Chính trị ảnh hưởng đến tất cả chúng ta – Quá đúng!

Chính trị ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Ảnh chụp Youtube Việt Tân
- Quảng Cáo -

TS Trần Diệu Chân – Việt Tân

Ngày 9/9/2021

Trước hết, xin cảm ơn bài viết sâu sắc “Chính trị ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, những người bình dân ạ của tác giả Nguyên Sa với những đóng góp giá trị của Đoan Trang, nhà hoạt động mà tôi rất trân quý và mến mộ.

Cảm kích bài viết và đồng ý với mọi chia sẻ của cả hai tác giả, tôi xin được góp thêm một vài ý nhỏ trong nỗ lực chung hướng về đất nước.

Quyền chính trị và định nghĩa cốt lõi

- Quảng Cáo -

Về quan niệm chính trị chỉ xảy ra trong phạm trù công, thì thật ra trong các hãng xưởng tư tại Mỹ, người ta hay ta thán về hiện tượng politicking – tức tạo ảnh hưởng qua việc móc nối, vận động người có quyền lực, tạo bè phái, ém tài hay dìm đường thăng tiến của đồng nghiệp. Do đó, định nghĩa 4 là đúng nhất (xin trích)

“Chính trị là việc gây ảnh hưởng đến người khác, chẳng hạn và rõ rệt nhất là tác động lên chính sách.

Với định nghĩa này thì chính trị là thứ có mặt trong mọi hoạt động, tương tác xã hội. Khi bạn muốn tác động đến một ai đó để thay đổi tình huống theo cách bạn muốn, bản chất của việc đó đã là làm chính trị rồi. Nếu hiểu theo nghĩa này, có lẽ chúng ta đang làm chính trị mỗi ngày.”

Vậy chính trị là việc làm thiết yếu trong mọi lãnh vực của đời sống, và tự nó không hề xấu.

Thành kiến “chính trị là xấu” do đâu mà có?

Quan điểm tiêu cực “chính trị là nơi người ta tranh giành quyền lực với nhiều thủ đoạn đê hèn” bắt nguồn từ những kinh nghiệm đau thương với những thể chế hay nhân tố độc tài. Vì thế chữ “chính trị” thường bị hiểu sai là “xấu” và hạn hẹp theo định nghĩa là “tham chính” (tức tham gia vào guồng máy chính trị của đất nước). Nhưng trên thực tế, các chính trị gia và các nhà hoạt động chân chính, yêu nước đều có mặt trong mọi quốc gia, ở mọi thời đại để tranh đấu hay hoạt động chính trị – tức tạo ảnh hưởng – cho những thay đổi tốt đẹp trên quê hương mình, với nhiều nỗ lực và hy sinh cá nhân, thông qua guồng máy chính quyền và các chính sách, hay bên ngoài chính quyền trong mọi lãnh vực giáo dục, kinh tế, xã hội, y tế, v.v…

Một yếu tố rất tự nhiên về con người, đó là quyền lực dễ bị tha hóa; vì vậy cần có một hệ thống kiểm soát và cân bằng quyền lực (balance and check). Ngay cả trong những thể chế dân chủ hàng đầu như nước Mỹ với nền móng luật pháp vững chắc và hệ thống kiểm soát-cân bằng quyền lực mạnh mẽ hằng trăm năm nay, vậy mà cũng đang bị chao đảo trong thời gian gần đây do tin giả và sự xuống cấp của đạo đức. Điều này cho thấy sự quan tâm và hành động của tất cả người dân trong và ngoài chính quyền đều luôn cần thiết để xây dựng và bảo vệ một guồng máy vận hành tốt đẹp, hữu hiệu cho đất nước, bảo vệ thông tin trung thực và quyền tự do ngôn luận, phát huy và bảo vệ các giá trị đạo đức trong xã hội.

Cần phải gột rửa thành kiến “chính trị là xấu” và cho rằng tất cả những người tham chính đều vì động lực xấu. Song song, cần xiển dương những nỗ lực phục vụ tốt, khích lệ những hoạt động chính trị lành mạnh và việc tham chính để phục vụ xã hội trong guồng máy chính quyền, khích lệ sự phê bình những sai sót của công chức trong tinh thần xây dựng, khích lệ tinh thần trách nhiệm và tự trọng của cả giới chức lẫn người dân (thí dụ giới chức Nhật Bản biết xin lỗi quốc dân và từ nhiệm khi làm điều sai sót lớn), tri ân và hỗ trợ những người phục vụ vô vụ lợi trong xã hội.

Nguy cơ chính trị hóa khoa học, dịch bệnh và tội phạm hóa quyền con người

Tội phạm hóa quyền căn bản của con người là chuyện đang xảy ra tại Việt Nam và trong tất cả những thể chế độc tài, thay vì được bảo vệ bằng hiến pháp và luật pháp.

Chế độ Cộng Sản Việt Nam không những gạt ra ngoài quan tâm chính trị của người dân (cho rằng đã có đảng và nhà nước lo) mà còn cấm đoán, thậm chí tội phạm hóa các hành xử hay suy nghĩ khác với nhà nước độc tài, lên án ngay cả những người góp ý tốt để cải thiện đất nước là phản động hay phản quốc, và tước đi quyền chính trị căn bản nhất của người dân, đó là quyền chọn lựa người xứng đáng điều hành đất nước và quyền tham chính.

Trong khi đó, những thành phần xấu tại các quốc gia tự do thì đang chính trị hóa mọi thứ, tức lợi dụng chính trị để bóp méo thông tin về dịch bệnh hay khoa học và cả những vấn đề xã hội như chủng tộc, tôn giáo… hầu trục lợi.

Nguy cơ của việc “tội phạm hóa” quyền con người tạo ra sự ngăn cản trao đổi thông tin và những thảo luận tích cực cần thiết để tìm ra sự thật đằng sau những thông tin giả và xuyên tạc của những kẻ lợi dụng thời cơ để trục lợi. Việc thu tóm quyền lực trong tay một thiểu số đã khiến những đóng góp cho ích lợi chung của đa số bị loại trừ, và hiện trạng đại dịch trở thành vô phương kiềm chế chính là hệ quả của hệ thống chính trị sai lầm trên đất nước ta ngày hôm nay.

Tác giả Nguyên Sa đã nhận định: “Nếu thờ ơ, bạn đang để yên cho các chính trị gia muốn làm gì cuộc đời bạn thì làm.” Xin thêm: Chỉ với ý thức đúng đắn và hành động tích cực của mỗi chúng ta chung lòng đóng góp thì mới có thể chấm dứt đại dịch COVID-19, và bài trừ một đại dịch nữa nguy hiểm hơn gấp bội, đó là “khủng hoảng niềm tin.”

Trần Diệu Chân, tiến sĩ kinh tế, hoạt động nhân quyền và truyền thông tại Mỹ từ 1980 -2021.

- Quảng Cáo -