Trong những ngày vừa qua, có một sự kiện có thể nói đã khiến dư luận thế giới chấn động, đó là việc Mỹ, Anh và Australia tuyên bố hình thành Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia có tên AUKUS (viết tắt của ba chữ AU-UK-US tức là Autralia-United Kingdom- United States) gắn liền với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ và Anh sẽ chia sẻ công nghệ và chuyên môn với Australia để giúp nước này đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên như một phần của hiệp ước an ninh và vì vậy, Úc đã bất ngờ xóa bỏ hợp đồng thương mại và chiến lược với Pháp trước đó là đặt hàng Pháp đóng 12 tàu ngầm chạy bằng diesel.
Tại sao lại chấn động, là vì đây không phải chỉ là việc hủy bỏ một hợp đồng thương mại, dẫn tới khủng hoảng ngoại giao giữa các nước liên quan, mà rõ ràng là cả một biến chuyển đang đột ngột diễn ra tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, thay đổi hoàn toàn cục diện chiến lược đương đầu với Trung Cộng của Hoa Kỳ và đồng minh, và do đó sẽ tác động đến các nước trong khu vực, trong đó có VN.
Báo chí quốc tế, báo chí VN và báo đài của cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng như trên các trang mạng xã hội, kênh youtube độc lập tiếng Việt đã có những ý kiến, nhận định khác nhau. Nhưng tóm lại, có những bài học khác nhau cho các nước liên quan cũng như không liên quan từ sự kiện này:
1. Quốc gia nào cũng đặt quyền lợi của mình lên trên hết. Vì quyền lợi chiến lược lâu dài của quốc gia thì ngay cả những mối quan hệ đồng minh lâu đời như giữa Úc và Pháp, giữa Anh và Pháp, giữa Mỹ và Pháp cũng có thể bị “hy sinh”.
2. Tuy nhiên, bất chấp những sứt mẻ, bất đồng gay gắt, thậm chí mất lòng tin nghiêm trọng, nhưng Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Úc…và các nước dân chủ cuối cùng vẫn cứ là đồng minh của nhau.
Những ngày qua chúng ta đã thấy phản ứng hết sức mạnh mẽ của Pháp trước vụ việc, đặc biết đối với Úc và Mỹ mà Pháp cho là “đâm sau lưng”, là “vụ phản bội thế kỷ”. Từ báo chí truyền thông cho đến các chính khách hàng đầu của Pháp đều lên tiếng chỉ trích với ngôn ngữ hết sức nặng nề. Trong một sự kiện hiếm có chứng tỏ mức độ giận dữ của nước Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã yêu cầu triệu tập các đại sứ tại Mỹ và Úc ngay lập tức, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đã hủy các cuộc họp với người đồng cấp Vương quốc Anh tại London…Trung Cộng tất nhiên khổng bỏ lỡ cơ hội để khoét sâu sự tức giận của Pháp và châu Âu, nhấn mạnh không thể tin nơi Mỹ. Nhưng sau một tuần hết sức căng thẳng, thông cáo chung của hai bên sau cuộc điện đàm giữa TT Mỹ Joe Biden và TT Pháp Emmanuel Macron ngày 22.9, cho biết hai nước Pháp-Mỹ cam kết xây dựng lại niềm tin đồng thời Đại sứ Pháp tại Mỹ sẽ quay trở lại Mỹ trong tuần sau. Trong lúc đó tình hình vẫn chưa được cải thiện giữa Úc và Pháp.
Một điều rõ ràng là Hoa Kỳ và các nước đồng minh như Anh, Pháp, Đức, Úc…từng sát cánh bên nhau trong nhiều cuộc chiến, cùng chia sẻ những gía trị chung về tự do, dân chủ, nhân quyền v.v…là những điều mà các nước không thể có hoặc chia sẻ với Trung Cộng, với Trung Cộng người ta chỉ có làm ăn kinh tế mà thôi, vì vậy nếu cho rằng Trung Cộng có thể “hưởng lợi” gì từ sự rạn nứt này là hơi vội vã.
3. Mặc khác, dù tình hình đã có vẻ lắng dịu bên ngoài, đối với Pháp và châu Âu, dư âm chua chát trong mối quan hệ với Hoa Kỳ không dễ gì tan đi. Điều này đã thúc đẩy EU một lần nữa nghĩ đến chuyện phải tự chủ hơn về quân sự, phải thành lập một quân đội riêng của châu Âu để tự bảo vệ mình, không thể quá phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Điều mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thúc đẩy từ nhiều tháng nay, và bây giờ sau vụ Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan mà không hề bàn bạc với các đồng minh hay vụ AUKUS, các quốc gia châu Âu càng phải suy nghĩ tỉnh táo hơn. Trong bài phát biểu trước Nghị Viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp, ngày15.09, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã lên tiếng hối thúc Liên Âu lập quân đội riêng.
Có thể sau rất nhiều năm trì hoãn, những hành động gần đây của Hoa Kỳ sẽ giúp cho các nước Liên Âu có thêm quyết tâm chính trị để làm điều này.
4. Với Trung Cộng, bài học rút ra là đừng ép người khác quá đáng. Suốt một thời gian dài, nước Úc đã cố gắng để cân bằng trong quan hệ đối với hai cường quốc là Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng càng ngày Úc càng thấy chơi với Trung Cộng không dễ. Chính vì sự bắt nạt của Trung Cộng mà trong những năm gần đây, thái độ của Úc đối với Bắc Kinh đã trở nên cứng rắn hơn. Chưa kể, Trung Quốc đã bị nghi ngờ can thiệp vào chính trị Úc và các cuộc tấn công mạng vào các tổ chức chủ chốt. Căng thẳng càng gia tăng vào năm ngoái khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của virus corona. Sau đó là một loạt các biện pháp trừng phạt của Bắc Kinh đối với hàng xuất khẩu của Úc.
Cuối cùng là khi buộc phải chọn phe, thì tất nhiên là Úc nhận thấy “cái dù” của Hoa Kỳ mạnh hơn Pháp nhiều, chưa kể 3 nước Mỹ, Anh, Úc cùng ngôn ngữ, cùng chia sẻ một phần lịch sử, Úc vẫn còn nằm trong khối Commonwealth, vẫn còn là “thần dân” của Nữ Hoàng Anh nên việc 3 nước này đi với nhau cũng dễ hiểu.
5. Hậu quả thứ hai từ sự hung hăng đó của Trung Quốc là chưa bao giờ nước này bị bao vây tứ phía như hiện tại. Chỉ riêng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đã có các liên minh phi quân sự như Bộ tứ Kim cương (QUAD) gồm có Hoa Kỳ, Úc, Ấn độ, Nhật Bản, liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes) gồm Hoa Kỳ, Anh, Úc, Canada và New Zealand, bây giờ lại thêm liên minh quân sự ba bên Úc-Anh-Mỹ AUKUS. Trong vài năm gần đây, chủ đề về Trung Quốc và sự trỗi dậy hung hăng của nước này đã trở thành mối quan ngại thường xuyên trong nhiều cuộc họp của các tổ chức, định chế quốc tế, nhưng rõ ràng càng ngày Trung Quốc càng cảm thấy gọng kìm của Hoa Kỳ và các nước đồng minh đang xiết chặt dần, trong khi đó điểm yếu nhất của Trung Cộng là không có đồng minh. Họ có thể liên minh với nước nào: Nga, Pakistan, Iran, Bắc Hàn?
6. Bài học cho các nước nhỏ trong khu vực: Liên minh AUKUS một lần nữa cho thấy quyết tâm chuyển trục về châu Á-Thái Bình Dương một cách rõ ràng hơn bao giờ hết, cũng như chính sách phối hợp với các đồng minh để bao vây, ngăn chặn Trung Cộng trên mọi phương diện. Những ngày qua, chúng ta thấy, một số quốc gia trong khu vực thường bị Trung Cộng bắt nạt, chèn ép cả về kinh tế lẫn chủ quyền, an ninh quốc phòng trong khu vực như Úc đã chọn phe dứt khoát, Đài Loan và Philippines đã lên tiếng ủng hộ AUKUS, còn VN tất nhiên là không bao giờ dám mở mồm, sợ làm mất lòng ông anh Trung Cộng.
Một chính phủ khôn ngoan là luôn luôn đặt quyền lợi của quốc gia, của dân tộc lên trên hết, và phải tính đường dài. Chơi với Mỹ, thì cũng phải tự lực, tự cường để không bị Mỹ coi thường, bỏ rơi, nhưng chí ít chơi với Mỹ thì còn trở nên giàu mạnh, còn chơi với Tàu cộng thì chẳng bao giờ giàu mạnh nổi mà còn bị lấn chiếm lãnh thổ lãnh hải, bị kìm hãm, và chỉ có thể trở thành nơi xài hàng phế thải cho Tàu.
Suốt hơn 7 thập niên qua, đảng CS đã luôn luôn có những chọn lựa sai lầm khi chọn đồng minh, chọn đường đi, chọn mô hình thể chế chính trị, chỉ vì đặt quyền lợi của đảng và sự tồn vong của chế độ lên trên hết, và lần này có lẽ họ cũng vậy thôi.
Các nước nhỏ hơn trong khu vực không phải nước nào cũng muốn chọn phe, không phải nước nào cũng muốn bị cuốn vào cuộc đối đầu giữa 2 cường quốc, nhưng nếu chọn đứng một mình thì chính phủ của nước đó phải tự hỏi tiềm lực của quốc gia về mọi mặt đã đủ mạnh để đứng một mình chưa, còn nếu chọn bạn thì phải cân nhắc chơi với ai ít thiệt hại hơn.
Điều đáng lo nhất đối với đảng và nhà nước cộng sản VN là tâm thức nô lệ, quen phụ thuộc quá sâu với Tàu-không chỉ về kinh tế mà quan trọng hơn là chính trị, tư duy, mọi đường lối chính sách đều nhất nhất rập khuôn theo Tàu, ngay cả chống dịch cũng học theo Tàu, sự kém cỏi, thiếu một tầm nhìn chiến lược cũng như sự ù lì, sợ thay đổi của họ. Họ chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục giữ nguyên đường lối chính sách ngoại giao “4 không” (mà thực chất là đi theo Tàu Cộng và lợi dụng Mỹ, phương Tây), cho tới mô hình thể chế chính trị độc tài độc đảng trong một thời gian vô hân định, nếu không có bất cứ một biến cố lớn nào trên cục diện thế giới hay một sức ép nào từ nhân dân đủ mạnh để buộc họ phải thay đổi.