Hệ thống truyền thông chính thức vừa đồng loạt loan báo, Cơ quan Điều tra (CQĐT) của Viện Kiểm sát Tối cao (Viện KSTC) vừa tiến hành khám xét tư gia của ông Phùng Anh Lê, tọa lạc tại phố Nhân Hòa, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Sở dĩ vụ khám xét này được báo giới quan tâm vì ông Lê là Đại tá, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố Hà Nội. Cách nay bảy tháng (2/2021), Công an Hà Nội đã đình chỉ công tác của ông Lê vì liên quan đến một vụ án do Viện KSTC điều tra (1)…
Đại khái, hồi còn là Trưởng Công an huyện Tây Hồ, ông Lê và một số thuộc cấp nhận hối lộ để… tha bổng tội phạm!.. Năm 2016, Nguyễn Hữu Tài – trùm du đãng chuyên cho vay nặng lãi – vây bắt một công dân vì chậm trả nợ. Trên đường đưa nạn nhân về nơi giam giữ, Tài và đàn em sơ hở nên nạn nhân chạy vào Công an phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội cầu cứu… Chưa rõ tại sao Công an quận Tây Hồ nhận thụ lý vụ “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” này?
Lúc đó, tuy Tài và đàn em thừa nhận đã bắt, giữ con nợ nhưng Công an quận Tây Hồ kết luận: Không đủ chứng cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự nên tha đám du đãng này rồi tổ chức cho Tài… hòa giải với nạn nhân! Tài đồng ý bồi thường cho nạn nhân 15 triệu. Vụ vây bắt – khống chế con nợ đem đi giam để khảo của không thành án!..
… Bốn năm sau, khi tiến hành điều tra một vụ án mạng xảy ra ở huyện Thuận Thành (2/2020), Công an tỉnh Bắc Ninh phát giác, sở dĩ hung thủ – Lê Thanh Hưng, Kiến trúc sư, 30 tuổi, sinh quán Bắc Ninh nhưng có trú quán ở quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội – giết bác ruột là để có tiền… “chung” cho… Công an quận Tây Hồ!
Theo Hưng, anh ta từng bị Công an quận Tây Hồ bắt vài lần vì trộm cắp. Năm 2019, Hưng lại bị bắt và lần này bị khởi tố, truy tố rồi bị đưa ra xét xử nhưng vì đã đút cho cả công an lẫn tòa án 600 triệu, Hưng chỉ bị phạt 30 tháng tù. Do muốn được thi hành án tại Nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ, Hưng giết bác ruột để có tiền… nuôi công an!
Đầu năm nay, sau hai lần xét xử, cả tòa cấp sơ thẩm lẫn phúc thẩm ở tỉnh Bắc Ninh đều phạt Hưng tử hình, dù Hưng liên tục xin giảm nhẹ hình phạt bởi bị… công an ép chung tiền (2)! Cần lưu ý là sau khi phát giác mục đích giết người của Lê Thanh Hưng, Công an Bắc Ninh đã chuyển hồ sơ cho Công an thành phố Hà Nội hồi 2020 nhưng Công an thành phố Hà Nội không làm gì cả. Đại tá Lê được điều chuyển từ Công an quận Tây Hồ về làm Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế của Công an thành phố Hà Nội!
Sở dĩ CQĐT của Viện KSTC – nơi có thẩm quyền điều tra các hành vi phạm pháp của những cá nhân trong hệ thống tư pháp (sĩ quan công an, kiểm sát viên, thẩm phán, nhân viên tòa án,…) – điều tra vụ án liên quan đến Đại tá Lê vì Nguyễn Hữu Tài đầu thú, thú nhận, năm 2016, vợ Tài chi tiền cho Công an quận Tây Hồ để Tài và đàn em không bị khởi tố dù chính họ thừa nhận đã “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”. Cuộc điều tra về ông Lê dường như không dễ…
Chưa biết vì sao đầu năm nay Tài và bốn đàn em lần lượt đầu thú về hành vi phạm tội trước đó đã năm năm và đã được miễn trừ trách nhiệm hình sự. Sau khi đầu thú, tháng 4 vừa qua, họ bị truy tố vì “cướp tài sản” và phải hầu tòa. Vợ Tài khai với tòa đã chi cho Công an quận Tây Hồ 100 triệu đồng để Công an quận Tây Hồ tổ chức cho Tài và đàn em… hòa giải với nạn nhân. Tài bị phạt hai năm tù, bốn đàn em bị phạt từ 15 đến 20 tháng tù, trong đó có người được hưởng án treo (3).
Báo chí Việt Nam cho biết, ngoài Đại tá Lê, dính dáng đến việc nhận hối lộ của Tài để tha nhóm du đãng này còn có hai sĩ quan công an nhân dân khác là Phạm Quý Hải và Nguyễn Đức Châu. Ông Hải giờ đã là Thượng tá – Phó Công an quận Tây Hồ. Ông Châu giờ đã là Trung tá – Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự của Công an quận Tây Hồ.
Dường như Đại tá Phùng Anh Lê chỉ mới bị tạm giữ sau khi CQĐT khám xét tư gia của ông ta, chưa biết ông ta sẽ bị khởi tố về tội gì? Khởi tố bao nhiêu tội? Ngoài ông ta và ba thuộc cấp còn bao nhiêu sĩ quan công an, kiểm sát viên, thẩm phán ở quận Tây Hồ hay những cấp cao hơn dính líu trong việc bao che cho tội ác để kiếm tiền và gián tiếp kích thích việc tạo thêm những tội ác mới như trường hợp Lê Thanh Hưng giết bác ruột để có tiền… nộp cho công an?
***
Những sĩ quan công an nhân dân như Phùng Anh Lê, Phạm Quý Hải, Nguyễn Đức Châu,… không phải là cá biệt. Tháng 5 vừa rồi, CQĐT của Viện KSTC đã khởi tố bốn sĩ quan của Công an huyện Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng: Trung tá Đinh Đình Việt, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm hình sự kinh tế và ma túy. Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, Đội phó Đội điều tra tổng hợp, Thượng úy Đỗ Hữu Dũng – Đội phó và Thượng úy Nguyễn Viết Công – cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội…
Giữa tháng 11 năm ngoái, Đội Điều tra tổng hợp và Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội kiểm tra một quán karaoke tại phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn và phát giác 25 người có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên Thiếu tá Cường đột ngột ra lệnh ngưng lấy lời khai để các dương sự gọi điện thoại cho thân nhân và sau đó lần lượt thả hết cả 25 người. Theo tố cáo của một Thiếu tá tên Trịnh Văn Khoa thì các Điều tra viên được lệnh làm lại hồ sơ. Do họ từ chối, vụ này được giao cho các sĩ quan khác thụ lý (4).
Đó là lý do Thiếu tá Khoa tố cáo. Không phải tự nhiên mà Thiếu tá Khoa không gửi Đơn Tố cáo cho lãnh đạo Công an quận Đồ Sơn, lãnh đạo Công an thành phố Hải Phòng mà gửi cho lãnh đạo Bộ Công an và CQĐT của Viện KSTC rồi… nộp đơn xin nghỉ việc (4). Trên thực tế lãnh đạo Bộ Công an không làm gì cả, họ chỉ chuyển cho lãnh đạo Công an thành phố Hải Phòng xem xét. Công an thành phố Hải Phòng đang… xem xét thì CQĐT của Viện KSTC khởi tố vụ án và khởi tố các sĩ quan công an có liên quan.
Lực lượng bảo vệ trật tự, trị an, thực thi luật pháp ở Việt Nam được gọi là… công an nhân dân. Người Việt phải đóng góp nuôi lực lượng này trong 76 năm nhưng nếu tổ chức khảo sát, chắc chắn tỉ lệ người Việt nhìn nhận đó là lực lượng của mình, do mình, vì mình sẽ rất thấp.
Làm sao có thể hài lòng khi lực lượng này nuốt chửng ngân sách gấp vài lần ngân sách dành cho giáo dục, y tế nhưng công an nhân dân càng ngày càng càn rỡ, các loại tội phạm càng ngày càng lộng hành, xã hội càng ngày càng hỗn loạn, bất an trở thành cảm giác thường trực của thường dân?
Do dân nuôi nhưng Điều 4 của Luật Công an nhân dân xác định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động: Công an nhân dân được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của đảng CSVN, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an.
Chú thích
#côngancsvn