16.9
Trên mạng xã hội lùm xùm vụ nhà sư Thích Nhật Từ trụ trì chùa Giác Ngộ quận 10 Sài Gòn tổ chức lễ cầu nguyện để vắc xin NanoCovax do VN sản xuất được duyệt, được đưa vào lưu hành. Nhiều người cười bảo vắc xin thì phải căn cứ vào cơ sở khoa học chứ sao lại lôi thần phật vào đây. Có người nói chắc mấy ông sư dạo này hết việc, dân chúng thì đói ăn không có tiền cúng dường nuôi các ổng; lại có người nghi hay đám thầy chùa ăn tiền của doanh nghiệp… Nhà báo Ngọc Vinh (Vinh Râu) viết cái tút về vụ này liền bị FB chặn ngay tút suỵt, nó nói do thầy Nhật Từ yêu cầu. Ông em họ tôi nhận xét phật phiếc giờ cũng lắm chuyện phết. Tôi mắng nó, mày không được đụng đến phật, nhưng nếu mày nói sư siếc thì được. Sư quốc doanh một khi đã chủ trương “đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội” để tu hành thì chỉ thế thôi.
19.9
Ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xảy ra chuyện hiếm. Ông Nguyễn Bá Hùng Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Long Điền làm đơn xin nghỉ việc. Lý do “trong suốt thời gian qua, mặc dù bản thân đã có nhiều cố gắng nỗ lực, xuyên suốt trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch nhưng bản thân tôi nhìn nhận vẫn còn những thiếu sót trong chỉ đạo, điều hành, vẫn để xảy ra tình trạng chưa nghiêm trong thực hiện chỉ thị 16… nên tôi xin nghỉ”. Dư luận nhận xét dạng cán bộ biết liêm sỉ, tự trọng như ông ta hơi bị hiếm. Vài ngày sau, báo đăng lại đi làm. Châng hẩng. Thằng con tôi bảo cỡ đó xách dép cho ông Đoàn Ngọc Hải ở Sài Gòn, nói nghỉ là nghỉ, không oong đơ lằng nhằng.
Cũng ở tỉnh ven biển này, chính quyền chống dịch máy móc tới mức cấm cả ngư dân ra biển đánh bắt cá. Họ quy định chỉ giải quyết theo ngày chẵn hoặc ngày lẻ, ai đi ngày chẵn thì nghỉ ngày lẻ, ai đi lẻ thì nghỉ chẵn. Dân kéo nhau ra bến phản đối, thắc mắc rằng ngoài biển khơi làm gì có cô vít mà cấm, biển khơi mênh mông vi rút nào sống được… Trên mạng FB, một bác tên Nguyễn Văn Dũng sau khi đọc cái quy định của nhà chức việc liền chốt: Điên mẹ nó cả lũ rồi. Nhà báo Hoàng Hải Vân bình: Chính quyền chỉ coi biển bằng cái mẹt, thì rồi dân sẽ coi chính phủ chỉ bằng cái vung.
Bọ Lập (nhà văn Nguyễn Quang Lập) chịu không nổi, lên FB than thở: Tui bị bệnh nặng, con gái (từ nội thành) gửi thuốc lên Củ Chi cho tui, shipper lên đến Tân Quy thì bị công an bộ đội dân phòng chặn lại. Họ bảo “hàng này không phải hàng thiết yếu”, giời ơi là giời.
Nói đâu xa, chính tôi cũng bị họ hành, hôm hết tiền ra cái cây ATM ở Bình Đăng cách nhà hơn cây số rút lương hưu. Đi thì trót lọt, họ chốt trên quốc lộ 50 vẫy tay cho qua, rút được. Về, tới chốt cũng chỗ ấy nhưng phía bên kia đường, một ông công an dứt khoát chặn, bắt phải quay lại, trong khi nhà tôi chỉ còn cách đó vài trăm mét. Định nói anh không cho về thì tôi cứ lì ra đây, đéo đi nữa. Lát sau có anh bộ đội tới bảo thôi chú đi đi. Cùng là “nhân dân” nhưng các anh quân đội nhân dân hình như thương dân hơn. Gặp mấy ông còn đảng còn mình đến là khổ.
20.9
Thầy Hải Triều, cựu chiến binh 6971 (nhập ngũ ngày 6.9.1971), cựu giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cám cảnh chuyện học trực tuyến:
Trực tiếp còn chẳng ăn ai
Nữa là trực tuyến on lai (online) ở nhà.
Bà bạn tôi Nguyễn Minh Huệ bảo mày ạ, tao không biết chúng nó nghĩ thế nào. Chúng thích online là đè con người ta ra bắt học, chắc cho rằng có gì là khó. Chúng đâu biết rằng muốn học 4.0 như thế thì trước hết phải đủ hạ tầng, có máy móc, internet, đường truyền, wifi, đã đăng ký thuê bao mạng miếc… Sống ở thành phố thì tạm cho được đi, nhưng nông thôn nghèo thấy mẹ, nhà có đứa con đi học, ăn chả đủ, tiền đâu mua máy tính, laptop, trả thuê bao internet. Ra chuồng trâu học nhờ mạng nhà hàng xóm chắc, học bằng điện thoại Oppo Tàu chắc. Rồi còn bọn oắt con tiểu học, khi học ở trường, ông bà bố mẹ và thầy cô giáo kèm như kèm tân binh vẫn chửa ăn ai, huống hồ để chúng ngồi một mình với máy. Tôi trả lời, thưa bà, kiểu gì thì không biết, chứ học on lai cầm chắc thất bại ở xứ mình lúc này. Rồi bà xem.
Hôm qua báo đăng có vụ tai nạn học online đầu tiên, ở Hà Nội. Hai bố con đang học, bố bận tí việc đi ra ngoài, con (9 tuổi) rảnh liền lấy chiếc kéo chọc vào ổ điện, bị điện giật chết, thương quá.
(còn tiếp)