32 Năm (1989-2021) Bức Tường Bá Linh Sụp Đổ

- Quảng Cáo -

Ban Biên Tập Web Việt Tân

Tối ngày 9 tháng Mười Một, 1989, hàng chục ngàn người dân Đông Bá Linh đã tràn ngập các cửa khẩu ở Berlin vì có tin cho rằng chính quyền Đông Đức đã chấp nhận cho người dân bên Đông có thể qua lại Tây Bá Linh – phần lãnh thổ của Tây Đức vào lúc đó – mà không cần phải xin phép. Chính biến động này đã khiến cho  nhà cầm quyền Đông Đức lẫn Liên Xô rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” và đó là dấu ấn lịch sử, khởi đầu một chuỗi sụp đổ của khối Cộng Sản tại Đông Âu và Liên Xô từ năm 1989 kéo dài đến cuối năm 1990. 

Nhân kỷ niệm 32 năm ngày sụp đổ Bức Tường Bá Linh (1989-2021), mời quý vị đọc lại quá trình tan rã các chế độ Cộng Sản tại Đông Âu cách nay hơn 3 thập niên của tác giả Lý Thái Hùng. Bài viết này trích từ tập sách “Đông Âu và Việt Nam – 30 Năm Nhìn Lại” phát hành vào tháng Mười Một, 2019.

Quá Trình Tan Rã Của Các Đảng Cộng Sản Tại Đông Âu

- Quảng Cáo -

Lý Thái Hùng

Sự sụp đổ của các chế độ cộng sản tại Đông Âu đã xảy ra trong một thời gian kỷ lục, một phần là do Liên Xô tung ra chính sách tự cứu vào năm 1985, sau khi Gorbachev lên làm tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô. Nói cách khác, Liên Xô đã đánh mất quyết tâm duy trì đế quốc của mình. Dĩ nhiên, những lãnh tụ ở Điện Kremlin cũng có thể để sự suy tàn diễn ra từ từ, trải qua nhiều thập niên như đế quốc Ottoman xưa kia.

Khi mẫu mực cộng sản của mình bị phá sản, đến nỗi mất luôn khả năng bành trướng và phải quay sang cầu cạnh Tây phương để tìm cách cứu nguy kinh tế, Liên Xô không thể nào tiếp tục chi viện cả quân sự lẫn kinh tế và ép buộc các nước Đông Âu trôi theo đà phá sản đó nữa. Thêm vào đó, vì không thể duy trì liên minh quân sự để trấn áp thế giới tự do, và vì không thể tiếp tục bao cấp cho các nước chư hầu trước tình trạng đói loạn ngay tại mẫu quốc, Liên Xô đã buông tay thả lỏng cho các nước chư hầu với chính sách “mạnh ai nấy lo” để mỗi chế độ phải xoay trở tự cứu lấy mình trong cơn khủng hoảng chung của thế giới cộng sản.

Chính sách tự cứu này đã khiến Liên Xô không còn khả năng chi phối các nước Đông Âu khi những chế độ tại đây cũng bất lực trước những đòi hỏi chính đáng của người dân về việc cải thiện cuộc sống và thay đổi chính trị ở nước họ. Kết quả là những cuộc biểu tình rầm rộ của quần chúng đã đưa đến sự sụp đổ của hàng loạt các nước cộng sản tại Đông Âu, biến thành mũi dao đâm ngược vào chế độ Liên Xô sau đó.

Thực ra, sự thay đổi nhanh chóng ở Đông Âu tự bản chất là một sự kết hợp của “phong trào quần chúng nổi dậy” với những xoay chuyển chính trị bất khả kháng của từng chế độ. Ngoài ra, khi Liên Xô thú nhận là từ nay các nước chư hầu muốn tự cứu ra sao cũng được thì các đảng cộng sản Đông Âu vừa mất điểm tựa “định hướng chủ nghĩa” vừa mất luôn điểm tựa quần chúng. Cuối cùng mỗi đảng cộng sản giải quyết theo cách riêng, căn cứ trên những điều kiện thực tế của từng nước và căn cứ trên mối tương quan địa lý và lịch sử của mình với Liên Xô.

Những thay đổi này không có tính chất dứt khoát quyết liệt, vì là kết quả của một tiến trình thoái lui từng bước của chính quyền cộng sản, và tiến trình tiến chiếm từng bước của phía quần chúng, trước sự làm ngơ của Điện Kremlin. Do đó, sự thoái lui và tan rã của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu đã diễn ra mỗi nơi một khác. Tuy nhiên, trên tổng thể, biến cố Đông Âu đã xảy ra vào hai thời kỳ, trong năm 1989 như sau.

Thời kỳ thứ nhất có thể tính từ tháng 2 đến tháng 6 năm 1989

Trước tiên ở Ba Lan, Công Đoàn Đoàn Kết được công nhận là tổ chức hợp pháp, tham dự Hội Nghị Bàn Tròn với chính quyền Cộng Sản tổ chức từ tháng 2 đến tháng 4/1989, để bàn về những cải cách kinh tế và chính trị. Căn cứ trên những đồng ý chung của Hội Nghị, đảng Cộng Sản Ba Lan đã tổ chức bầu cử tự do, và Công Đoàn Đoàn Kết đã thắng lợi một cách vẻ vang. Mặc dù tổng thống là người của đảng Cộng Sản, nhưng thủ tướng là người của Công Đoàn Đoàn Kết, chính quyền liên hiệp ra đời, trong đó phe cộng sản chỉ chiếm một số ghế tượng trưng.

Cuộc biểu tình của Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan – Mùa Hè 1988

Tại Hung Gia Lợi, lực lượng cải cách trong đảng cầm quyền càng lúc càng lớn mạnh, đòi hỏi phải tái thẩm định cuộc chính biến năm 1956. Tháng 2/1989, đảng cầm quyền thừa nhận chế độ chính trị đa đảng, tháng 6/1989 tổ chức Hội Nghị Hiệp Thương giống như hình thức hội nghị bàn tròn của Ba Lan. Cũng trong tháng 6/1989, đảng Cộng Sản Hung phế bỏ mô hình tổ chức đảng của Stalin.

Trong thời gian này tại Trung Quốc, hàng ngàn sinh viên và trí thức đã lấy cớ tưởng niệm cựu Tổng Bí Thư Hồ Diệu Bang (người được mô tả là có tinh thần xây dựng dân chủ nhưng bị thất sủng), tổ chức cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn vào ngày 16/4/1989. Sau đó, gần 100 ngàn người đã biểu tình chống tham nhũng và đòi dân chủ hóa tại Thiên An Môn kéo dài từ ngày 21 đến 23/4/1989.

Từ ngày 13/5/1989, hơn 3 ngàn sinh viên chiếm quảng trường Thiên An Môn, tuyệt thực và yêu cầu đảng và nhà nước Trung Quốc giải quyết vấn đề tham nhũng và chấp nhận dân chủ hóa. Chính quyền Trung Quốc vào lúc đó rất lúng túng. Thủ Tướng Lý Bằng (phe giáo điều) chủ trương không đối thoại, trong khi Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương (phe cải cách) đã đến thăm sinh viên tuyệt thực và hứa sẽ thay đổi chính sách theo đường hướng xây dựng dân chủ. Đến ngày 19/5/1989, có trên 1 triệu sinh viên, công nhân biểu tình và họ đã căng lều chiếm quảng trường Thiên An Môn, trong khi ở những thành phố khác như Thượng Hải, Vũ Hán… sinh viên, công nhân cũng đã tổ chức biểu tình đòi dân chủ hóa.

Trước tình thế đó, Thủ Tướng Lý Bằng ra lệnh thiết quân luật, nhưng khí thế đấu tranh mỗi lúc một lên cao. Cuối cùng, Đặng Tiểu Bình cùng Dương Thượng Côn đưa Lộ Quân 27 tiến vào chiếm đóng quảng trường Thiên An Môn, với lực lượng gần 300 ngàn quân và xe thiết giáp. Cuộc đàn áp bắt đầu từ 3 giờ chiều ngày 3/6/1989 với lựu đạn cay và dùi cui, đến nửa đêm thì bắt đầu nổ súng: Quân đội được chỉ thị bắn thẳng vào những người đang biểu tình, tuyệt thực. Cuộc tấn công, ruồng bắt và tàn sát kéo dài cho đến gần 5 giờ sáng ngày 4/6/1989, khiến cho gần 3 ngàn người thiệt mạng, nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc thông báo chỉ có 120 người.

Quảng Trường Thiên An Môn, Bắc Kinh 1989

Từ ngày 4/6/1989 đến ngày 1/8/1989, nhà cầm quyền Trung Quốc đã bắt giữ gần 120 ngàn người có liên hệ đến biến cố và có nhiều người vẫn còn bị giam giữ trong tù cho đến nay. Một số sinh viên lãnh đạo biến cố này đã bí mật trốn sang Hong Kong và tỵ nạn tại Hoa Kỳ, tiếp tục đấu tranh cho phong trào dân chủ hóa Trung Quốc. Ngày 23/6/1989, Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng Sản Trung Quốc đã cách chức Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương, đưa Giang Trạch Dân, lúc đó đang là Thị Trưởng Thượng Hải, lên thay thế. Cuộc cách mạng dân chủ tại Trung Quốc tuy bị đàn áp dã man, nhưng vẫn còn tiềm ẩn và chờ cơ hội bộc phát trở lại, với kết quả gián tiếp là tinh thần đấu tranh cho dân chủ lan mạnh sang Đông Âu.

Thời kỳ thứ hai tính từ tháng 10 đến tháng 12 năm 1989

Sau khi chấp nhận chế độ chính trị đa đảng, đảng Công Nhân Xã Hội Hung Gia Lợi đổi tên thành đảng Xã Hội, và thông qua Cương Lĩnh mới đề cao chủ nghĩa xã hội dân chủ. Quốc hội cải sửa hiến pháp, loại bỏ vai trò lãnh đạo của đảng Công Nhân Xã Hội Hung, sửa tên nước từ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa thành Cộng Hòa Hung Gia Lợi, đồng thời công bố một số luật lệ công nhận quyền sinh hoạt chính trị tự do cũng như luật bầu cử tự do.

Tại Đông Đức, từ tháng 9/1989 có làn sóng người dân bỏ nước chạy qua Hung Gia Lợi và Áo để xin tỵ nạn tại Tây Đức, làm cho tình hình chính trị nước này bắt đầu chuyển động. Tháng 10/1989, Honecker từ chức chủ tịch đảng Cộng Sản Đông Đức. Tháng 11/1989, bức tường Bá Linh sụp đổ. Cùng thời gian này, Tổng bí thư Todor Zhivkov của đảng Cộng sản Bulgaria và Tổng bí thư Milos Jakes của đảng Cộng sản Tiệp Khắc từ chức. Đương nhiên mỗi nước có một số hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm đặc biệt chung là thành phần trí thức đã đứng trên tuyến đầu, vận động quần chúng tham gia đấu tranh tạo áp lực lên thành phần lãnh đạo cộng sản.

Praha, Tiệp Khắc 1989

Đến tháng 12/1989, cuộc cách mạng ở Romania bùng nổ, đưa đến cái chết của vợ chồng nhà độc tài Ceausescu, chấm dứt một triều đại “gia đình độc tài toàn trị.” Trong khi đó, Liên Minh Những Người Cộng Sản Nam Tư tuyên bố chấp nhận chế độ đa đảng vào tháng 12/1989, giúp các Cộng hòa trong Liên bang Nam Tư nương theo đà này bắt đầu tìm cách thoát ra khỏi Liên bang, tiến tới độc lập.

Dân chúng Romania đã cùng với lực lượng tự vệ lật đổ nhà độc tài Ceausescu, tháng 12/1989

Tóm lại, năm 1989 là năm định mệnh của các chế độ Cộng sản tại Đông Âu, rơi vào chu kỳ sụp đổ hàng loạt trong một thời gian kỷ lục nằm ngoài dự tưởng của thế giới.

Những Yếu Tố Đưa Đến Sự Tan Rã Các Chế Độ Cộng sản Tại Đông Âu

Tuy các quốc gia Đông Âu nằm chung trong hệ thống cai trị độc tài và thoái hóa của đảng cộng sản, nhưng do hoàn cảnh của mỗi nước và do sự xoay chuyển của ban lãnh đạo mỗi đảng, khi Liên Xô tung ra chính sách tự cứu vào năm 1985, những chế độ Cộng sản tại đây đã tan rã theo những cách khác nhau.

Sự tan rã của đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan đến từ những áp lực đấu tranh mạnh mẽ của Công Đoàn Đoàn Kết, trong khi đảng Công Nhân Xã Hội Hung Gia Lợi, đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa Đức (Đông Đức) bị tan rã vì sự phân hóa trầm trọng của thượng tầng lãnh đạo, khiến cho đảng không còn đủ sức để chống trả lại các đòi hỏi từ những phong trào dân chủ của quần chúng và các nhóm đối lập. Còn tại các nước Bulgaria và Romania, những đảng đối lập đã khai thác khát vọng tự do của quần chúng để cô lập đảng cầm quyền. Trong khi chế độ Cộng sản tại Liên Bang Nam Tư bị sụp đổ vì các Cộng hòa quốc đứng lên đòi độc lập, dẫn đến các cuộc chiến sắc tộc đẫm máu.

Nhưng theo nhà báo Victor Sebestyen mô tả trong tập sách Revolution 1989 cho rằng truyền hình đã có một ảnh hưởng rất lớn trong giai đoạn kịch tính này. Truyền hình Tây Đức giúp cho người dân Đông Đức biết rõ bầu cử chỉ là giả dối, và nhìn thấy hình ảnh hàng ngàn người Đông Đức chạy sang biên giới xin tỵ nạn bên Tây Đức, người dân đã bừng tỉnh dẫn đến những cuộc biểu tình tự phát và ôn hòa nổ ra tại hầu hết các thành phố chính. Khi dân chúng Praha xem truyền hình thấy Bức tường Berlin sụp đổ, họ bắt đầu suy nghĩ rằng họ cũng có thể lật đổ kẻ thống trị mình. Chỉ 10 ngày sau, họ đã làm được điều đó. Nicolae Ceausescu mất hết quyền lực vào đúng khoảnh khắc mặt ông mất thần sắc và hoảng loạn trên truyền hình Rumani. Tiếp theo, mặt ông hóa đơ, sững sờ và cuối cùng lột vẻ bất lực khi đám đông la ó phản đối trong cuộc tụ họp lớn ngay tại thủ đô Bucharest. Bốn ngày sau Ceausescu bị hành quyết.

Nói tóm lại, mỗi chế độ đã tan rã vào những giờ phút cuối khác nhau, nhưng trên tổng thể, bốn yếu tố sau đây đã là căn nguyên chính dẫn đến những biến động chính trị tại các quốc gia Đông Âu:

Căn Nguyên Thứ Nhất:
Những bất đồng quan điểm trong các chính sách cải tổ đã dẫn đến tình trạng phân liệt trong hàng ngũ lãnh đạo, khiến các đảng cộng sản lúng túng trong việc đối phó trước những đòi hỏi cải cách chính đáng của quần chúng và của các khuynh hướng đối lập.

Đây là yếu tố căn bản nhất dẫn đến sự suy thoái đầu tiên trong nội tình của các đảng Cộng sản. Chính sự cho phép tự cứu ở mỗi nước của ông Gorbachev, cựu Tổng bí thư Liên Bang Xô Viết, đã làm giới lãnh đạo các đảng Cộng sản tại Đông Âu lúng túng trong việc tiến hành những cải tổ về kinh tế theo hướng thị trường tự do. Sự lúng túng này còn dẫn đến tình trạng mất định hướng của giới lãnh đạo trong sự giằng co giữa việc mở rộng kinh tế để sống còn và việc ôm giữ xã hội chủ nghĩa để củng cố quyền lực độc tôn. Tình trạng này đã đưa đến sự phân liệt cùng cực trong cấp lãnh đạo với những phe nhóm mà người ta hay gọi là phe cải cách, phe giáo điều và phe trung gian. Sự phân liệt này đã khiến cho tập đoàn lãnh đạo bị dao động trước tình thế và không còn khả năng chống đỡ trước sức ép của quần chúng.

Trường hợp Ba Lan:

Sự phân liệt trong hàng ngũ lãnh đạo đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan bắt đầu từ những khác biệt quan điểm về chính sách cải cách kinh tế và đối sách về các cuộc đình công của Công Đoàn Đoàn Kết từ giữa tháng 5/1988, với hai phe Giáo điều và Cải cách. Phe cải cách thắng thế và đã buộc cựu bộ trưởng công an Jaruzelski từ chức Thủ tướng, thay thế bởi Mesnel thuộc nhóm cải cách. Tuy nhiên Mesnel và phe cải cách chỉ chú trọng vào các cải tổ kinh tế trong khi lại cố tình trì hoãn các biện pháp cải cách chính trị nên nội bộ đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan đâm ra bị xung đột dữ dội một lần nữa khi Công Đoàn Đoàn Kết tổ chức đình công quy mô trên toàn quốc lần thứ hai vào tháng 8/1988. Để đối phó với tình hình, đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan đã phải cấp tốc tổ chức Hội nghị Trung Ương đảng lần thứ 8, chính thức quyết định thực thi cải cách kinh tế và chính tri, đồng thời chấp nhận đối thoại với Công Đoàn Đoàn Kết bằng phương thức Hội Nghị Bàn Tròn.

Sự nhượng bộ của đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan đã làm cho hai đảng ngoại vi là Đảng Dân Chủ và Đảng Nông Dân Thống Nhất bất mãn, tuyên bố ly khai khỏi đảng Công Nhân Thống Nhất. Sự kiện này đã làm đảng cầm quyền tiếp tục suy yếu và toàn đảng chỉ còn nuôi hy vọng vào phe cải cách để lật ngược lại tình thế trong Hội Nghị Bàn Tròn với Công Đoàn Đoàn Kết. Mieczyslaw Rakowski là lá bài cuối cùng của phe cải cách đã được đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan đưa ra làm Thủ tướng vào tháng 9/1988. Vào lúc này phe cải cách tiến hành hai biện pháp: Một là thực hiện cải cách kinh tế để cứu vãn nợ ngoại trái lên đến 30 tỷ Mỹ kim. Hai là thực hiện Hội nghị bàn tròn với Công Đoàn Đoàn Kết. Tuy nhiên phe giáo điều cố tìm cách ngăn cản phe cải cách, ví dụ đặt điều kiện Công Đoàn Đoàn Kết phải tôn trọng hiến pháp, luật pháp hiện hành, và chỉ bàn về sự hợp pháp của Công Đoàn mà thôi, hầu làm đình trệ những cuộc thảo luận của Hội Nghị Bàn Tròn. Trước những cản trở của phe giáo điều, Lech Walesa, thủ lãnh của Công Đoàn Đoàn Kết cương quyết không chịu tham dự Hội Nghị Bàn Tròn.

Trước sự bế tắc này, phe cải cách đã phải tìm cách hội đàm với Lech Walesa để khai thông vấn đề vào tháng 11/1988. Công Đoàn Đoàn Kết đưa ra một số điều kiện như:

1/ Thừa nhận sự hợp pháp của Công Đoàn;

2/ Phục hồi chức vụ và công việc của những người đã tham gia đình công;

3/ Cho những người đã liên hệ trong hai cuộc đấu tranh năm 1968 và năm 1970 tham gia hội nghị;

4/ Thu hồi lệnh giải tán xưởng đóng tàu Lênin.

Những đòi hỏi của Công Đoàn đã làm cho đảng cầm quyền lúng túng và ở vào thế ứng xử vô cùng khó khăn vì phe bảo thủ bác bỏ hoàn toàn. Mãi đến tháng 1 năm 1989, đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan phải triệu tập Hội nghị Trung ương đảng lần thứ 10 để thảo luận về các yêu sách của Công Đoàn Đoàn Kết, trong tình trạng phân liệt cùng cực giữa hai phe Giáo điều và Cải cách. Cuối cùng, do nhu cầu bảo vệ đảng, Hội nghị Trung ương đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan đã phải nhượng bộ bốn yêu sách của Công Đoàn và đưa ra hai quyết định quan trọng. Đó là công nhận sinh hoạt chính trị đa thành phần và chấp nhận nghiệp đoàn đa thành phần. Quyết định nói trên là khởi điểm đưa đến sự tan rã của đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan khi Công Đoàn Đoàn Kết thắng thế trong cuộc bầu cử tự do vào tháng 6 năm 1989, dẫn đến sự ra đời nội các của Thủ tướng Tadeusz Mazowieckj, một trí thức Công giáo của Công Đoàn Đoàn Kết vào tháng 9/1989.

Trường hợp Hung Gia Lợi:

Sự phân liệt trong hàng ngũ đảng Công Nhân Xã Hội Hung Gia Lợi (Hungary) bắt đầu từ năm 1986 kéo dài đến năm 1988 vì ba nguyên do: Một là sự bất đồng quan điểm về tốc độ cải cách kinh tế. Hai là sự đối phó lúng túng với việc 2 triệu người Romania gốc Hung Gia Lợi bị chính quyền Ceausescu đàn áp phải chạy trốn sang biên giới Hung – Lỗ để tỵ nạn chính trị. Ba là phe cải cách đã ngầm hỗ trợ những vận động chống ô nhiễm môi trường của các tổ chức Phi chính phủ (NGO) khiến cho phe giáo điều khó chịu nên đã liên tục tạo ra những xung đột ngấm ngầm trong nội bộ.

Tháng 5/1988, đảng Công Nhân Xã Hội Hung tổ chức đại hội lâm thời, phe cải cách vận động đưa Karoly Grosz thuộc phe trung gian lên làm Tổng bí thư thay thế Janos Kadar thuộc phe giáo điều. Phe cải cách hy vọng phe trung gian đứng đầu bởi Tổng bí thư Karoly Grosz sẽ tiến hành những cải tổ sâu rộng về chính trị, giải quyết vấn đề người tỵ nạn Romania gốc Hung và chấp nhận thể chế chính trị đa đảng. Tuy nhiên phe trung gian bị phe giáo điều vận động để kéo dài nỗ lực cải tổ chính trị, nên đã làm cho phe cải cách khó chịu. Kể từ lúc này, sự xung đột tay ba giữa ba phe cải cách, giáo điều, và trung gian trong nội bộ đảng Công Nhân Xã Hội Hung đã làm cho giới lãnh đạo Hung mất dần khả năng chủ động tình hình.

Tập sách Đông Âu và Việt Nam – 30 Năm Nhìn Lại – Tác giả Lý Thái Hùng

Trong tình huống đó, tại hội nghị Trung ương đảng vào tháng 2/1989, phe cải cách đã đòi phải đưa vào nghị trình việc thảo luận lại bản chất cuộc chính biến năm 1956 và nghe ủy ban thẩm định lịch sử trình bày chi tiết về biến cố này. Cuối cùng, do áp lực vận động của phe cải cách, Trung ương đảng đã phải biểu quyết cho Tối Cao Pháp Viện tái thẩm định lại cuộc chính biến năm 1956. Quyết định này được coi là thắng lợi đầu tiên của phe cải cách đẩy phe giáo điều rơi vào thế thụ động. Từ tháng 4/1989, trong nội bộ đảng bắt đầu có những cuộc thanh lý hàng ngũ do sự chủ đạo của phe cải cách. Đến tháng 5, phe cải cách hầu như chiếm trọn quyền hành trong đảng và tiến hành Hội nghị hiệp thương giữa đảng cầm quyền với các tổ chức đối lập. Tuy nhiên, trong lúc tiến hành hội nghị hiệp thương, nội bộ đảng Công Nhân Xã Hội Hung bắt đầu phân hóa với sự xuất hiện của nhiều nhóm quyền lực khác nhau.

Sự phân rã thành nhiều nhóm đã làm cho đảng Công Nhân Xã Hội Hung bị tê liệt. Phe cải cách chiếm ưu thế nên đã tổ chức Hội nghị bất thường, chính thức tuyên bố từ bỏ con đường chuyên chính vô sản và bãi bỏ hệ thống chỉ huy theo kiểu Liên Xô gồm Trung ương đảng, Bộ chính trị, Ban bí thư, để thay thế bằng một Ban chấp hành chính trị, điều hành theo lối “tập thể” chỉ huy. Mặc dù phe cải cách chiếm quyền lực ở trong đảng, nhưng cán bộ thừa hành trong các cơ chế đảng và nhà nước vẫn thuộc phe giáo điều, nên đã tạo ra tình trạng hỗn loạn về điều hành khiến cho các bộ phận chấp hành của đảng và chính quyền không còn đủ khả năng để ứng phó với tình hình chính trị phức tạp đang diễn ra biến.

Căn Nguyên Thứ Hai:
Sự bất mãn của người dân đã biểu hiện thành những phản kháng, dẫn đến tình trạng bất phục tùng dân sự với sự xuất hiện của nhiều tổ chức ngoài luồng, những tổ chức đối lập, đã khiến cho các cơ quan, đoàn thể của chế độ không còn có khả năng kiểm soát người dân.

Đây là tiến trình xảy ra một cách tất yếu khi chế độ không còn khả năng kiểm soát bao tử của người dân qua việc bãi bỏ chính sách hộ khẩu và áp dụng quy luật thị trường. Nói cách khác, những mầm mống sinh hoạt đa nguyên của xã hội xuất phát từ chính sách cởi trói của các đảng Cộng sản, làm nảy sinh những khuynh hướng đối kháng một cách đa diện, từ tôn giáo, văn hóa, từ thiện lên đến công đoàn, sinh viên, thanh niên… Trong bối cảnh đó, các tổ chức và những đảng phái đối lập đã hình thành từ tình trạng bí mật, tiến sang bán công khai và trở thành công khai khi những chống đối của quần chúng được các lực lượng đối kháng điều hướng thành những phong trào quần chúng, đẩy đảng cầm quyền phải thoái lui, nhượng bộ trước các đòi hỏi chính đáng của người dân.

Trường Hợp Hung Gia Lợi:

Bắt đầu từ tháng 6/1985, khi đảng Công Nhân Xã Hội Hung Gia Lợi cho nhiều khuynh hướng chính trị tham gia vào cuộc bầu cử quốc hội, các nhóm chống chính quyền Cộng sản đã mang vấn đề ô nhiễm môi trường do việc xây dựng nhà máy kỹ nghệ và đập thủy điện làm đề tài chống đối, hầu tạo điều kiện xuất hiện công khai sau nhiều năm hoạt động bí mật. Đến tháng 1/1987 khi Rezso Nyer, Ủy viên Trung ương đảng Công Nhân Xã Hội Hung thuộc phe cải cách, đứng ra vận động thành lập tổ chức Mặt Trận Tiến Bước Mới (the New March Front) đòi hỏi ban lãnh đạo phải chấp nhận thể chế chính trị đa đảng thì các nhóm chống chính quyền đã lần lượt xuất hiện đấu tranh một cách công khai, dưới dạng các tập hợp quần chúng ngoài luồng như Hội thanh niên tự do, Hội nghiên cứu nhân quyền, Nghiệp đoàn công nhân Taxi, Liên đoàn những người kinh doanh cá thể….

Sự xuất hiện đấu tranh công khai của nhiều đoàn thể quần chúng gia tăng cùng với sự phân liệt trong nội đảng Công Nhân Xã Hội Hung ngày một gay gắt. Từ tháng 6/1988, các nhà đối kháng đã cho ra đời một số đảng chính trị để điều hướng, đưa các cuộc đấu tranh quần chúng lên cao điểm. Đảng Dân Chủ Độc Lập Hung Gia Lợi, đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, Liên Minh Tự Do Dân Chủ, Liên Đoàn Thanh Niên Dân Chủ… là những lực lượng được thành lập trong thời kỳ này và đã khai thác các cuộc đình công của công nhân, các cuộc đấu tranh của những người kinh doanh cá thể để tạo áp lực chính trị lên đảng Cộng sản Hung.

Hoạt động chống đối của các tổ chức quần chúng và đảng phái đối lập qua những cuộc biểu tình với hàng trăm ngàn người tham gia, ở những đô thị lớn từ tháng 6 cho đến tháng 10-1989, đã khiến cho đảng và nhà nước Hung Gia Lợi rơi vào tình trạng tê liệt. Trước tình hình này, đảng Cộng sản Hung đã phải tổ chức đại hội bất thường dưới sự chủ đạo của phe cải cách vào đầu tháng 10. Để sống còn, đảng Công Nhân Xã Hội Hung đã phải quyết định đổi tên thành đảng Xã Hội, tuyên bố bãi bỏ chế độ cai trị độc đảng, và tổ chức tổng tuyển cử tự do vào ngày 26/3/1990. Sau đại hội bất thường này, đảng Cộng sản Hung Gia Lợi rã thành ba nhóm. Đa số thuộc nhóm cải cách xuất hiện trong đảng Xã Hội Hung, những đảng viên thuộc nhóm trung gian thì tiếp tục giữ tên đảng Công nhân Xã Hội Hung, còn một thiểu số cực tả trong nhóm giáo điều thì lập ra đảng Cộng sản Hung tiếp tục lý luận Mác – Lê.

Cuộc tổng tuyển cử tự do đã diễn ra vô cùng hào hứng. Phần lớn các đảng, nhất là những đảng đối lập với chính quyền Cộng sản, đã đưa ra bốn chủ trương: 1/Dân chủ đa đảng; 2/Kinh tế tự do; 3/Chấm dứt lệ thuộc vào Liên Xô; 4/Triệt thoái quân đội Nga ra khỏi lãnh thổ. Kết quả của cuộc tổng tuyển cử cho thấy là đa số các đảng phái đối lập đã thắng lớn, với sự ra đời của chính phủ liên hiệp dân chủ vào tháng 4/1990, đánh dấu sự tan rã toàn diện của chế độ Cộng sản tại Hung Gia Lợi.

Trường Hợp Đông Đức:

Khi làn sóng người dân Đông Đức chạy tỵ nạn sang Hung Gia Lợi vào mùa hè năm 1989, người dân trong thành phố công nghiệp hóa học Leipzig đã bắt đầu khai thác tình trạng ô nhiễm của thành phố để yêu sách chính quyền giải quyết một số bệnh hiểm nghèo do tình trạng ô nhiễm này gây nên. Tối thứ hai 27/9/1989, khoảng non 100 trí thức, sinh viên, các vị lãnh đạo tôn giáo và đông đảo công nhân đã tổ chức một cuộc tuần hành ngay tại công viên của thành phố, đòi chính quyền phải trả lại quyền lực đúng nghĩa cho dân chúng. Sau đó, nhóm chống đối này đã chọn mỗi tối thứ hai sau thánh lễ của nhà thờ Nikolai, cùng nhau tụ tập biểu tình tại công trường Karl Marx.

Chỉ non hai tuần lễ sau, số người tụ tập từ vài ba trăm người lúc đầu, đã tăng lên thành 80 ngàn người vào ngày 9-10-1990. Từ đó, các tổ chức quần chúng chống đối đã lan nhanh trong xã hội với nhiều khuynh hướng khác nhau, đặt ông Gorbachev, Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ vào tình trạng vô cùng bối rối. Một tuần lễ sau, vào tối thứ Hai, 16/10, số người tham gia xuống đường lên đến 150 ngàn. Đến ngày 23/10, khi Honecker tuyên bố từ chức thì số người tham gia biểu tình lên đến 250 ngàn, rồi tăng lên nửa triệu người tham gia vào ngày 6-1-1990.

Khi các cuộc biểu tình tại Leipzig bộc phát lớn mạnh thì tại thủ đô Đông Bá Linh của Đông Đức, một số văn nghệ sĩ và trí thức Tin Lành đã lập ra ba tổ chức: Diễn Đàn Mới do Nữ văn sĩ Barbel Bohley cùng với 29 trí thức, văn nghệ sĩ sáng lập có mục tiêu đòi sinh hoạt chính tự do và tự do ngôn luận. Tổ chức Dân Chủ Thức Tỉnh và Tổ chức Sáng Kiến Cho Hòa Bình và Nhân Quyền do các trí thức Tin Lành sáng lập. Các tổ chức nói trên, tuy có cùng mục tiêu chống chính quyền độc tài, nhưng có nhiều dị biệt trong đường lối, nhất là thiếu sự tổ chức chặt chẽ nên không tạo ra được những động lượng lớn bằng nhóm trí thức tại thành phố Leipzig.

Hơn thế nữa, các nhóm chống đối tại Đông Đức không có một khuôn mặt nào có tầm vóc như Lech Walesa (Ba Lan), Vaclav Havel (Tiệp Khắc) để lãnh đạo phong trào, vì thế mà phong trào đấu tranh tại Đông Đức là sự tập hợp chung của nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia lãnh đạo phong trào chứ không quy về một tổ chức nào như trường hợp Công Đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan, Diễn Đàn Dân Sự ở Tiệp Khắc hay Diễn Đàn Dân Chủ ở Hung Gia Lợi. Nhờ sự phối hợp đa dạng của nhiều cá nhân và nhiều tổ chức ngoài luồng nên đã vận động được sự tham gia đông đảo của quần chúng ở mọi lãnh vực, ngành nghề so với các quốc gia khác, đồng thời làm cho bộ máy cầm quyền của đảng Cộng sản Đông Đức lúng túng, không kiểm soát nổi tình hình và hoàn toàn tê liệt sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào ngày 9/11/1990.

Căn Nguyên Thú Ba:
Tình trạng cải cách nửa vời đã tạo ra những bất ổn xã hội, dẫn đến những biến động chính trị với sự bùng phát của những phong trào đấu tranh quần chúng một cách rộng lớn và đa diện trên toàn quốc, vượt ra ngoài khả năng ứng phó của các lực lượng bảo vệ chế độ, từng bước làm tê liệt mọi sinh hoạt của quốc gia.

Những chính sách cải cách của các đảng Cộng sản đều có cùng một mục tiêu là mua thời gian để củng cố quyền lực của đảng, đồng thời tạo chỗ xì hơi hầu giảm sức ép chống đối của quần chúng. Nhưng chính những cải tổ nửa vời này cùng với sự rối loạn của thị trường đã tạo ra rất nhiều nan đề cho xã hội đổi mới, với rất nhiều tệ đoan xã hội xảy ra. Hậu quả là những hiện tượng tiêu cực này làm gia tăng sự bất mãn của quần chúng, với những vụ khiếu kiện, đình công, lãng công, tố cáo tham ô nhũng lạm đã xảy ra thường xuyên, tạo thành những biến cố gây ra bất ổn xã hội dẫn đến bất ổn chính trị. Những bất ổn này đã nhanh chóng tạo thành áp suất đè nặng lên nhóm lãnh đạo, dẫn đến những đối phó bất nhất và lúng túng trước các đòi hỏi của quần chúng. Hậu quả là bộ máy nhà nước còn đó, nhưng trong thực tế thì mạnh ai nấy làm, trung ương không còn điều khiển được địa phương và mỗi vùng bị hiện tượng sứ quân thao túng.

Trường Hp Ba Lan:

Những cải cách kinh tế nửa vời của Ba Lan từ khi Liên Xô cho phép các nước vệ tinh mở cửa vào giữa thập niên 80 đã dẫn đến thất bại. Tình trạng nhũng lạm trong đảng gia tăng khiến cho tiền vay để thực hiện các dự án đã bị tiêu xài hoang phí mà không có một dự án nào hoàn tất đúng nghĩa, khiến cho nợ ngoại trái càng lúc càng nhiều, đời sống người dân thay vì được cải thiện lại càng thêm khó khăn. Vì không thể giải quyết tình trạng thâm thủng ngân sách, chính quyền đã phải tăng giá sinh hoạt và gia tăng liên tục, kể cả thực phẩm như tăng giá thịt và những sản phẩm chế bằng thịt, khiến cho công nhân và dân chúng không còn chịu đựng được nữa.

Cuộc đình công chống tăng giá thịt của công nhân tại Chelm vào tháng 8/1980 đã tác động mạnh mẽ trên toàn quốc, đặc biệt là đối với công nhân ở thành phố Gdansk, nằm ở vùng ven biển Baltic. Ngày 14/8/1980, lấy lý do chống đối việc ban quản trị đuổi việc một nữ công nhân phụ trách điều khiển giàn cần trục tự động, công nhân xưởng đóng tàu Lênin tại Gdansk chiếm công trường, tổ chức đình công. Ngày 18/8, Ủy ban đình công đưa ra 21 yêu sách đòi hỏi chính quyền cộng sản Ba Lan phải đáp ứng, như công nhận quyền đình công, thừa nhận quyền lập nghiệp đoàn, quyền tự do hội họp.

Trước những áp lực đấu tranh của công nhân, ngày 22/8, chính quyền Gierek phải cử một số cán bộ đến thảo luận về những yêu sách của Ủy ban đình công. Ngày 24/8, nhằm vận động giới trí thức hậu thuẫn cuộc đấu tranh của công nhân, Ủy ban đình công đã thành lập tiểu ban chuyên môn gồm những người trí thức tham gia với tư cách cố vấn. Ngày 29/8, công nhân ở Poznan và Shilonsk tuyên bố đình công để ủng hộ cuộc đấu tranh của Ủy ban đình công ở Gdansk. Sau mấy ngày tranh cãi về nhiều vấn đề, nhất là trước tình trạng tê liệt mọi sinh hoạt xã hội do cuộc đình công của công nhân gây nên, cuối cùng, đại diện chính quyền Gierek đã phải ký một thỏa ước với Lech Walesa, đại diện Ủy ban đình công ngày 1/9/1980, đồng Ỷ thực thi 21 yêu sách của Ủy ban.

Đây là thắng lợi đầu tiên của công nhân Ba Lan và đây cũng là quốc gia đầu tiên công nhận sự hoạt động độc lập của một công đoàn. Kết quả của những cuộc đình công này đã tạo ra một hình thái đấu tranh mới cho hàng ngũ thanh niên sinh viên Ba Lan, nên ngày 2-9-1980, Liên đoàn thanh niên sinh viên độc lập được thành lập tại Warsaw, tách ra khỏi Liên hiệp thanh niên sinh viên của đảng Cộng sản Ba Lan. Ngày 17/9, Ủy ban đình công đã cải tên thành Công Đoàn Đoàn Kết, bầu Lech Walesa làm chủ tịch, chính thức trở thành một tổ chức đối đầu với chính quyền Cộng sản Ba Lan trong công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ tại Ba Lan vào những năm sau đó.

Trường Hp Bulgaria:

Tính đến năm 1984, tổng số nợ ngoại trái của Bulgaria lên đến 60 tỷ Mỹ kim, trong khi đó mức thu hoạch về nông phẩm liên tục bị sút giảm do ảnh hưởng của thời tiết, và nhất là hạ tầng cơ sở nông nghiệp bị hư hỏng do không đầu tư tu sửa trong gần hai thập niên dồn công sức cho công nghiệp hóa. Ngoài ra, việc đẩy mạnh chính sách công nghiệp hóa đã kéo theo hiện tượng nông dân lũ lượt bỏ nông thôn dời về thành phố tìm việc làm, khiến cho thành phố mở rộng, nhiều thành phố tân lập được hình thành bên cạnh các nhà máy, công trường.

Việc đô thị hóa một cách nhanh chóng như vậy, dù chính quyền có chi ra một ngân khoản lớn để đầu tư vào việc xây dựng những cơ sở công cộng như chung cư, hệ thống giao thông, bưu điện, trường học hay chỉnh đốn lại hệ thống phân phối hàng hóa liên quan đến đời sống người dân… nhưng vẫn không thể nào đáp ứng nổi. Tình trạng chen lấn nhau trong giờ đi làm mỗi buổi sáng, hàng hóa đắt đỏ, muốn bắt điện thoại phải chờ nhiều năm dài, với lối điều hành quan liêu, nhũng lạm của cán bộ đã làm cho vấn đề phân phối hàng hóa bị rối loạn, khiến cho sự mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân ngày càng bùng nổ lớn.

Hằng ngày có từng nhóm người cầm cờ đứng trước các công sở đòi hỏi chính quyền phải giải quyết nạn khan hiếm hàng hóa, phải giải quyết tình trạng ô nhiễm môi sinh… Những chống đối của quần chúng tuy ở quy mô nhỏ nhưng cũng đã làm cho hai khuynh hướng cải cách và giáo điều trong đảng Cộng Sản Bulgaria bắt đầu có những xung đột quan điểm về tốc độ cải cách. Khai thác những bất đồng của cấp lãnh đạo, các nhóm quần chúng mở rộng những cuộc biểu tình đòi hỏi cải thiện đời sống, bảo vệ môi trường, làm cho sự xung đột quan điểm trong nhóm lãnh đạo bùng nổ lớn.

Khi những biến động từ Ba Lan, Hung Gia Lợi được loan truyền một cách dồn dập và nhanh chóng vào các thành phố ở Bulgaria, những nhóm chống đối, nhất là giới trí thức và thanh niên sinh viên, đã dùng ngay chủ đề ‘chống ô nhiễm môi trường’ để vận động quần chúng tham gia biểu tình bày tỏ nguyện vọng. Vì vấn đề này còn quá mới đối với người dân Bulgaria nên phong trào chống ô nhiễm môi trường đã không huy động được người dân tham gia mạnh mẽ lúc đầu. Mãi đến tháng 10/1989, việc Bulgaria đứng ra tổ chức Hội nghị về môi trường của các nước Âu Châu, nhóm họp tại thủ đô Sofia, đã tạo cơ hội rất tốt cho phong trào chống ô nhiễm môi trường có điều kiện huy động quần chúng tham gia.

Lúc đầu, cuộc biểu tình hoàn toàn mang tính cách kêu gọi bảo vệ môi trường, nhưng các ngày sau đó những khẩu hiệu và lời kêu gọi đã tấn công thẳng vào chế độ, đòi đảng Cộng sản Bulgaria phải cải cách chính trị. Trong khí thế đó, hai tổ chức chống đối ra đời gồm Hội Chống Ô Nhiễm Môi Trường và Hội Ủng Hộ Chủ Nghĩa Dân Chủ, đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do bầu cử. Trước những áp lực đấu tranh mạnh mẽ này và nhất là sau khi Bức tường Bá Linh sụp đổ, Trung ương đảng Cộng sản Bulgaria đã phải tự thay đổi trước bằng cách đòi Todor Zhivkov từ nhiệm chức Tổng Bí Thư, thay thế bởi một nhân vật ôn hòa là Bộ trưởng ngoại giao Peter Mladenov để thảo luận với các tổ chức quần chúng đối lập và đi đến việc công nhận tổ chức tổng tuyển cử tự do vào ngày 10-6-1990.

Căn Nguyên Thứ Tư:
Những áp lực của quốc tế trên các mặt nhân quyền, tự do dân chủ lên các chính quyền Cộng sản trong tiến trình mở rộng giao thương buôn bán, đã phần nào làm chùn bước những đòn khủng bố của đảng cầm quyền, đồng thời gián tiếp hỗ trợ sức đấu tranh của các cá nhân và tổ chức đối kháng.

Cốt lõi của chính sách mở cửa giao tiếp với những nước Tây Phương mà hầu hết các đảng Cộng sản tại Đông Âu đã áp dụng qua khuyến cáo của ông Gorbachev vào năm 1985 đều có chung một mục tiêu là đi tìm tài nguyên và phương tiện ở bên ngoài để nuôi sống guồng máy thống trị, thay thế gánh nặng viện trợ của Liên Xô. Vì phải tranh thủ để có sự viện trợ và giao thương với các nước Tây Phương, các quốc gia Cộng sản đều hứng chịu những áp lực buộc phải tôn trọng nhân quyền và nhất là bị đe dọa trừng phạt kinh tế mỗi khi có những đàn áp mạnh mẽ đối với các cá nhân hay tổ chức quần chúng đối lập vì những đòi hỏi chính đáng của họ.

Ngoài ra, những quốc gia Cộng sản tại Đông Âu còn bị áp lực phải cải tổ guồng máy hành chánh theo hướng pháp trị và tôn trọng tính dân chủ trong xã hội để được làm ăn buôn bán theo những đòi hỏi của các nước Tây Phương, nên bộ máy cầm quyền vốn đã không có hiệu quả, lại trở thành mục tiêu tấn công của các tổ chức đối lập. Áp lực nhân quyền của quốc tế tuy mang hình thức cảnh cáo nhưng có nhiều khả năng tranh thủ sự đồng tình từ các nước tự do, khiến cho đảng Cộng sản cảm thấy bị cô lập và sẵn sàng tháo chạy vào giờ phút cuối khi không còn biết bám víu vào đâu.

Trường Hp Ba Lan:

Sự kiện chính quyền Ba Lan công nhận tính cách hợp pháp của Công Đoàn Đoàn Kết là một biến cố lớn, tạo sự quan tâm của Hoa Kỳ và các nước Tây Phương, nhưng vì lo ngại sự đàn áp của Liên Xô, nên các nước Tây phương, đặc biệt là Tổng thống Jimmy Carter (1976-1980) của Hoa Kỳ đã phải có thái độ thận trọng. Tuy nhiên, chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Hoa Kỳ thời đó là ông Lane Kirkland lại chủ trương rằng Hoa Kỳ phải lên tiếng ủng hộ để ngăn chận sự đàn áp của Liên Xô, và ông kêu họ thành lập một quỹ trị giá 250 ngàn Mỹ Kim để hỗ trợ cho các hoạt động của Công Đoàn Đoàn Kết. Do sự tích cực của ông Lane Kirkland, Tổng thống Carter phải chỉ thị cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngầm hỗ trợ các hoạt động của ông Kirkland, giúp đỡ tài chánh cho Công Đoàn qua ngã sứ quán Hoa Kỳ tại Warsaw. Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ đã gặp đại sứ Liên Xô tại Hoa Thịnh Đốn, thông báo về việc thành lập quỹ giúp cho Công Đoàn, nhưng cho biết là chính phủ Hoa Kỳ không liên hệ đến Tổng Liên Đoàn Lao Động Mỹ.

Năm 1982 là năm chính quyền Ba Lan đàn áp Công Đoàn Đoàn Kết một cách dữ dội. Khi biết Liên Xô không hài lòng về việc chính quyền Jaruzelski của Ba Lan ra lệnh thiết quân luật và đặt Công Đoàn Đoàn Kết ra khỏi vòng pháp luật, thì Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương, kể cả tòa thánh Vatican, đã đồng loạt tạo áp lực chính trị, ngoại giao và kinh tế lên chính quyền Jaruzelski cho đến khi họ rút lại lệnh thiết quân luật. Cuối cùng, sợ bị cô lập trên trường quốc tế nên chính quyền Jaruzelski đã phải thu hồi lệnh thiết quân luật, trả tự do cho Lech Walesa cùng thành phần lãnh đạo Công Đoàn.

Sự can thiệp này đã đưa uy tín của Walesa và Công Đoàn Đoàn Kết lên cao trên trường quốc tế, và cá nhân Walesa được Hàn Lâm Viện Thuỵ Điển trao tặng giải Nobel Hòa Bình vào năm 1983. Trong tất cả những hỗ trợ của thế giới đối với Công Đoàn Đoàn Kết, sự ủng hộ mạnh mẽ và công khai của Đức Giáo Hoàng John Paul II, vị chủ chăn của Giáo Hội Công Giáo La Mã, đã khiến cho giới công nhân, quần chúng nhiệt liệt tin tưởng vào thế đấu tranh đầy chính nghĩa của Công Đoàn. Nhờ vậy mà trong giai đoạn hình thành, Công Đoàn Đoàn Kết đã thu hút một số lượng thành viên tham gia bằng 1/3 dân số Ba Lan.

Trường Hp Nam Tư:

Những cuộc biểu tình đòi tự trị của người Albania trong khu tự trị Kosovo để chống lại áp lực của người Serb đã dẫn đến sự đối lập ngày một căng thẳng giữa người Albania với người Serb và Montenegro. Cuộc xung đột chủng tộc lại bùng nổ ngay vào lúc xảy ra những biến cố chính trị tại Đông Âu, nhất là việc đứng lên đòi độc lập của các Cộng hòa quốc trong Liên Bang Xô Viết đã kích thích các Khu tự trị, các Cộng hòa quốc trong Liên bang Nam Tư lần lượt nổi lên đòi ly khai như Cộng Hòa Slovenia, Cộng Hòa Croatia, Cộng hòa Macedonia, Cộng hòa Bosnia – Herzegovina.

Tình trạng đòi ly khai của các Cộng hòa quốc có nguy cơ đưa đến sự tan rã của Liên bang Nam Tư, trong đó Cộng hòa Serb bị ảnh hưởng nặng nề vì là Cộng hòa quốc lớn nhất và người Serb chiếm đa số. Để ngăn chận sự ly khai nói trên, Cộng hòa Serb do Tổng thống Slobodan Milosevic lãnh đạo chủ trương tiến hành các cuộc chiến tranh tấn công thẳng vào các Cộng hòa đòi ly khai, tạo ra cuộc nội chiến kéo dài trong nhiều năm. Trong số các cuộc chiến này thì cuộc chiến tại Bosnia và Kosovo là ác liệt nhất và cũng chính nơi đây, Slobodan Milosevic đã tung ra nhiều thủ đoạn nhằm tiêu diệt các sắc dân Slovenia, Albania.

Lo sợ cuộc nội chiến có thể bùng nổ lớn và nhất là nhằm ngăn chận âm mưu diệt chủng của Slobodan Milosevic, Cộng đồng Âu Châu đã nhảy vào can thiệp bằng cách công nhận nền độc lập của cộng đồng Slovenia, Croatia. Nhưng đến khi Âu Châu và Hoa Kỳ công nhận nền độc lập của Cộng hòa Bosnia thì đã tạo một thách đố chính trị đối với Cộng hòa Serb, nhất là đối với Slobodan Milosevic, nên ông ta đã xúi dục sắc dân Serb trong các cộng hòa nói trên tổ chức vũ trang chống lại chính quyền sở tại. Cuộc nội chiến tại Nam Tư đã kéo dài gần 10 năm, sát hại hơn 220 ngàn sinh mệnh chỉ vì Slobodan Milosevic không muốn các nước trên thoát ra khỏi gọng kềm Cộng sản của ông ta. Liên Hiệp Quốc đã phải cử đoàn quân Mũ xanh đến giải cứu và ra lệnh cấm vận Serb.

Sau cùng, cuộc nội chiến tại Nam Tư đã kết thúc khi năm quốc gia Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga và Đức can thiệp một cách mạnh mẽ và nhất là đòi Liên Hiệp Quốc truy tố Slobodan Miloseviec ra tòa án hình sự quốc tế về 66 tội liên quan đến tội diệt chủng và chống  nhân loại. Sau khi thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2000, Milosevic đã bị cảnh sát Serbia bắt giải giao cho tòa án tội ác chiến tranh tại La Haye, Hòa Lan vào tháng 4/2001. Phiên tòa đầu tiên xét xử Slobodan Milosevic diễn ra vào ngày 12/2/2002 nhưng đã phải hoãn đến 22 lần vì chứng đau tim của ông ta. Cuối cùng, Milosevic chết trong trại giam ngày 11/3/2006, một vài tháng trước khi bị kết tội chính thức. Sự can thiệp của quốc tế vào trường hợp Nam Tư là một đặc thù khác với các quốc gia Đông Âu, nhưng là một nỗ lực cần thiết để giúp các Cộng hòa quốc thoát ra khỏi gọng kềm Cộng sản của Milosevic và Cộng Hòa Serb.

***

Tóm lại, bốn yếu tố nói trên không đương nhiên xảy ra cùng một lúc và cũng không giống nhau ở từng nước; nhưng tất cả các quốc gia tại Đông Âu và kể cả Liên Xô cũ trước khi rơi vào tiến trình sụp đổ, đều trải qua những cuộc khủng hoảng do bốn yếu tố nói trên tác động theo một chuỗi những biến động từ nhỏ đến lớn, cùng với những vận động chính trị, đã tạo ra những rối loạn xã hội, đẩy các chế độ Cộng Sản rơi vào thế thoái lui nhượng bộ rồi mất hẳn quyền lực.

Lý Thái Hùng

- Quảng Cáo -