Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)
Quốc hội khóa XV đang họp, trong phần chất vấn các bộ trưởng, lại dấy lên vấn đề người Trung Quốc thâu tóm đất đai, khi ĐB Vũ Trọng Kim nêu con số “có 162.000 ha đất do người Trung Quốc núp bóng mua, trong đó có 63.000 ha là đất biên giới, ven biển”, đang là vấn đề “đặc biệt” được “báo chí cũng như người dân, cử tri thắc mắc”.
Dân quá rõ, nhưng quan “chưa … rõ”
Đây không phải là vấn đề mới, lần đầu tiên được lên tiếng báo động, với số liệu cụ thể rất đáng lo ngại.
Cách đây 1 năm rưỡi, trong báo cáo trả lời chất vấn cử tri gửi tới Quốc hội, Bộ Quốc phòng đã nêu các số liệu như trên (nhưng riêng đất biên giới, ven biển khác nhiều: 6.300 ha).
Thêm nữa, trong báo cáo còn nêu rõ những chiêu thức “lách luật” để thâu tóm đất, bao gồm “thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam” rồi tiến tới thôn tính và để người Việt (chủ yếu gốc Hoa) đứng tên.
Qua báo chí, một số cấp lãnh đạo ở các bộ, giới luật gia đã có ý kiến về vài giải pháp hạn chế tình trạng này, liên quan Luật đầu tư, Luật đất đai và Luật doanh nghiệp, nhưng còn chung chung, không rõ.
Trong phiên thảo luận trước Quốc hội, có đại biểu đã nhấn mạnh vấn đề này và phân tích kỹ mối nguy hiểm.
Năm 2015, vấn đề đã được báo động tại Đà Nẵng, với “71 cá nhân Việt Nam mua hộ 138 lô đất cho người Trung Quốc”.
Vậy mà chỉ trước đó một năm, năm 2014, ông Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng còn khẳng định “thông tin doanh nghiệp hay cá nhân người Trung Quốc ‘đội lốt’ mua đất ở Đà Nẵng là hoàn toàn không chính xác”.
Còn năm 2018, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà lại cũng phủ nhận tình trạng trên.
Và giờ đây, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng không “kém”, khi ông cho biết “chưa có điều kiện để nắm rõ”, hứa “sẽ nghiên cứu tham mưu cho chính phủ” và “xin khất” để trả lời, dù biết “đây là vấn đề rất lớn”.
Ý thức nó “rất lớn” như vậy và liên quan tới kinh tế, thế mà các bộ ngành trong lĩnh vực này cứ như mù mờ, ấp úng bao năm nay, phải để cho quân đội ra tay tập hợp, báo cáo, báo động. Cũng chẳng thấy ai bị kiểm điểm, kỷ luật khi để tình trạng nguy hiểm đó kéo dài mà không có giải pháp. Công luận có quyền nghi ngờ cái gì đằng sau hiện tượng này.
Không khó để ngăn chặn
Tham khảo ý kiến một luật sư nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính, ông cho biết không khó để ngăn chặn tình trạng người nước ngoài nói chung núp bóng thâu tóm đất đai.
Tham khảo luật các nước, như của Pháp quy định cụ thể cấm tình trạng đứng tên hộ tài sản; hay như Luật chứng khoán VN 2019, Điều 12, Khoản 6 có nghiêm cấm “cho mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác …”, để thấy với bất động sản cũng làm được, nếu sửa đổi Luật đất đai, Luật đầu tư, … Hoặc cũng có thể ra hai luật, Luật đánh thuế bất động sản và Luật (chống) đứng tên hộ tài sản.
Khi sửa luật, người được nhờ đứng tên hộ sẽ phải đối mặt với khả năng bị phạt tiền nặng hoặc phạt tù, người nhờ đứng tên hộ cũng dễ bị lộ hoặc bị “lật kèo” hơn.
Thực hiện được việc đó, là nhất cử tam tứ tiện, vừa ngăn chặn bớt nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia từ nước ngoài, lại hạn chế tình trạng quan chức tham nhũng, vừa chống rửa tiền, lại giúp làm lành mạnh môi trường kinh doanh, tăng thu cho ngân sách quốc gia.
Nhưng vẫn … cực khó
Nó khó, ít nhất bởi vì …
Đúng như ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng từng cảnh báo trước Quốc hội, “đặc biệt không được biến QH thành căn phòng kín để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và chia chác quyền lực, chia chác nguồn lực của đất nước”.
Cũng theo vị luật sư nói trên, nếu sửa một số luật để ngăn chặn tình trạng đứng hộ tên, “lách luật” trong sở hữu tài sản chắc chắn sẽ đụng mạnh đến quyền lợi vô cùng lớn của các quan chức tham nhũng.
Trong khi đó, việc khởi thảo các dự luật vẫn trong tay các bộ ngành, họ cũng chiếm thành phần kha khá trong quốc hội, không khó để hiểu việc để có được, rồi thông qua những điều khoản luật hợp lòng dân như vậy sẽ gian nan đến thế nào.
Lo giặc nội xâm câu kết giặc ngoại xâm./.