Cuộc chiến tổng lực huy động quân đội chính quy, công an, cảnh sát, dân phòng, vũ khí hiện đại xe tăng thiết giáp, rào sắt kẽm gai, xây dựng pháo đài, lô cốt, khắp thành thị nông thôn đã thành công rực rỡ đưa người dân đến cùng cực đói nghèo và tột đỉnh hoang mang. Đáng khích lệ hơn là trên 80.000 doanh nghiệp trong nước rời bỏ thị trường, các hiệp hội doanh nghiệp nội kêu than, hiệp hội doanh nghiệp ngoại ra tối hậu thư sẽ rời đi nước khác, ngân sách quốc gia trống rỗng. Lãnh đạo chuyển giọng lĩnh xướng “sống chung với dịch”, dàn đồng ca tuyên giáo hòa theo mở cửa bình thường mới. Kiên Giang mới đỏ quạch hóa xanh rờn. Hà Nội đang rối bời giấy đi đường cũ mới bỗng dưng năm cửa ô mở toang, đường phố bừng lên trẩy hội Trung Thu chừng như sắp đến ngày toàn thắng.
Thấy vậy mà không phải vậy, trong tư duy vĩ đại của lãnh đạo anh minh giấc mơ tan bóng giặc F0 vẫn còn đó, và thể chế tiên tiến của hệ thống chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc đang vận hành theo thời đại cơm chấm cơm quốc sách, tỉnh sách, huyện sách về đóng – mở đang đá nhau côm cốp giữa nơi này nơi khác, ngành này với ngành khác. E rằng điệp khúc nay mở mai đóng, những công văn khẩn thực hiện lúc 0 giờ sẽ còn tái diễn dài dài. Chuyện vui là tất cả sai lầm đều do lỗi thằng cấp dưới.
Thủ Tướng “sống chung” và Trưởng Ban “pháo đài”.
Sau nửa tháng mướt mồ hôi xây dựng pháo đài chống dịch, trực tiếp làm việc với hơn 9.000 phường xã, Thủ Tướng Phạm Minh Chính đã thay đổi tuyên ngôn. Ngày 02-09, Thủ Tướng tự diễn biến ‘Không thể sử dụng biện pháp cách ly, phong tỏa mãi được vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn’ (1)
Nghe Thủ Tướng nói dân tình phát ham, tưởng rằng được tháo cũi sổ lồng nam đi hớt tóc để phân biệt giới tính, nữ đi chợ để chứng tỏ ngoài mì gói còn có thứ khác gọi là thức ăn. Nhưng chiều 5/9, tại Trụ sở Chính phủ, ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố; 705 quận huyện; 9.043 xã, phường cả nước trong cả nước, đại diện lãnh đạo các địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, nêu những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, trong đó khẳng định chủ trương lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài, người dân là chiến sĩ trong phòng, chống dịch; việc tăng cường đưa dịch vụ y tế về cơ sở để phục vụ người dân ngay tại cơ sở là hoàn toàn đúng đắn.(2)
Ấy là do các địa phương yêu cầu tiếp tục phong tỏa nên ông Chính Trưởng Ban buộc lòng chấp thuận chứ ông nào muốn cách ly, phong tỏa làm gì! Chỉ có điều tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang lỏng tay không đếm đầu, không nhốt kỹ F0 đã bị mắng té tát trước bàn dân cả nước được báo đài, dư lợn viên mạng xã hội rầm rộ tung hê như tế sống.
Chỉ vài ngày sau đó, cũng làm việc trực tuyến lần này chỉ phát TiVI mà không đăng báo, Thủ tướng Chính lại thương dân mắng nhẹ chính quyền cấp dưới : “Có 1 ca F0 anh em phong tỏa cả khu phố. Một khu phố bị thì anh em phong tỏa cả huyện. Phong tỏa rồi làm gì thì không biết, không mục tiêu, lộ trình, không biện pháp, thấy có ca F0 ngoài cộng đồng lại phong tỏa…”
Có lẽ cấp dưới hiểu ý và tin cậy ông Chính Trưởng Ban hơn nên nhiều nơi nâng cấp chiến lũy kẽm gai lên trường thành với tole thiết, rào sắt hàn bịt kín đầu làng cửa hẻm. Xe tang, xe cấp cứu, xe vận chuyển oxy đều vô phương vận chuyển.
Ấy là do anh em cấp dưới.
Thành Hồ: Cách ly F0 là do cấp dưới hiểu lầm!
Logíc lỗi do cấp dưới trong chống dịch cũng xảy ra ở TP.HCM qua chuyện bóc tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng đưa vào các khu cách ly tập trung hay bệnh viện dã chiến. Phương pháp chống dịch này đã và đang được thực hiện trong cả nước đồng hành với pháo đài chiến lũy để tìm diệt F0. Với lượng người nhiễm quá đông, nên các nơi này đã trở thành “lò ấp Covid”, người nhiễm nhẹ vào lò nhiễm nặng, người nhiễm không có triệu chứng sẽ có triệu chứng, và khi trở nặng sẽ chuyển sang từ trần. Giới chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo mãi đến khi tất cả đều quá tải TP mới xin trên cho thí điểm cho F1 và rồi F0 được cách ly tại nhà. Nhờ đó lượng tử vong của TP đã giảm dần. Thế nhưng vì lý do nào đó có thể do muốn chuyển hóa nhanh các màu xanh, đỏ của địa bàn, tình trạng đưa F0 đi cách ly tập trung vẫn còn.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng đây là do cấp dưới hiểu nhầm, Sở Y tế đã ghi nhận tình trạng này và đã chấn chỉnh, nhắc nhở các quận, huyện thời gian qua. (3)
Nhưng dư luận và giới chuyên gia không chấp nhận cách cấp dưới hiểu lầm này vì song song với việc đưa cách ly là TP vẫn tiếp tục xét nghiệm truy tìm Covid đại trà. Ngày 17-9, trong cuộc làm việc với lãnh đạo TP, giới chuyên gia đã đồng loạt kiến nghị dừng ngay việc làm này vì rất tốn kém và không hiệu quả. Chỉ cần tập trung xét nghiệm nhóm có nguy cơ cao như: người giao hàng, nhân viên sân bay, nhân viên y tế, người cao tuổi… Gần 5 tháng qua, TP.HCM đã sử dụng hơn 9,6 triệu kit test xét nghiệm kháng nguyên nhanh. (4)
Thế nhưng sau hội nghị này, lãnh đạo TP lại đề xuất T.Ư phân bổ thêm 10 triệu bộ kit test. (5)
Việc test đại trà vừa không hiệu quả, tốn kém và có nhiều nguy cơ lây nhiễm, gây tổn thương cho người bị test đang là nỗi ám ảnh của người dân cả nước. Có thể nói không ngoa rằng, sau thời gian dài chịu đựng người dân không sợ Covid bằng sợ ngoáy mũi, cách ly. Ông Nguyễn Văn Nên ít nhất hai lần được các chuyên gia góp ý trong hai cuộc gặp vào tháng 7 và tháng này. Có lẽ ông không bảo thủ, không muốn khoét mũi dân nhưng vẫn phải làm vì sức ép nào đó từ trên. (6)
Quốc lộ mở đóng tùy theo từng tỉnh!
Câu chuyện bất nhất quản lý đi lại trên quốc lộ từ hơn 5 tháng qua vẫn tiếp tục kéo dài. Ngày xưa người ta “vượt biên” ra nước ngoài tìm tự do phải chịu khổ bắt bớ giam cầm cũng đáng. Ngày nay những người lao động nghèo bị thất nghiệp do dịch bệnh tự lực tìm đường về quê cũng trăm ngàn nỗi khổ. Không tính đến những trường hợp đi trái phép, không có giấy tờ, ngay trường hợp có đủ giấy tờ nhưng nơi này cho nơi khác cấm mới là đỉnh cao trí tuệ của chính quyền nhân dân.
Một nhóm ngư dân quê ở Kiên Giang và An Giang đánh cá thuê bị mất việc mua xe đạp đi từ Nam Định về quê. Qua mỗi tỉnh họ phải bỏ tiền xét nghiệm Covid làm giấy thông hành đi tiếp. Ngày 20-9 họ đến chốt kiểm soát dịch Cái Chanh, huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) tất cả đã gần như kiệt sức, tiền trong người cũng sắp cạn. Sau khi cho ăn uống, chốt kiểm dịch đã quyên góp tiền trong đơn vị và các nhà hảo tâm được một số tiền, thuê xe cho 12 người tiếp tục hành trình. đến chốt kiểm dịch của tỉnh Bình Dương thì bị yêu cầu quay lại, dù cả nhóm đã cam kết chỉ đi qua, không dừng đỗ. Cả nhóm phải quay trở lại Đắk Nông. (7)
Tương tư như vậy nhưng ở chiều ngược lại, 15 người lao động từ Trà Vinh và hơn 10 người khác từ các tỉnh Kiên Giang, Vĩnh Long (quê ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Thanh Hóa…) bị chốt kiểm soát dịch Covid-19 của tỉnh Long An chặn lại trên QL1 không cho qua nên phải ở tại Tân Hiệp Tiền Giang, sống vật vựa bên mái hiên một cửa hàng xe máy.
Họ có giấy test nhanh Covid-19 âm tính còn trong thời hạn 72 giờ (khi đến chốt Long An); giấy đi đường do bà Cao Thị Hồng Gấm, Phó chủ tịch UBND TX.Duyên Hải, ký ngày 17.9 về việc “cho phép công nhân có nhu cầu cần thiết di chuyển khỏi địa phương” kèm theo công văn thông báo 3064/UBND-BC của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh về việc “ủy nhiệm, xem xét quyết định cho phép công dân di chuyển khỏi địa phương” ký ngày 9.9.
Các giấy tờ trên và được các chốt kiểm soát dịch tại các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long… chấp nhận cho qua. Nhưng đến chốt của tỉnh Long An thì bị chặn lại. Lực lượng trực chốt cửa ngõ tỉnh Long An lý giải rằng TP.Tân An đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng nên không thể cho họ qua địa bàn. (8)
Gặt lúa, đánh cá cũng bị giãn cách!
Dù Thủ Tướng đã thức thời, tuyên bố sống chung với dịch nhưng cứ do lỗi của địa phương nên cửa các pháo đài vẫn đóng dù là biển, là đồng nơi không thể phát sinh dịch bệnh.
Một chuyện trời ơi đất hỡi nằm ngoài y văn thế giới mà các chuyên gia dịch tể cũng phải chào thua đó là các “pháo đài” chống dịch được xây trên biển hay trên đồng lúa vốn là môi trường thông thoáng đầy nắng gió không có chỗ cho Covid nương thân.
Ấy vậy mà sau nhiều tháng bị gián cách không cho ra biển, mới đây, Bà Rịa Vũng Tàu hé mở cho ngư dân đi đánh cá theo yêu cầu các chủ thuyền nan, thúng máy phải ký cam kết 50% số lượng thuyền đánh bắt theo ngày chẵn và 50% còn lại đánh bắt theo ngày lẻ. Ngư dân sẽ ra biển và trở về trong ngày (9)
Không phải kẻ xấu xuyên tạc mà chính thanh kiếm, lá chắn của đảng, báo CATPHCM phải lên tiếng với bài viết “Đồng bằng sông Cửu Long: Cứu lúa…”
Bài báo viết rằng “các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản trong tình trạng ùn ứ chờ thương lái. Đặc biệt, lúa hè thu đến kỳ thu hoạch ngã rạp ngoài đồng, trong khi nông dân đang mong các cơ quan chức năng cứu lúa…” Vựa lúa Việt Nam gồm các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang có hàng triệu tấn lúa đến kỳ thu hoạch nhưng công suất máy suốt tại địa phương chỉ đáp ứng 50 đến 60% sản lượng, do giãn cách nên không thể thuê máy và nhân công từ nơi khác đến. Nguồn máy và nhân công tại chỗ cũng phải xét nghiệm covid mới được ra đồng nên chi phí tăng cao.
Cách doanh nghiệp thu mua không thể hoạt động nên dù thu hoạch xong vẫn bị khê đọng không phơi sấy, chế biến kịp thời sẽ bị hao hụt đến 30% sản lượng. (10)
Thật tình là không có cách nào làm dân nghèo nhanh và triệt để hơn cách làm này.
Chỉ mua vacxin Tàu!
Thủ Tướng tùng tuyên bố chống dịch không sợ tốn tiền.Thật vậy, chính phủ vung tiền không thương tiếc mua kit test ngoáy mũi đại trà. Không tiếc tiền không vận đưa quân đội từ Bắc vào Nam. Tiền quỹ vacxin dư thừa gửi tiết kiệm. Ấy vậy nhưng với phương tiện, vũ khí khả dĩ duy nhất là vacxin thì chính phủ chưa tiêu tốn mấy tiền.
Con số 150 triệu liều vacxin Anh Mỹ Bộ Y Tế công bố đặt mua từ đầu năm đến nay vẫn chưa hề về bến. Những Pfizer, Moderna, AstraZeneca tất thảy đều là của tặng cho.
Vacxin thực mua chỉ là Vacxin Tàu. Sau 5 triệu liều của Vạn Thịnh Phát, mới đây chính phủ đã ưu ái ra nghị quyết mua 10 triệu liều vacxin Tàu.(11)
Khẩu hiệu “Vacxin tốt nhất là vacxin sớm nhất” nghe chừng bất nhẫn trước bài học thực tế của lân bang từ Campuchia, Indonesia đã tiêm vacxin Tàu hơn 50% dân số mà dịch vẫn bùng. Mỹ, EU đã hoài nghi, không thừa nhận vacxin Tàu vì thiếu dữ liệu khoa học nhưng ngay các nước nhược tiểu quanh ta cũng chia tay với nó vì thực tế vô hiệu hoặc hiệu quả kém. Sao lại buộc con cháu Bác Hồ phải xài vacxin Tàu?
Sau ngoáy mũi, cách ly, vacxin Tàu là nỗi ám ảnh thứ ba lớn hơn Covid của người dân Việt. Sợi dây thòng lọng thẻ xanh của thời mở cửa buộc người ta phải chấp nhận chết vì vacxin còn hơn chết đói.
Những quyết sách mở đóng chập chờn, đánh xuôi thổi ngược trong chống dịch Covid lần này là thực tế chứng minh rõ nhất mục tiêu vì dân, phục vụ nhân dân cũng như năng lực điều hành quản lý của nhà nước và thể chế chính trị cầm quyền.
2- thang-dich-benh-la-chien-thang-cua-nhan-dan-663314/
3-https://plo.vn/suc-khoe/lanh-dao-so-y-te-tphcm-gom-f0-di-cach-ly-tap-tru…
4-https://thanhnien.vn/thoi-su/de-nghi-dung-xet-nghiem-dien-rong-vi-ton-ke…
5-https://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-de-xuat-phan-bo-them-10-trieu-bo-kit-…
6-https://thanhnien.vn/thoi-su/long-an-lai-chan-ql1-khien-hang-chuc-cong-d…
7-https://tuoitre.vn/12-ngu-dan-dap-xe-hon-1-000km-tu-nam-dinh-ve-kien-gia…
9-https://nongnghiep.vn/chinh-quyen-ly-giai-viec-cap-the-cho-ngu-dan-danh-…
10-https://congan.com.vn/thi-truong/cuu-lua_119454.html
11-https://www.vietnamplus.vn/nghi-quyet-cua-chinh-phu-ve-viec-mua-10-trieu…