Vụ mì ăn liền Hảo Hảo

- Quảng Cáo -

Vu Kim Hanh

TƯ VẤN CỦA CHUYÊN GIA TIN CẬY V/V MÌ ĂN LIỀN HẢO HẢO

Trong khi chờ cơ quan chức năng kết luận, mời bạn hãy đọc bài phỏng vấn đăng trên SOHA hôm qua (tôi trích phần nói trực tiếp chất Ethylene Oxide trong mì).

Anh VŨ THẾ THÀNH là chuyên gia tin cậy về quản trị chất lượng thực phẩm, hóa chất & phụ gia thực phẩm. Dù luôn thận trọng khi dùng từ chuyên gia, nhất là chuyên gia tin cậy, nhưng tôi khẳng định điều này với anh VTT sau hơn 20 năm làm việc với anh, từ khi anh là tổ trưởng tổ tư vấn kỹ thuật của báo Sài Gòn Tiếp Thị (bộ cũ), nhất là sau cuộc đấu tranh với âm mưu dùng arsenic làm hại nước mắm truyền thống.

- Quảng Cáo -

PV: Đại diện Acecook Việt Nam khẳng định, họ không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide ở bất cứ công đoạn sản xuất nào. Vậy vì sao Ethylene Oxide lại có mặt trong mì ăn liền?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Tôi cũng thấy không có lý do nào để dùng ethylen oxide trong sản xuất mì gói, không chỉ riêng Acecook, mà các hãng mì gói khác trong nước cũng thế.

Có thể do nhiễm ethylen oxide ngay từ nguồn nguyên liệu đặt mua từ bên ngoài như bột tiêu hành ớt tỏi… gì đó. Xin nhấn mạnh, tôi không chắc chắn từ gói gia vị, vì Acecook còn đang trong quá trình kiểm tra lại quy trình của họ.

Acecook là công ty lớn, quy trình kiểm soát chất lượng rất tốt, hồ sơ ghi chép đầu vào, đầu giữa, đầu ra còn lưu đầy đủ. Họ cần thời gian để kiểm tra, phân tích lại nguyên liệu để xác định nguyên nhân. Sau khi có kết quả, tôi hy vọng Acecook sẽ minh bạch mọi vấn đề. Lúc đó sẽ rõ thực hư.

Có điều, tôi khó hiểu với cách làm việc của cơ quan chức năng trong nước. Thông báo của Bộ Công thương, đầy những cụm từ nào là chỉ đạo phối hợp, rà soát, kiểm tra xác minh, làm rõ quy trình sản xuất, xác định các vi phạm… nghe hơi HÌNH SỰ. …Vấn đề là làm thế nào để khuyết điểm đó không xảy ra trong tương lai, không chỉ với Acecook mà còn với các doanh nghiệp khác có cùng chủng loại sản phẩm cũng có thể rút kinh nghiệm được

Phải biết rằng, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, dù hiện đại đến đâu, cũng phải đương đầu với rủi ro an toàn thực phẩm. Tuyệt đối không có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm nào là hoàn hảo cả, chỉ có thể giúp làm giảm rủi ro thôi.

Và việc kiểm tra an toàn thực phẩm là chuyện thường xuyên, chứ không nên bốc đồng theo vụ việc.

PV: Trong thông báo đăng trên website, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) cho rằng, Ethylene Oxide có thể không gây độc cấp tính, nhưng việc sử dụng sản phẩm có chứa Ethylene Oxide trong thời gian dài có thể gây ra vấn đề về sức khoẻ. Xin ông cho biết, trong trường hợp sử dụng lâu dài và thường xuyên, nguy cơ của chất này đến đâu?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Đúng là ethylen oxide trong thực phẩm không gây ngộ độc cấp tính. Còn về lâu dài có hại hay không vẫn là dấu hỏi. Như tôi đã nói ở trên, châu Âu luôn rất ngặt nghèo về tiêu chuẩn thực phẩm, họ chơi bài “tiên hạ thủ vi cường”…

PV: Nhiều người lo ngại về sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu còn không đảm bảo chất lượng, thì liệu sản phẩm trong nước sẽ thế nào… Nói rộng ra, quy định về an toàn thực phẩm của nước ta so với các nước khác có thấp hơn không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Ethylen oxide không phải là phụ gia thực phẩm, nên không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm là điều không tranh cãi gì nữa.

Nhưng còn dùng ethylen oxide để khử khuẩn nông sản, gia vị… thì sao? Hiện nay chỉ có châu Âu, Mỹ và Canada cấm tiệt, nhưng hầu hết các nước khác lại cho phép. Việt Nam nằm trong số này.

Ireland thuộc châu Âu. Acecook xuất mì gói và miến gói sang Ireland bị “thổi còi” vì vi phạm luật chơi của Châu Âu về ethylen oxide. Còn mì gói Hảo Hảo ở Việt Nam, không có giới hạn về ethylene oxide thì khó lòng bắt bẻ kẽ hở về an toàn.

Quy định về an toàn thực phẩm ở mỗi quốc gia khác nhau, tùy vào đặc tính tiêu dùng của dân bản địa, khả năng kiểm soát… Rất khó so sánh để nói luật an toàn quốc gia này gắt hơn luật quốc gia kia, rồi kết luận là nước này chăm lo sức khỏe cho người dân tốt hơn nước khác.

Vấn đề là thực thi quy định về an toàn thực phẩm nghiêm ngặt, chứ không phải là quy định nước nào gắt gao hơn. Vì mức giới hạn, dù là quy định nào, cũng đều cách rất xa, nhỏ hơn cả trăm lần so với ngưỡng có thể gây hại cho sức khỏe.

PV: Xin ông cho biết quy định về giới hạn Ethylene Oxide ở nước ta có khác so với các nước khác không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành:… Mức giới hạn ethylen oxide tùy thuộc vào loại sản phẩm, chẳng hạn với châu Âu thì:

Gia vị, trà, ca cao do sử dụng rất ít nên được phép ở mức cao nhất: 0,1 mg/kg.

Các loại hạt có dầu quy định gắt hơn với mức 0,05 mg/kg.

Các thực phẩm được tiêu thụ nhiều hơn như trái cây, mứt, rau, ngũ cốc ở mức gắt gao nhất: 0,02 mg/kg.

Quy định của Mỹ và Canada cũng tương tự, khác nhau một chút tùy loại sản phẩm.

Còn Việt Nam và nhiều nước khác không có quy định ngưỡng tối đa với ethylen oxide.

PV: Cuối cùng, ông có thể cho biết, với những vụ việc tương tự như vụ việc này, người tiêu dùng nên ứng xử ra sao để tránh hoang mang và đảm bảo được quyền lợi của mình?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Việc thu hồi sản phẩm do không đáp ứng quy định ở nước ngoài là chuyện xảy ra hàng ngày. Tôi đọc thường xuyên tạp chí an toàn thực phẩm, không số nào không có danh sách dài lê thê sản phẩm bị thu hồi. Dán nhãn sai cũng phải thu hồi. Họ làm rất nghiêm ngặt.

Mì gói, dù mất cân bằng về dinh dưỡng vì nhiều bột nhiều béo, ít xơ ít đạm…, nhưng lại là món ăn phổ biến của người dân, nhất là trong lúc giãn cách về đại dịch.

PV: Xin phép được cắt ngang. Tôi xin hỏi ngoài lề một chút, ông có ăn mì ăn liền không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Có chứ, nhưng không ăn thường xuyên. Sài Gòn giãn cách, nên ăn mì gói hơi nhiều hơn một chút.

Tóm lại, người tiêu dùng nên bình tĩnh, lắng nghe ý kiến của giới chuyên môn và kết quả kiểm tra an toàn. Trong khi chờ đợi, cứ tiếp tục ăn mì gói thoải mái. Nhớ thêm rau, trứng… và bớt gói bột nêm lại vì khá mặn./.

- Quảng Cáo -