Trọc phú không phải là nhà giàu mới nổi như nhiều người lầm tưởng
Giàu có mà lòng dạ bẩn thỉu – một định nghĩa khác trong Từ điển Hán Việt của Nguyễn Quốc Hùng.
Bạn có bao giờ thắc mắc những định nghĩa này từ đâu ra?
“Phú” là giàu có, còn “trọc” cớ sao lại là “dốt nát, bần tiện”?
Từ điển giải thích “trọc” là (đầu) không có tóc hoặc (rừng) không có cây. Nếu bảo những ai “đầu không có tóc” là thiếu não hoặc sống bẩn thì quả thật là cách diễn giải khiên cưỡng.
Hàm ý chỉ trích những người giàu có không đến từ nghĩa này. Nó xuất phát từ một nghĩa khác của chữ “trọc”.
“Trọc phú” trong tiếng Hoa là “濁富” (phiên âm zhuó fù). Chữ “trọc” (濁) được ghép từ bộ thủy (水) và thục (蜀).
Hình dáng ban đầu của chữ thục là , mô tả một con sâu với hai mắt ở trên và thân người uốn cong bên dưới. Về sau nó được thêm vào chữ “trùng” (虫), càng nhấn mạnh ý sâu bọ.
Kết hợp lại, chữ “trọc” (濁), hay còn được đọc là “trạc”, chỉ những con sâu sinh ra và lớn lên trong các đầm lầy. Từ đó, nó được dùng để chỉ những thứ dơ bẩn, không trong sạch.
***
Trong tiếng Hoa, “trọc phú” có thể được định nghĩa bằng bốn chữ “bất nghĩa nhi phú” (不義而富) – giàu có từ những thủ đoạn xấu xa.
Theo đó, những kẻ giàu có từ những việc làm bất chính, phi nghĩa thì không thể sống trong sạch và luôn có lòng dạ bẩn thỉu.
Hiểu theo cách ấy, chỉ những ai làm giàu một cách bất nghĩa mới bị gọi là “trọc phú”.
Đó là quan hệ nhân quả giữa nguồn gốc của “phú” và lý do cho cái mũ “trọc”.
Nhưng ngày nay, từ này đã bị hiểu một cách méo mó thành “bọn nhà giàu mới nổi học làm sang”.
Đó là lý do nhiều người xem “trọc phú” đồng nghĩa với “nouveau riche” của tiếng Pháp hay “new rich” trong tiếng Anh – đều là những thuật ngữ có tính miệt thị chỉ những người mới có tiền.
Cách hiểu này vừa làm mất đi tính phê phán nguồn gốc (làm giàu bất chính) của “trọc phú”, vừa nhập nhằng với nguồn gốc xung đột giai cấp của “nouveau riche”.
Thuật ngữ “nouveau riche” hay “nhà giàu mới” được ghi nhận lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 18 ở châu Âu. [1] Đối tượng mà nó nhắm tới thời đó là một giai cấp mà chúng ta rất quen thuộc: tư sản (bourgeois).
“Bourgeois” ban đầu là từ để chỉ những người sống trong các thị trấn, thành phố (“bourg” nghĩa là thị trấn). [2] Theo thời gian, những người sống trong những khu vực này giàu lên thông qua các hoạt động sản xuất và thương mại. Họ hình thành nên tầng lớp trung lưu của xã hội.
Từ chỗ ban đầu chỉ có hai giai cấp nông dân (peasants) và quý tộc (nobles), giờ đây xuất hiện một tầng lớp mới, những người trung lưu (middle class).
Cách mạng công nghiệp bùng nổ, tầng lớp trung lưu – tư sản này càng ngày càng có tiền, và càng tiệm cận với giai cấp quý tộc ở trên.
Đây là lúc mà những nhà giàu mới này bị giới quý tộc – những nhà giàu cũ – gọi là “nouveau riche” với hàm ý khinh thường. [3]
Sự khinh thường nằm ở chữ “nouveau” (nghĩa là “mới”) – rằng những kẻ này chỉ mới giàu lên thôi chứ không phải được hưởng sự giàu sang từ đời này sang đời khác như chúng ta. Nói cách khác, nhà giàu mới không có được “cốt cách và dòng dõi quý tộc”.
Khái niệm “nouveau riche” không phải là sáng tạo mới. Những người Hy Lạp cổ từ hàng ngàn năm trước đã có thuật ngữ tương tự là “neo-ploutos”.
Trong lịch sử, bất kỳ khi nào có một nhóm người vừa giàu lên, mon men nhảy lên bậc thang cấp cao hơn của xã hội, chiếc mũ “nhà giàu mới nổi” đều có thể được dùng để chụp lên họ.
Tuy được biện minh bằng ví dụ về những cách hành xử bị cho là thiếu văn hóa, vô học thức, kém văn minh của “nhà giàu mới”, khái niệm này hoàn toàn không quan tâm đến nguồn gốc bất nghĩa hay chính đáng của tài sản mới gom góp được.
Ý nghĩa phê phán và chức năng của “nouveau riche” hay “nhà giàu mới nổi” rõ ràng khác rất xa với “trọc phú” về nguồn gốc của cái giàu.
Một cái là công cụ bảo tồn đặc quyền giai cấp thống trị, còn một là công cụ phản kháng của người dân đối với những kẻ làm giàu bất chính.
***
Cách hiểu nhập nhằng “trọc phú” và “nhà giàu mới nổi” khiến chúng ta quên đi một nhóm đối tượng quan trọng mà người xưa nghĩ tới khi tạo ra từ này.
Vào thời đó, có nhóm người nào làm giàu bất nghĩa qua mặt được các “tham quan”?
Trong một bài viết trước kia trên Luật Khoa, từ “tham quan” (貪官) đã từng được mổ xẻ phân tích. [4]
Theo đó, chữ “tham” (貪) được ghép từ chữ “kim” (今) và chữ “bối” (貝). “Kim” trong trường hợp này là một bộ phận của chữ “hàm” (含), chỉ động tác mở miệng ra ngậm. “Bối” là hình ảnh vỏ sò, ý chỉ tiền bạc vật chất, xuất phát từ việc vỏ sò vốn được dùng làm tiền vào thời xưa. Ghép lại, “tham” là hình ảnh của dục vọng vật chất, há mỏ ngậm tiền cho đầy bụng.
Còn “quan” (官) được ghép từ bộ “miên” (宀), ý bao trùm cai quản, và “đôi” (), nghĩa là tập hợp, chỉ việc quản lý những thứ trong một phạm vi nào đó. Tuy nhiên, dân gian từ lâu đã tự nghĩ ra một kiến giải khác, rằng “chữ quan có hai cái miệng/ khẩu 口”, ý chỉ những kẻ làm quan miệng luôn leo lẻo dối trá, đổi thắng thay đen.
Có nhiều miệng ăn như vậy, “tham quan” đích thị là một tập hợp đáng kể trong số những kẻ được gọi là “trọc phú”.
***
Người xưa nghĩ ra từ “trọc phú” không phải chỉ để phê phán những ai giàu có. Đó còn là một hình thức phản kháng chống lại những kẻ lợi dụng địa vị, quyền lực để làm giàu bằng những thủ đoạn bất nhân, bất nghĩa.
Người dân có thể không đủ quyền lực để đối chọi trực tiếp với chúng, nhưng thông qua ngôn ngữ – công cụ mà bất kỳ ai cũng có thể sử dụng – họ luôn sẵn sàng thể hiện thái độ đối nghịch của mình.
Dùng hình ảnh sâu bọ trong đầm lầy để chỉ những kẻ như vậy vì thế giống như một “lời nguyền”: cho dù có đục khoét cướp bóc được bao nhiêu tiền của thì mãi mãi vẫn không thể làm những người đàng hoàng và trong sạch./.