Việc nhiều tờ báo lớn đồng loạt dẫn lời bộ trưởng tài chính nói: “ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào” để chưa đầy một ngày sau trước phản ứng và lo lắng tột độ của dư luận thì sửa bài và đăng đàn “nói lại” một cách “thản nhiên” khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Thực ra thì những việc thế này vốn quen thuộc trong làng “báo chí cách mạng” của ta lâu nay, đó là việc các tờ báo sau khi đăng bài thì gỡ/ sửa/ thay… Bản thân tôi không có bất ngờ hay cảm xúc gì đặc biệt trước các sự kiện như thế, vì cũng như một người bạn lớn đang làm biên tập viên tại một tờ báo to đã nói với tôi thì “800 trăm tờ báo chỉ có 1 tổng biên tập” nên việc “thay đổi” là một lẽ đương nhiên, là chuyện thường ngày ở huyện.
Cái làm tôi suy nghĩ là một chuyện khác. Tờ chinhphu.vn viết “Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: Không có chuyện ngân sách cạn kiệt”, baogiaothong.vn thì nêu rõ “Bộ Tài chính cũng đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin không chuẩn xác thông tin lại đúng nội dung để bạn đọc, người dân hiểu rõ”, cũng tờ này dẫn lời bộ trưởng tài chính nói “Nội dung thông tin này làm độc giả hiểu sai tình hình ngân sách nhà nước”. Vậy là rốt cuộc báo chí và người dân sai chứ người phát ngôn (tức ông bộ trưởng) không sai.
Ở đây có mấy vẫn đề đặt ra. Nếu báo chí sai thì quả là tệ hại, làm sao mà một lời phát biểu (“báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội” thì phải có file hình file tiếng) của bộ trưởng mà có thể đồng loạt chép sai, lại chép sai giống y nhau như vậy? Chẳng lẽ lỗ tai và năng lực “tập chép” của các nhà báo lại thua cả học sinh tiểu học ư? Và nếu sai nghiêm trọng, làm thay đổi hẳn đi nội dung phát biểu của ngài bộ trưởng thì báo chí phải chịu trách nhiệm gì chứ, sao có thể dung thứ được! Còn nếu báo chí không sai thì chỉ có thể là diễn đạt của bộ trưởng có vấn đề, vậy thì trong trường hợp đó đích thân bộ trưởng phải xin lỗi báo chí và dư luận chứ không thể “đề nghị” các tờ báo “thông tin lại” như thể bản thân mình không hề có lỗi gì được. Ở đâu ra cái kiểu mà mình làm sai lại bắt người khác phải chịu trách nhiệm sửa sai như thế?
Tuy nhiên, bên trên vẫn chưa phải là vấn đề mà tôi thấy có…vấn đề nhất. Cái tôi lo lắng và bất bình nhất chính là tư cách nhà báo. Nếu các anh nhà báo đã ghi lại đúng lời bộ trưởng nói thì các anh không thể lẳng lặng sửa/ gỡ khi họ ra lệnh như thế được. Có thể đúng là “không có chuyện ngân sách cạn kiệt” (và điều ấy thật may mắn!), mà đây chỉ là một “sự cố” do diễn đạt chưa rõ ràng, chưa chuẩn xác, vậy thì dứt khoát nó không phải thuộc về nhà báo, mà là do ngài bộ trưởng. Nếu thế, khi người khác làm sai, hà cớ làm sao các anh (những nhà báo) lại im lặng chấp nhận như thể chính mình đã sai? Các anh (và tờ báo của mình) không thấy cần phải bảo vệ danh dự, lòng tự trọng và sự tôn nghiêm ngòi bút cùng tư cách ư?
Tôi gọi sự im lặng này, sự sửa/ gỡ này là nhục nhã. Vẫn sẽ sửa/ gỡ bình thường vì đó là việc nên, nếu thông tin ấy là không chính xác và gây hại nhưng không thể hành động như thể chính mình sai trong khi lỗi thuộc về người khác; còn nếu lỗi thuộc về chính các anh (nhà báo và tờ báo) thì hoặc các anh phải công khai xin lỗi hoặc phải chịu sự chế tài, chứ không thể cứ lờ đi, rồi lẳng lặng, lén lút một cách rất thiếu tư cách như thế được./.
Thái Hạo