Trân Văn – VOA
Sau Hà Tĩnh (1), tới lượt Cà Mau quyết định tạm dừng dạy và học qua Internet đối với học sinh bậc tiểu học (2).
Giống như Hà Tĩnh, Cà Mau đưa ra quyết định như vừa kể vì nhiều phụ huynh không sắm được thiết bị, hiệu quả thực tế không cao.
Chưa biết sắp tới còn những địa phương nào quyết định như Hà Tĩnh, Cà Mau nhưng có thể khẳng định, Bộ Giáo dục – Đào tạo (GDĐT) lại tiếp tục thất bại về chủ trương.
Chẳng riêng các chuyên gia, ngay cả dân chúng cũng có rất nhiều người lên tiếng can gián Bộ GDĐT, đừng cố gắng khai giảng niên khóa mới giữa đại dịch cho… đúng hạn. Dạy và học trực tuyến khó khả thi vì cả giáo viên lẫn học sinh phụ thuộc hoàn toàn vào thiết bị, vào Internet, trong khi thiết bị thì thiếu, Internet không ổn định. Đó là chưa kể hạ tầng – những phần mềm hỗ trợ dạy và học – chẳng có bao nhiêu, nếu có thì chưa hợp lý, cả thầy lẫn trò đều chưa quen dùng,… chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Không phải tự nhiên mà cuối niên khóa trước (2020 – 2021), tỉnh Hà Nam quyết định tạm dừng dạy và học, kể cả dạy và học trực tuyến đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 11. Vào thời điểm đó ((5/2021), Giám đốc Sở GDĐT Hà Nam giải thích, sau hai tuần thử nghiệm dạy và học trực tuyến, vì nhiều lý do, không nơi nào đạt 100% học sinh tham gia thường xuyên, đặc biệt là khu vực nông thôn nên tỉnh này quyết định tạm dừng dạy và học trực tuyến để không bỏ học sinh nào rơi lại phía sau (3)…
Chắc chắn lãnh đạo Bộ GDĐT – cơ quan thay mặt chính phủ tổ chức, quản trị và điều hành hoạt động giáo dục trên phạm vi toàn quốc – phải thấy điều mà từ chuyên gia đến dân chúng cùng thấy nếu áp dụng dạy và học trực tuyến cho cả trẻ con ở bậc tiểu học và chắc chắn họ phải biết lý do dẫn tới những quyết định như quyết định của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở tỉnh Hà Nam. Thế thì tại sao họ vẫn quyết định khai giảng niên khóa mới (2021 – 2022) vào hạ tuần tháng 8, vẫn thay mặt chính phủ ra lệnh “tạm dừng đến trường nhưng không tạm dừng việc học” (4)?..
Chủ trương “tạm dừng đến trường nhưng không tạm dừng việc học” đã tạo ra vô số chuyện dở khóc, dở cười và có lẽ không thể tìm thấy những câu chuyện tương tự ở bất kỳ đâu trên hành tinh này dù nhân loại trên toàn cầu cũng đang chật vật đối phó với đại dịch COVID-19. Chẳng hạn ở Hà Nội, do bị đặt trong tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt, phụ huynh phải lén lút đi tìm, mua sắm sách vở cho con, cháu (5). Chẳng hạn ông bà phải dẫn cháu lên đồi, tìm sóng điện thoại, dựng lều cho cháu có thể… học trực tuyến (6)…
Đáng ngạc nhiên là giữa tuần vừa qua, dẫu Bộ GDĐT – cơ quan thay mặt chính phủ tổ chức, quản trị và điều hành hoạt động giáo dục trên phạm vi toàn quốc – nhận ra: Khảo sát tại 26 tỉnh, thành phố đang thực hiện dạy và học trực tuyến do dịch COVID-19, có tới 1,5 triệu học sinh chưa có thiết bị để học tập (7) nhưng ngoài việc thông báo ráo hoảnh như thế, cơ quan này nói riêng và chính phủ nói chung không làm gì cả cho dù điều đó đồng nghĩa sẽ có ít nhất… 1,5 triệu học sinh bị bỏ lại phía sau.
***
Vì nhiều lý do, rất nhiều phụ huynh Việt Nam không biết Khan Academy (8). Khan Academy là sáng kiến của Salman Amin Khan (một người Mỹ gốc Bangladesh), thường được gọi tắt là Sal Khan. Sal Khan sinh năm 1976. Năm 30 tuổi, từ việc phải dạy kèm toán cho một người em họ sống ở xa, Sal Khan bắt đầu dựng các video clip ngắn để giảng bài và post những video clip này lên You Tube. Năm 2009, Khan bỏ việc để dành toàn bộ thời gian, công sức cho Khan Academy.
Khan Academy là một trang web miễn phí – nơi không chỉ có các bài giảng ngắn, dễ hiểu về rất nhiều môn học. Khan Academy còn cung cấp bài tập cho người học tự rèn luyện và người dạy có thể dựa vào đó để yêu cầu học sinh của mình thực hành, chấm điểm. Giờ, Khan Academy đã mở rộng phạm vi hoạt động, bày ra những video clip để cung cấp thêm thông tin, tri thức cho những người tốt nghiệp đại học, đang muốn tích lũy các kỹ năng cần thiết để tìm việc làm.
Nhiều, rất nhiều trường học các cấp ở cả Mỹ lẫn châu Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi đã cũng như đang khai thác các công cụ hết sức đa dạng trên Khan Academy để hỗ trợ công cuộc giáo dục của mình. Nhiều, rất nhiều học sinh trên thế giới cũng đang sử dụng Khan Academy để mở mang tri thức, rèn luyện kỹ năng. Từ khi đại dịch COVID-19 bùng lên, lan rộng, Khan Academy trở thành một phương tiện không thể thiếu trong dạy – học trực tuyến, cho dù nhiều trường học vẫn còn sử dụng các phương tiện hỗ trợ khác.
Không ai phải trả đồng nào dù cần ôn luyện những môn bình thường hay cần luyện thi SAT (kiểm tra năng lực trí tuệ để bổ sung hồ sơ xin xét tuyển vào đại học tại Mỹ), MCAT (kiểm tra năng lực trí tuệ để bổ sung hồ sơ xin xét tuyển vào các trường y tại Mỹ), LSAT (kiểm tra năng lực trí tuệ để bổ sung hồ sơ xin xét tuyển vào các trường luật tại Mỹ)…
Khan Academy tồn tại và phát triển nhờ sự đóng góp của công chúng trên toàn thế giới – những người quan tâm đến giáo dục, hoặc cảm kích vì sự giúp đỡ vô vụ lợi của Khan Academy và nhờ sự giúp đỡ của một số quỹ phát triển giáo dục phi chính phủ như The Bill & Melinda Gates Foundation, Musk foundation,… tập đoàn như Google, AT&T,…
Các bài giảng, công cụ hỗ trợ dạy và học trực tuyến của Khan Academy đã được dịch từ tiếng Anh ra 27 ngôn ngữ khác (9). Do tình cờ mà kẻ viết bài này biết một nhóm đang hỗ trợ chuyển ngữ các bài học, công cụ hỗ trợ dạy và học trực tuyến của Khan Academy sang tiếng Việt, trong đó có một số đứa trẻ vẫn còn chưa tốt nghiệp trung học. Một phần của Khan Academy tiếng Việt hiện đã ra mắt và hoạt động.
Hãy tìm hiểu về Khan Academy. Cứ đặt website và những thông tin liên quan đến Khan Academy bên cạnh chủ trương “tạm dừng đến trường nhưng không tạm dừng việc học” cũng như thực trạng dạy và học trực tuyến tại Việt Nam, chắc chắn sẽ phải tự hỏi mục tiêu thực của giáo dục – đào tạo ở Việt Nam là gì? Vì ai? Tại sao? Đồng thời cũng sẽ thấy, việc các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền bi bô về… công nghệ 4.0, về chuyển đổi số, kể cả chuyển đổi số trong giáo dục (10) bịp bợm như thế nào!
Chú thích
(5) https://www.facebook.com/100002998783475/posts/4037039939739259/
(6) https://www.facebook.com/100004104848802/posts/2775604372586364/
(8) https://www.khanacademy.org/