Việt Hương – VOA
Không có đám mây đen nào, dù lớn đến đâu, chặn mãi được ánh sáng mặt trời, đó là quy luật của tự nhiên. Những năm tháng mà chính quyền toàn trị (mang tên cộng sản) đã cướp đi biết bao nhiêu sinh mệnh, cộng lại sẽ thành một thứ bia miệng ghi danh “ngàn năm văn… thiến”.
Nhờ truyền thông quốc tế, những người đang mòn mỏi trong “Nhà Tù Không Lồ” mang tên “CHXHCN Việt Nam” biết, “Nhóm Công tác về Giam giữ Tùy tiện của Liên Hợp Quốc” (The Working Group on Arbitrary Detention/ UNWGAD*) vừa công bố phán quyết về trường hợp nhà báo Phạm Đoan Trang. Luật sư nhân quyền quốc tế Kurtuluş Baştima, người nộp hồ sơ Phạm Đoan Trang lên Liên Hợp Quốc (UN), cho VOA Tiếng Việt và BBC Tiếng Việt hay, ông đã nhận được phán quyết của UN hôm 25/10. Theo đó, phán quyết đã kết luận, Phạm Đoan Trang bị bắt và bị giam giữ mà không có lệnh bắt, cô cũng không được thông báo về lý do bị bắt. Suốt từ khi bị bắt cho tới nay, Phạm Đoan Trang không được gặp người thân và việc cô gặp luật sư cũng bị đình hoãn rất lâu. Do đó, các quyền của cô Trang theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), mà chính phủ Việt Nam cũng là một bên ký kết, đã bị vi phạm.
Nhóm Công tác kết luận rằng, chính phủ Việt Nam đã “giam giữ tùy tiện nhà báo Phạm Đoan Trang 11 tháng qua”, nay UNWGAD nhận thấy cần phải trả tự do cho bà ngay lập tức. Báo cáo của UNWGAD viết: “Vụ việc hiện tại là một trong nhiều vụ việc được gửi tới UNWGAD trong những năm gần đây liên quan đến việc bắt giữ tùy tiện ở Việt Nam. Những trường hợp này diễn ra theo một mô hình bắt giữ tương tự, không tuân thủ các quy tắc quốc tế; giam giữ kéo dài trong khi chờ xét xử mà không được tiếp cận với hồ sơ cáo trạng, không được gặp luật sư, bị truy tố theo các tội hình sự mơ hồ và không hề được tiếp cận với thế giới bên ngoài… Mô hình này chỉ ra một vấn đề mang tính hệ thống đối với việc giam giữ tùy tiện ở Việt Nam, nếu tiếp tục, có thể vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”. Trong phán quyết dài 17 trang, UNWGAD cũng đưa ra các biện pháp tiếp theo để giám sát sự tuân thủ của Việt Nam, yêu cầu chính phủ Việt Nam, trong vòng 6 tháng, phải cung cấp đủ các thông tin bao gồm:
- Đã trả tự do cho Phạm Đoan Trang hay chưa? Nếu rồi thì thời gian nào?
- Đã thực hiện các điều khoản bồi thường chưa?
- Đã tiến hành điều tra việc vi phạm các quyền của Phạm Đoan Trang chưa? Kết quả thế nào?
- Đã có bất kỳ sửa đổi nào về mặt luật pháp, cụ thể là Điều 117 Bộ Luật Hình sự cũ và Điều 88 Bộ Luật Hình sự mới để phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế chưa?
- Đã có bất kỳ hành động nào khác được thực hiện theo phán quyết này hay không?
*
Phạm Đoan Trang tất nhiên không phải là người đầu tiên bị chính quyền cộng sản Việt Nam đàn áp, đánh đập và bắt giữ chỉ vì bất đồng chính kiến. Cô cũng không phải là người nổi tiếng nhất. Nhiều người nhận định vị trí đó thuộc về Trần Huỳnh Duy Thức, người đã có gần 12 năm phải sống trong lao tù vì những đòi hỏi thay đổi dân chủ. Những cái tên Phạm Đoan Trang, Trần Huỳnh Duy Thức cần được nhắc đến nhiều, vì các thế hệ sinh sau đẻ muộn không có nhiều điều kiện để tìm hiểu xa hơn về quá khứ. Những người nổi tiếng đầu tiên bị nhà nước độc tài đàn áp khốc liệt – vì không chịu “ngoan ngoãn” vâng lời chính quyền, không chịu “khoá” miệng – đã xuất hiện ít nhất hơn 60 năm trước, trong vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm chấn động một thời.
Kể từ đó đến nay, có biết bao nhiêu người sinh ra và qua đời trên mảnh đất hình chữ S này, nhưng não trạng của chính quyền – chính xác hơn là não trạng của những kẻ đã giành được quyền lực và những người đời đời “ăn nhờ ở đậu” từ bổng lộc của nó – vẫn mãi mãi không thay đổi. Bất kỳ ai trái ý chúng đều là “phản động”, đều là thành phần phải bị tiêu diệt. Theo thống kê của “Dự án 88” (The 88 Project), cho đến thời điểm hiện tại, có hơn 250 người vẫn còn đang bị giam giữ vì các tội danh “chống chính quyền” – chỉ vì họ dám mở miệng. “Tội” của họ hoặc là đấu tranh chống tham nhũng, hoặc là chống các trạm “BOT bẩn” ngang nhiên đặt giữa đường cướp tiền người dân, hoặc viết sách viết báo, hay chỉ đơn giản là đăng các bài viết trên mạng xã hội. Chưa kể còn hàng trăm người khác, cũng vì không chịu “khoá” miệng, thường xuyên bị các lực lượng chính quyền đe dọa, quấy rối, dùng thứ lý lẽ nhầy nhụa của động vật (bạo lực) hòng trấn áp, phá hoại cuộc sống của họ. Nếu cộng hết số năm tù của tất cả những ai đã từng bị chính quyền cộng sản chụp mũ “phản động” từ xưa đến nay, con số hẳn phải lên đến hàng ngàn.
Ngày 27/10, Tòa Hà Nội hoãn xử các nhà tranh đấu Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm. Đúng là không có mây đen nào, dù lớn đến đâu, chặn mãi được ánh sáng mặt trời. Đó là quy luật của tự nhiên. Chế độ này rồi sẽ biến mất, đấy là sự thật giản dị của luật đời. Những con người hô hào ủng ê cho nó, bâu chặt cắn xé giành giật từng mảng thịt tươi nhơn nhởn của nó, rồi cũng sẽ chết đi, đó là chân lý của tự nhiên. Thứ mà những kẻ đó để lại thì sẽ thối mãi ngàn năm. Những năm tháng mà chúng đã cướp đi của biết bao nhiêu người khác, cộng lại sẽ thành một thứ bia miệng ghi danh “ngàn năm văn thiến”. Đó là “công trạng” của một chế độ đã “thiến sạch” những gì cao đẹp nhất của một dân tộc tự hào có lịch sử cả ngàn năm.
*
Theo góc nhìn từ luật sư nhân quyền quốc tế, ông Kurtuluş Baştima nói với truyền thông: “Đây là một phán quyết rất quan trọng”. Ông phân tích tiếp: “Phạm Đoan Trang không thể phản đối việc giam giữ cô ấy, nên quyền của cô ấy trong việc được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo Điều 2 (3) ICCPR bị vi phạm”. Bên cạnh đó, UNWGAD phán quyết rằng “Điều 117 Bộ Luật Hình sự cũ hoặc Điều 88 (Bộ Luật Hình sự sửa đổi) là quá mơ hồ và rộng nên không thể được sử dụng làm cơ sở pháp lý để viện dẫn bắt và giam giữ Phạm Đoan Trang… Ngoài ra, quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội và quyền phát biểu ý kiến cũng bị nhà nước Việt Nam xâm phạm, vì mọi hoạt động của bà Trang với tư cách là tác giả, blogger và nhà báo đều bị ngăn cản”.
“Cuối cùng, sự chậm trễ trong việc cho bà Trang gặp luật sư khiến quyền được xét xử công bằng của bà bị vi phạm theo Điều 14 ICCPR. Việc bà Trang bị giam giữ do bà tham gia vào báo cáo chống tham nhũng và dân chủ là vi phạm quyền được tham gia vào các hoạt động công vụ, cụ thể là Điều 25 (a) ICCPR.” “Đây là quyết định do UNWGAD đưa ra dựa trên Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Công ước này đặt ra nghĩa vụ đối với nhà nước phải tôn trọng các quyết định đó. Luật sư của bà Trang tại Việt Nam nên sử dụng quyết định này của UN trong phiên tòa sắp tới,” ông Kurtuluş Baştima nói.
Tuy nhiên, ông Kurtuluş Baştima cho hay phán quyết của UN không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, do đó UNWGAD không thể ra hình phạt, nếu chính phủ Việt Nam không thực hiện các đề xuất được UN đưa ra. Dù vậy, điều này không có nghĩa là chính phủ Việt Nam sẽ được phớt lờ quyết định này. Vì nếu không thực hiện, chính phủ Việt Nam sẽ bị quy trách nhiệm vi phạm luật pháp quốc tế và UNWGAD sẽ chuyển tình huống này lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Ngay sau phán quyết của UN, một tuyên bố chung đầu tuần từ 28 tổ chức xã hội dân sự trong nước và quốc tế đã đưa ra lời kêu gọi chính quyền Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Phạm Đoan Trang. “Việc đàn áp Đoan Trang và những người bảo vệ nhân quyền khác, bao gồm các nhà văn và nhà báo độc lập, là một phần của cuộc tấn công ngày càng tồi tệ hơn đối với quyền tự do ngôn luận và thông tin ở Việt Nam,” Tuyên bố chung viết.
*
Khi báo chí ở Việt Nam đưa tin, ngày 4/11 sẽ xét xử vụ Nhà báo-Blogger Phạm Đoan Trang, nhưng cáo trạng không nêu cô có nhận tội hay không. Trang mạng Ba Sàm có đôi lời: “Chiều nay, có mấy báo đưa tin về Cáo trạng và ngày xét xử, báo Tuổi trẻ đưa nhiều thông tin nhất, song không nêu chi tiết quan trọng là cô Đoan Trang có nhận là mình có tội hay không. Đây là vấn đề rất quan trọng trong tất cả các vụ án có tính chất “chính trị”, thường ít khi các báo đưa tin bị cáo “không nhận tội” hoặc “bác bỏ cáo trạng/ bản án”. Khi họ không viết là “nhận tội” thì có nghĩa là “không nhận tội”. Riêng cá nhân tôi, từng đánh giá Đoan Trang là “một người đã dấn thân, hy sinh tuyệt đối cho lý tưởng của mình“, nên cũng tin là trước tòa cô sẽ không nhận tội.
Ngoài ra, vụ Đồng Tâm cũng không được trích dẫn trong báo khi đưa về bản Cáo trạng, dễ hiểu vì sao.
*UNWGAD: được thành lập trên cơ sở Nghị quyết 1991/42 của Ủy ban Nhân quyền LHQ và có nhiệm vụ điều tra các vụ bắt giữ, tạm giam, cầm tù mà các nước thành viên thực hiện, xem có đúng với Hiến chương Nhân quyền LHQ hay không. Họ có quyền đòi các chính phủ và nhà nước phải trình báo cáo định kỳ hoặc về các trường hợp cụ thể liên quan đến hành vi, quyết định, án xử tước đoạt tự do của công dân ở quốc gia thành viên.