Một trong những sự kiện được nhiều người ở cả trong lẫn ngoài nước Mỹ chú ý, bàn luận rôm rả hồi cuối tuần vừa qua là ông Joe Biden có đủ sức khỏe để tiếp tục đảm nhiệm vai trò Tổng thống của Mỹ hay không?
Do ngày 18 tháng 11, ông Biden – 78 tuổi – cần nội soi đại tràng, một thủ thuật phải gây mê nên ông đã báo cáo với Quốc hội cũng như dân chúng: Trong lúc ông hôn mê và chờ hồi phục, bà Kamala Harris sẽ thay ông đảm nhiệm vai trò Tổng thống Mỹ…
Trên thực tế, bà Harris đã đảm nhận vai trò Tổng thống của Mỹ chỉ trong 1 giờ 25 phút nhưng động tác tạm thời chuyển giao quyền lực Tổng thống Mỹ cho bà Harris đã khiến bà trở thành phụ nữ đầu tiên nắm giữ trọng trách Tổng thống Mỹ (1).
Đây không phải lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ báo cáo với Quốc hội cũng như dân chúng việc ông ta phải tạm thời chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống vì mất năng lực nhận thức và năng lực hành vi trong một khoảng thời gian nhất định.
Ví dụ Tổng thống George W. Bush đã từng làm như thế hai lần trong các năm 2002 và 2007 – chuyển giao trọng trách Tổng thống cho ông Dick Cheney (khi ấy là Phó Tổng thống) – cũng vì cần bị gây mê để nhân viên y tế thực hiện thủ thuật nội soi.
Chuyện chưa ngừng ở đó, sau khi tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ, chính phủ Mỹ đã thông báo thực trạng sức khỏe của Tổng thống Mỹ: Trong ruột có polyp, đã cắt bỏ nhưng phải chờ kết quả sinh thiết để xác định đó là u lành hay ác tính. Thường hắng giọng vì có rối loạn tiêu hóa do chứng trào ngược dạ dày. Đi lại không tự nhiên vì viêm khớp cột sống và có vấn đề về thần kinh ngoại biên… Chính phủ Mỹ còn thông báo cả cân nặng, chỉ số huyết áp và những loại thuốc thường nhật mà ông Biden phải dùng (2)…
Giống như nhiều quốc gia khác, những thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe của một người là bí mật cá nhân mà tất cả các hệ thống tại Mỹ chứ không riêng hệ thống y tế vừa phải tôn trọng, vừa phải bảo vệ theo đúng qui định pháp luật về quyền riêng tư. Tuy nhiên Tổng thống Mỹ phải khước từ quyền giữ bí mật về sức khỏe của họ vì họ là nhân vật do dân chúng bầu ra. Dân chúng có quyền được biết cả thể chất lẫn tinh thần Tổng thống thế nào, có đủ khả năng phục vụ quốc gia, dân tộc hay không?
***
Tuần rồi, sự kiện ông Biden tạm thời chuyển giao quyền lực cho bà Harris do cần nội soi tại Tổng Y viện Walter Reed (tiểu bang Maryland) đã trở thành một trong những chủ đề được hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam khai thác tận tình. Chưa biết đó là do cố ý hay vô tình nhưng dù thế nào đi nữa thì những chi tiết có liên quan đến sự kiện vốn dĩ hết sức bình thường, thậm chí được xem như đương nhiên tại Mỹ lại là điều chưa từng bao giờ xảy ra ở Việt Nam!
Trước nay, dù luôn vỗ ngực tự nhận là… công bộc song những cá nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chưa bao giờ loan báo với dân chúng về tình trạng sức khỏe của họ thế nào, cả thể lực lẫn trí lực có đáp ứng được yêu cầu công việc và bảo đảm hiệu quả của công việc mà họ đảm trách hay không (?).
Thậm chí hồi trung tuần tháng 11 năm 2018, khi thông qua Luật Bí mật Nhà nước, Quốc hội khóa 14 của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn xác định – “thông tin về sức khỏe của lãnh đạo cao cấp” là “bí mật nhà nước” (3), bất kể đó là điều chưa từng có trong lịch sử lập pháp của các xã hội văn minh, thực sự “của dân, do dân, vì dân”!
Thiên hạ từng thắc mắc: Nếu đem đối chiếu “thông tin về sức khỏe của lãnh đạo cao cấp” là “bí mật nhà nước”, với những qui định khác liên quan tới định nghĩa về “bí mật nhà nước”, phương thức bảo vệ “bí mật nhà nước” trong bộ luật vừa đề cập (4) thì làm sao có thể tránh được… “lộ, mất” khi “lãnh đạo cao cấp” của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam thường xuyên được đưa đi khám bệnh, chữa bệnh ở rất nhiều nơi trên thế giới (?) nhưng không có viên chức hay cơ quan hữu trách nào trả lời!
Không phải tự nhiên mà thiên hạ cho rằng, việc biến “thông tin về sức khỏe của lãnh đạo cao cấp” là “bí mật nhà nước” hoàn toàn không phải do sợ “lộ, mất”. Nếu “thông tin về sức khỏe của lãnh đạo cao cấp” thực sự quan trọng đối với “lợi ích quốc gia, dân tộc và các lĩnh vực khác”, không thể để “lộ, mất”, chắc chắn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không xác định đưa “lãnh đạo cao cấp” đi khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài là một trong những giải pháp bảo vệ, chăm sóc cho sức khỏe của những đối tượng này (5).
Khoảng 16 tháng trước khi thông qua Luật Bí mật Nhà nước (8/2017), khi trình Dự Luật Bí mật nhà nước” cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, Ban soạn thảo dự luật này không xác định “thông tin về sức khỏe của lãnh đạo cao cấp” là “bí mật nhà nước” (6). “Thông tin về sức khỏe của lãnh đạo cao cấp” chỉ trở thành “bí mật nhà nước”, sau khi công chúng bàn luận rôm rả về tình trạng sức khỏe của ông Trần Đại Quang và rõ ràng gây nhiều tác hại nghiêm trọng cho vị thế Chủ tịch Nhà nước của ông Quang.
Biến “thông tin về sức khỏe của lãnh đạo cao cấp” thành “bí mật nhà nước” chủ yếu chỉ nhằm răn đe, ngăn chặn dân chúng tại Việt Nam chia sẻ thông tin, tham gia bình luận về những vấn đề có liên quan đến sức khỏe của một cán bộ cao cấp nào đó, nó chặn cả việc so sánh, tại sao cùng là công dân nhưng chỉ “công bộc” mới được biệt đãi, còn công dân bị đối xử như gà, vịt, heo, bò. Làm “lộ bí mật nhà nước” là tội hình sự, có thể bị phạt đến 15 năm tù.
***
Giống như những người tiền nhiệm, những thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe của ông Biden đã cũng như đang là đề tài cho vô số bình luận hoặc hết sức thiện ý hoặc đầy ác ý. Dù muốn hay không, ông Biden phải chấp nhận thực trạng đó vì ông là Tổng thống của một quốc gia mà tất cả công dân có thể hành xử đúng với hiến định. Cứ nhìn vào sự kiện vừa đề cập rồi đối chiếu với những gì đã biết và đang thấy tại Việt Nam ắt sẽ nhận thấy bản chất dân chủ XHCN ra sao và thế nào là… thần dân!
Chú thích
(4) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-Bao-ve-bi-mat-nha-nuoc-2017-337064.aspx