng, qui hoạch, chiến lược mọi lĩnh vực để trở thành “mũi nhọn,” sánh với các cường quốc trong khu vực.
Người ta có thể nhớ đến mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 của ông Nông Đức Mạnh; những mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn mía đường, phát triển công nghệ đóng tàu, luyện thép sánh ngang với Nhật Hàn trong vòng 10 năm, phát triển đường sắt cao tốc điện từ sánh ngang với Nhật Bản đến năm 2010, những thung lũng Silicon mang tầm vóc quốc tế ở Láng Hòa Lạc…, bla bla.
Báo cáo kết quả những nghị định của các “lãnh đạo” đều có chung một câu “…nghị định A, B, C… đã tạo ra nền tảng cho sự phát triển vượt bậc của ngành, cải thiện đời sống xã hội cho người lao động… Tuy còn một vài thiếu sót, song cơ bản là đã có lợi ích tích cực, lâu dài… góp phần phát triển ngành lên một tầm cao mới.”
Vốn dĩ thì người viết chẳng có hứng thú phân tích những nghị quyết, nghị định, khẩu hiệu của đám quan chức CSVN làm gì. Vì đơn giản là đống giấy lộn đó liên tục được bộ máy quan liêu khổng lồ sản xuất ra mỗi ngày đếm không xuể. Giá trị thực sự của nó với đời sống người dân nếu không mang đem lại sự phá hoại to lớn, thì cũng tiêu tốn không ít tiền của ngân sách vào những thứ vô dụng và là cơ hội chia chác lợi quyền của những băng đảng mà thôi.
Tuy vậy, vì liên quan đến vấn đề nông nghiệp, vốn là trụ cột quan trọng cuối cùng cho sự ổn định của quốc gia. Sự hưng thịnh hay tụt hậu, yếu kém ở mảng nông nghiệp đều có thể đem lại rủi ro lớn cho xã hội mà như cha ông ta đã nói “phi nông bất ổn.” Miếng ăn vẫn là thứ quan trọng nhất, đảm bảo sự ổn định xã hội. Nhất là trong bối cảnh kinh tế thiểu phát nhưng giá cả mọi hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm lại tăng phi mã. Nỗi lo về thiếu đói không phải chỉ là lời hù dọa, mà nó là nguy cơ hiển nhiên, to lớn, khốc liệt nhất trong thời gian tới đây ở Việt Nam.
Tưởng rằng, Việt Nam là một cường quốc nông nghiệp, dẫn đầu về sản lượng nhiều mặt hàng chủ lực như lúa gạo, café, hồ tiêu, hạt điều, thủy hải sản… với kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỷ Mỹ Kim. Nhưng đằng sau bức tranh mầu hồng đó, thực tế lại là câu chuyện cay đắng. Hơn 90% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học, giống cây trồng, máy móc sản xuất nông nghiệp đều phụ thuộc vào nhập khẩu. Tức là, nông nghiệp Việt Nam cũng giống như may mặc và da giày, điện tử… chỉ làm phần gia công giá rẻ nhưng rủi ro thì vô cùng lớn.
Đầu ra của nông nghiệp Việt Nam thì bị chính những tổng công ty lương thực nhà nước và thương lái Trung Quốc thao túng, ép giá thu mua rẻ mạt. Người nông dân Việt Nam còng lưng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên mảnh đất của mình nhưng không thể sống bằng thặng dư từ đất, bằng cây trái rau màu mà mình trồng trọt chăm bón… Đó là một thảm cảnh của hàng triệu nông dân Việt.
Cái điệp khúc “được mùa mất giá” diễn đi diễn lại mấy chục năm và câu cửa miệng của Nông Đức Mạnh thời còn là tổng bí thư “Nuôi con gì, trồng con gì cho nó có hiệu quả?” vẫn không sao có lời giải! Sau thời điểm “tháo gông cùm” cho người nông dân bằng Khoán 10 –kỳ thực là một việc làm sửa sai khắc phục chính sách hợp tác xã ngu dốt trước đó, bằng sự cần cù của người nông dân Việt, với những điều kiện tự nhiên thuận lợi cho một nền sản xuất nông nghiệp, Việt Nam nhanh chóng đứng trong thứ hàng top đầu các nước xuất khẩu lương thực trên thế giới.
Nhưng ngay sau đó, thay vì đầu tư vào chiều sâu vào công nghệ, khoa học ứng dụng vào nông nghiệp và xây dựng các thương hiệu nông nghiệp quốc gia một cách chọn lọc, giới chức cộng sản lại say mê những con số thống kê “hàng đầu thế giới” như sản lượng xuất khẩu lúa gạo, café, cao su bằng cách gia tăng diện tích trồng, ép buộc nhân dân phải duy trì độc canh cây lúa, café, cao su… bất chấp các điều kiện tự nhiên không phù hợp.
Đồng bằng sông Cửu Long một thời gian dài phải thực hiện chính sách 1 năm gieo trồng tới 3 vụ lúa. Còn ở Tây Nguyên, việc mở rộng các cánh rừng cao su, keo, sắn, café… thay thế các cánh rừng nguyên sinh là một trong những chính sách phá hoại môi trường thảm khốc nhất, cùng với hàng ngàn thủy điện nhỏ đã tận diệt rừng ở Tây Nguyên. Chỉ 30 năm, diện tích rừng tự nhiên đã chỉ còn lại 2/10 so với 30 năm trước đây. Tài nguyên Rừng, Đất và Nước không chỉ ở Tây Nguyên mà ở tất cả mọi miền đất nước đều suy giảm nghiêm trọng. Đó là một ví dụ tiêu biểu về tính “hiệu quả” của hàng trăm các nghị định, nghị quyết, chính sách tham lam và ngu dốt của CSVN trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hai chính sách “Nông thôn mới” và “Tam Nông” của CSVN thực ra là sản phẩm nhái học tập theo mô hình Trung Quốc sau khi giới chức Hà Nội đi tham quan học tập bên xứ Tàu. Tuy vậy, thay vì học những cái hay, những ưu điểm của người thì CSVN chỉ học được cái “vỏ.” Đầu tư công ồ ạt vào hệ thống giao thông nông thôn, tưới tiêu, điện đường, trường, trạm và các chợ đầu mối… trong vòng khoảng hơn 10 năm qua tuy cũng cải thiện cảnh quan nông thôn theo những tiêu chí về “nông thôn mới.” Tuy vậy, khoảng cách giữa nguồn lực đầu tư công quĩ tức đã bỏ ra và hiệu quả đem lại thì không như mong đợi.
Những yếu tố quyết định trong việc phát triển nông thôn như ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực giống cây trồng, trồng trọt, thu hoạch, chế biến. Đặc biệt là tiêu thụ và xây dựng thương hiệu… các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam còn thua kém xa so với nước trong khu vực như Thailand, Malaysia, Philippines cũng như Trung Quốc.
Đơn giản là việc đầu tư công vào xây dựng đường xá nông thôn, cầu cống, trường, chợ… là những hạng mục dễ làm, dễ chia chác. Còn ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp để từ đó gia tăng các giá trị thặng dư từ sản phẩm nông nghiệp, phát triển bền vững cho vùng nông thôn thì CSVN không có khả năng.
Ngoài một vài giống lúa cao sản cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, cơ cấu nông nghiệp Việt Nam khá lạc lậu. Đặc biệt là giống cây trồng, sản xuất phân bón, chế biến sau thu hoạch của Việt Nam đều yếu kém. Mặc dù là nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu về sản lượng, nhưng giá trị hàng nông sản Việt Nam thua kém ngay cả so với nước láng giềng như Cambodia. Lợi nhuận thực sự của người nông dân thu được không bù đắp được những nguồn lực sản xuất đã phải bỏ ra.
Người nông dân phần lớn đều phải sống trong nợ nần chồng chất khi phải nợ ngân hàng, nợ các đại lý vật tư nông nghiệp… thường xuyên phải bán rẻ, bán non sản phẩm nông nghiệp để chi tiêu và trả nợ. Trong khi giá cả vật tư đầu vào luôn tăng nhanh hơn so với giá bán sản phẩm nông nghiệp.
Theo một điều tra gần đây của Bộ Khoa Học và Công Nghệ, hai nhà nghiên cứu là Đặng Kim Khôi và Trần Kim Thắng cho biết. Mặc dù bộ mặt nông thôn đã thay đổi nhiều, thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân dù đã cải thiện nhưng vẫn còn thấp, tăng thu nhập giai đoạn 2002-2016 của hộ nông dân đạt 5,75%/năm, nghĩa là thu nhập của nông thôn tăng theo thời gian nhưng với tốc độ chậm, trong khi chi tiêu cũng tăng, nên khả năng tích lũy thực tế của hộ nông thôn rất thấp, năm cao nhất chỉ đạt trên 22 triệu đồng, chưa bằng 50% hộ thành thị.
Tỷ lệ đói nghèo ở nông thôn cao gấp 3,7 lần thanh thị, 40% hộ nông thôn không có tích lũy, 84% lao động nông nghiệp không có tiền để dành (Khôi & Thắng, 2019); trong đó, hộ thuần nông cho thu nhập thấp nhất, những hộ thuần làm nông lâm thủy sản có thu nhập/tháng/người bằng 29% thu nhập/tháng/người nông thôn, chỉ nhỉnh hơn nhóm người không làm việc gì! Tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhanh, nhưng thiếu bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao.
Không dễ nhận thấy tình trạng bỏ ruộng, bỏ nông nghiệp diễn ra khắp mọi tỉnh thành chủ lực trong sản xuất lương thực. Nông thôn Việt Nam thay đổi diện mạo không phải bằng tiền người nông dân kiếm được từ đồng ruộng mà những căn nhà khang trang phần lớn đều xây dựng từ những nguồn tiền từ con cái đi “xuất khẩu lao động” hoặc thoát ly ra thành phố buôn bán, tiền đền bù giải phóng mặt bằng để giành đất phát triển khu công nghiệp, hoặc bằng tiền vay ngân hàng sau một vài vụ “trúng mánh.”
Một số mô hình tiêu biểu về “nông thôn mới” như làng tỷ phú Nâm N’giang ở Đăk Nông được rất nhiều báo chí, truyền thông CSVN ca ngợi như hình mẫu về “nông thôn mới” và thành công trong chính sách “Tam nông.” Nhưng thực trạng thê thảm đang diễn ra ở không chỉ Nâm N’giang mà ở hầu hết các làng quê từ đồng bằng sông Hồng tới đồng bằng sông Cửu Long đều tương tự. Sau những “đỉnh cao” hoang tưởng là những vực sâu nợ nần vùi lấp người nông dân Việt.
Những chính sách Nông thôn mới hay Tam nông của giới chức CSVN chỉ là những cái bánh vẽ, những phong trào ồn ào, đầu tư bề nổi, đằng sau đó là những dự án hạ tầng để chia chác cho các nhóm lợi ích và chính quyền địa phương. Cũng giống như tất cả những nghị định, nghị quyết khác, chúng cũng chỉ là mớ giấy lộn, với những mục tiêu chỉ đẹp trên giấy mà thôi.
Tân Phong