Mông Cổ, một đất nước có dân số khoảng 3.3 triệu người, đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng cho người dân từ ngày 23 tháng 2 năm 2021 và cho đến nay đạt được tỷ lệ cao dân số được chích ngừa với khoảng 64% tổng dân số được tiêm chủng đầy đủ và 3.8% được tiêm một liều duy nhất. Đất nước này sử dụng 4 loại vaccine là Pfizer/BioNTech (BNT162b2), AstraZeneca (ChAdOx1-S), Sputnik V (Gam-COVID-Vac) và Sinopharm (BBIBP-CorV). Người trưởng thành chủ yếu được chích vaccine Sinopharm (chiếm 89,2% người lớn được tiêm chủng). Dù rằng là nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhưng những tháng gần đây, các đợt bùng phát dịch SARS-CoV-2 vẫn xảy ra trên diện rộng ở Mông Cổ. Để tìm câu trả lời cho những nghi vấn về “hiệu quả của vaccine” đã có một số nghiên cứu trên những người đã chích các loại vaccine khác nhau trong thời gian qua.
Nhóm nghiên cứu của Naranjargal J. Dashdorj đã thu thập mẫu huyết tương hồi tháng 7 vừa rồi từ 196 người Mông Cổ được tiêm chủng đầy đủ một trong bốn loại vaccine COVID-19 là Pfizer/BioNTech, AstraZeneca, Sputnik V hoặc Sinopharm (số lượng người trong từng nhóm lần lượt là 47, 50, 45 và 54, những người trong các nhóm được lựa chọn để cân bằng về độ tuổi, giới tính và thời gian sau khi chích liều thứ 2). Các mẫu này được dùng để thực hiện thí nghiệm đo khả năng bám của kháng thể có trong huyết tương lên vùng RBD (Receptor Binding Domain) protein S của virus SARS-CoV-2 từ đó tính “hiệu quả ngăn chặn” tương tác với thụ thể ACE2 (vốn được xem như cánh cửa chính virus dùng để xâm nhập vào tế bào con người). Kết quả cho thấy hiệu quả thấp nhất được ghi nhận ở các mẫu huyết thanh lấy từ người đã chích vaccine COVID-19 của hãng Sinopharm, tiếp theo sau đó là Sputnik V, cao hơn là AstraZeneca và mạnh nhất là của Pfizer/BioNTech. Sự kém hiệu quả nhất của vaccine Sinopharm được thấy ở tất cả các chủng virus bao gồm chủng gốc Vũ Hán và các biến chủng sau này như Alpha, Beta, Gamma, Delta, Epsilon, Kappa, Eta/Iota/Zeta, B.1.526.2, P.3. Ngoài ra, kết quả này khá tương đồng với nghiên cứu trước đó ở Hungary cho thấy ở người lớn tuổi (từ 60 tuổi trở lên) khi được chủng ngừa bằng vaccine Sinopharm có lượng kháng thể bảo vệ thấp hơn người trẻ (dưới 60 tuổi). Một nghiên cứu trước đó của cùng nhóm này, còn quan sát thấy rằng hiện tượng “vượt rào” (breakthrough) của virus SARS-CoV-2 xảy ra phần lớn ở nhóm người được chích vaccine của Sinopharm.
Tóm lại, mặc dù các nghiên cứu về vaccine của Trung Quốc còn rất ít so với các nghiên cứu vaccine khác nhưng những dữ liệu nghiên cứu khoa học cho đến nay ở nhiều nước đã sử dụng vaccine COVID-19 dạng virus bất hoạt của Trung Quốc nói chung và của Sinopharm nói riêng cho thấy “hiệu quả” của nó KÉM hơn nhiều so với các loại vaccine có độ tin cậy cao khác như Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca. Do vậy, việc sử dụng vaccine Trung Quốc nên được cân nhắc thật kỹ và chỉ lựa chọn nó khi không còn sự lựa chọn nào khác (nên coi đây là sự lựa chọn cuối cùng). Sự yếu kém này không chỉ mới thấy gần đây mà đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới như các nước tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Seychelles, Chile, Peru, Hungary, Indonesia, Thái Lan, v.v… và hầu hết các nước này phải cần bổ sung các liều vaccine phương Tây cho người dân đã được chích vaccine Trung Quốc để tăng hiệu quả bảo vệ. Do vậy, trước tình hình Việt Nam ngày càng có xu hướng phụ thuộc nhiều vào loại vaccine này thì mình đề nghị các nhà hoạch định chiến lược y tế cộng đồng cần phải có ngay kế hoạch chích bổ sung vaccine phương Tây cho những người đã chích vaccine Trung Quốc ngay khi có thể để đảm bảo an toàn cho họ./.
#coronavirus #sinopharm-vaccine