Nằm trong tủ lạnh một tuần, chờ Bộ Ngoại Giao “chủ động, tích cực làm việc”, “theo sát” …

- Quảng Cáo -

Anh Quân (VNTB)

Từ lúc nhân viên Sứ Quán đến thăm đến giờ tình cảnh của công nhân vẫn không thay đổi gì

Là người theo dõi tình cảnh của những công nhân Việt Nam ở Serbia, khi đọc những lời phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao trả lời phỏng vấn tôi có cảm giác đang nghe những lời nói của một kẻ không thành thật và nhẫn tâm.

Không thành thật

- Quảng Cáo -

Bà Hằng nói nhân viên Sứ Quán đã “kiểm tra điều kiện sinh hoạt ăn ở” nhưng không thấy nói đến nỗi thống khổ của những người công nhân này(1). Sao không nói họ phải sống trong điều kiện không có máy sưởi, máy nước nóng giữa mùa đông, mà tuần này, có những đêm nhiệt độ xuống tới âm 5 độ C(2). Sao bữa cơm của họ như thế nào? Sao không nói hơn 400 công nhân chỉ có bốn nhà vệ sinh bị nghẹt?

Bà cũng nói: “Các lao động đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của đại sứ quán trong việc giải quyết các khó khăn vướng mắc của người lao động.” Xin thưa rằng thay đổi duy nhất, chuyển chỗ ở từ công-ten-nơ sang nhà gạch, xảy ra vào ngày 18 tháng 11(3), sau khi báo chí Serbia lên tiếng, và trước khi nhân viên Sứ Quán Việt Nam đến thăm, ngày 21. Từ đó đến nay, không những không có thay đổi nào tích cực khác, mà công nhân còn bị ép ký giấy tự nguyện làm việc. Mọi nỗ lực gọi cho đường dây nóng của Sứ Quán Việt Nam tại Rumani ngày hôm qua cũng đã không thành công(4).

Bà nói “Các lao động đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của đại sứ quán trong việc giải quyết các khó khăn vướng mắc của người lao động.” Hỗ trợ gì? Từ lúc nhân viên Sứ Quán đến thăm đến giờ tình cảnh của công nhân vẫn không thay đổi gì. Gọi đường dây nóng của Sứ Quán thì không ai bốc máy.

Khi chúng tôi chuyển cho một số công nhân là nạn nhân trong vụ này bài báo của Báo Tuổi Trẻ. Họ nói những điều bài báo này nói là “bịa đặt.”

Nhẫn tâm

Bà nói đã “đề nghị người lao động thực hiện các thỏa thuận trong hợp đồng và tuân thủ nghiêm túc pháp luật sở tại.” Có phải ý bà muốn nói họ đang vi phạm thỏa thuận hợp đồng, vi phạm pháp luật của Serbia?

Hơn nữa, đối tượng cần được nhắc nhở và đề nghị tuân thủ ở đây là công ty Trung Quốc thuê lao động Việt Nam, những người đã để cho công nhân sống trong điều kiện giá rét, không có nước nóng, không đủ nhà vệ sinh, chứ không phải những người công nhân. Người dân Việt Nam trả lương cho các nhân viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam chứ không phải công ty Trung Quốc Linglong Duo.

Điều này gợi nhớ đến hiện tượng ngư dân bị “tàu lạ” đâm chìm.

Tình cảnh của công nhân ở Serbia cần được thay đổi ngay lập tức. Tuy vậy, Bộ Ngoại Giao không cho thấy được họ đã giúp thay đổi gì tại hiện trường. Chỉ thấy những tuyên bố “cử cán bộ”, “chủ động làm việc”, “tích cực làm việc”, “theo sát.”

Để cho những “người con thân yêu” của mình ở trong tủ lạnh hơn một tuần từ lúc đến thăm, có phải nhẫn tâm không? Có lẽ Bộ Ngoại Giao nên cử nhân viên Sứ Quán Rumani đến ở cùng công nhân vài ngày cho biết.

_______________

Tài liệu tham khảo

https://tuoitre.vn/bo-ngoai-giao-tra-loi-ve-tinh-hinh-lao…

https://www.wunderground.com/forecast/rs/zrenjanin

https://www.facebook.com/groups/216510236908246

https://vietnamthoibao.org/vntb-khong-lien-lac-duoc…/…

- Quảng Cáo -