Nạn văn mẫu theo cái nhìn của Gs. Trần Đình Sử

- Quảng Cáo -
GS Trần Đình Sử đẩy hết vấn nạn “văn mẫu” là do chủ trương và cách quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chung quy cũng bởi bệnh thành tích mà ra!
Đúng! Không sai tẹo nào!
Tôi chỉ điều chỉnh và bổ sung thêm.
Tôi còn nhớ như in, vào khoảng thời gian 1997 – 2006, Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển bị đại biểu quốc hội chất vấn về tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông thấp (khoảng 60, 70%) xoay quanh câu hỏi: “Vì sao có chuyện học một đằng thi một nẻo dẫn đến nhiều em không làm bài được?” Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển lúng ta lúng túng và hứa khắc phục theo cách “học gì thi nấy”. Tốt nghiệp năm sau và nhiều năm sau nữa, cái gọi là “học gì thi nấy” đã khai sinh lối dạy học phục vụ cho các kỳ thi để lấy thành tích cho ông Bộ trưởng chứ không phải học để có năng lực làm người, làm công dân tự chủ, sáng tạo. Đã dạy học chỉ để thi lấy thành tích thì chỉ có cách dạy theo mẫu, học theo mẫu và thi theo mẫu. Cũng từ đó mới có chuyện tỷ lệ đậu tốt nghiệp 90 đến 99%!
Không chối cãi, mẫu là do giáo sư, tiến sỹ đẻ ra theo chủ trương của Bộ. Lò luyện thi cũng chỉ là cháu chắt của chủ trương này chứ không phải là ông nội của văn mẫu như GS.Trần Đình Sử đánh đồng tội trạng.
Một Bộ trưởng không đủ bản lĩnh đối thoại, để cho các học viên tại chức tại nghị trường dắt mũi theo kinh nghiệm học tủ và thi chép tài liệu của họ là nguyên nhân chính dẫn đến thảm hoạ văn mẫu (và không chỉ văn mẫu). Sự thực là vậy!
Dạy học và làm bài theo mẫu không đơn giản là “không có gì” như GS. Trần Đình Sử nói mà nguy hiểm hơn là học làm nô lệ, học thói ăn cắp. Tội không hề nhỏ khi nó đã làm hại nhiều thế hệ!

Chu Mộng Long

- Quảng Cáo -